Thursday, January 23, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBóc mẽ phương thức “lùa gà” của Công ty cổ phần địa...

Bóc mẽ phương thức “lùa gà” của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty địa ốc Alibaba đã sử dụng thủ đoạn trả lãi hoặc thu mua trở lại với lãi suất cao.

Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty Alibaba (mặc vest màu vàng, tay cầm loa) trong một buổi mở bán tại Đồng Nai.

Tòa án nhân dân TP.HCM vừa có quyết định đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba” ra xét xử sơ thẩm, dự kiến kéo dài 2 tháng, bắt đầu từ ngày 12/8.

Theo cáo trạng, Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty địa ốc Alibaba) được thành lập vào năm 2016 với vốn điều lệ ban đầu là 01 tỷ đồng. Sau 3 lần thay đổi thì đến tháng 9/2017, vốn điều lệ của Công ty tăng lên 1.600 tỷ đồng.

Công ty gồm các cổ đông gồm: Nguyễn Thái Lĩnh giữ 49,5% giữ chức Giám đốc) ; Nguyễn Thái Luyện (anh trai của Lĩnh) giữ 1% nhưng lại là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) điều hành tất cả các hoạt động của công ty ; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) giữ 49,5%.

Phục vụ cho việc kinh doanh của Công ty Alibaba có 22 công ty trực thuộc, hoạt động ở các lĩnh vực: bất động sản, truyền thông, vận tải vv.., đứng tên Giám đốc các công ty là những người thân trong gia đình của Nguyễn Thái Luyện (gồm em, vợ và một số thân nhân khác).

Cơ quan điều tra xác định, các pháp nhân này được Nguyễn Thái Luyện thành lập dùng làm phương tiện cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Luyện và các đồng phạm.

Nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Nguyễn Thái Luyện đưa ra các thông tin không có thật về các “dự án” do Luyện tự đặt tên trên đất nông nghiệp, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện 05 bước để các bị hại tin tưởng và nộp tiền cho Luyện qua các pháp nhân.

Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận;

Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất như nêu trên lập Hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các Công ty này tự vẽ “Dự án” không có thật, trái quy định theo chỉ đạo của Luyện.

Tất cả các dự án đều không đăng ký với Cơ quan quản lý đất đai chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất; không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc thành lập dự án.

Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các Dự án tự vẽ không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa từ 100 m2 đến dưới 400 m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài,…) dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm.

Bước 4: Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong Dự án (tự vẽ) với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các Dự án.

Đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các Dự án có đủ tính Pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh Bất động sản mà đồng ý mua.

Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua, theo sự quảng cáo của Công ty Alibaba thì Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký Hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng Quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng thủ đoạn bán hàng như: cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các Hợp đồng quyền chọn hoặc Phụ lục hợp đồng kèm theo.

Thực tế, toàn bộ các “Dự án” đều do Công ty Alibaba tự vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo và thể hiện trong Hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất.

Việc đưa ra quyền chọn hoặc các Phụ lục hợp đồng kèm theo chỉ nhằm mục đích thu hút nhiều nhà đầu tư vào các “dự án”.

Ngoài hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như nêu trên, Công ty Alibaba cùng 22 pháp nhân trực thuộc không có thêm hoạt động kinh doanh hợp pháp nào khác.

Toàn bộ 22 pháp nhân trực thuộc cùng chi nhánh, đều không có hoạt động kê khai, báo cáo, nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chỉ khai báo nộp thuế môn bài; đều do hệ thống nhân viên Công ty Alibaba đứng tên, vận hành, dưới sự chỉ đạo của Luyện, không phát sinh doanh thu độc lập; Con dấu pháp nhân, chi nhánh và hồ sơ đăng ký kinh doanh do Võ Thị Thanh Mai – vợ Luyện, trực tiếp quản lý.

Theo TAND TP.HCM, vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba là vụ án kỷ lục trong lịch sử tố tụng. Đặc biệt là về số lượng bị hại với 4.361 người, 1 triệu bút lục và hơn 200 người được xác định có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Hiện hồ sơ vụ án được đựng trong 140 thùng. Riêng cáo trạng vụ án lên tới 500 trang. Cơ quan tố tụng phải sử dụng 2 xe tải để vận chuyển hồ sơ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới