Hôm qua (2.8), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thêm điểm đến trong lịch trình công du châu Á khi ghé thăm Đài Loan và dự kiến có cuộc gặp với bà Thái Anh Văn – lãnh đạo đảo này. Gần 22 giờ hôm qua (theo giờ VN), chuyên cơ chở bà Pelosi đã hạ cánh xuống Đài Loan.
Chuyến thăm lịch sử
Ngay khi đến nơi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đã đăng tuyên bố chính thức về chuyến thăm của bà cùng đoàn nghị sĩ, chuyến thăm chính thức Đài Loan lần đầu tiên của một vị chủ tịch Hạ viện Mỹ trong 25 năm.
“Chuyến thăm của đoàn nghị sĩ chúng tôi đến Đài Loan tôn trọng cam kết vững chắc của Mỹ về việc ủng hộ nền dân chủ mạnh mẽ của Đài Loan”, tuyên bố nêu và thông tin thêm: “Cuộc thảo luận của chúng tôi với lãnh đạo Đài Loan sẽ tập trung vào việc tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi đối với đối tác và thúc đẩy lợi ích chung, gồm hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Bà Pelosi nhấn mạnh chuyến thăm này hoàn toàn không trái với chính sách lâu dài của Mỹ vì đây là một trong số nhiều phái đoàn quốc hội Mỹ đến Đài Loan. Bà tuyên bố sự đoàn kết của Mỹ với nhân dân Đài Loan hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ tiếp tục phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng.
Tại Mỹ, nếu tổng thống không thể tiếp tục tại vị thì phó tổng thống sẽ đảm nhiệm thay, và nếu phó tổng thống không thể thay thế thì người tiếp theo trong danh sách kế vị là Chủ tịch Hạ viện. Nói thế để thấy có thể xem Chủ tịch Hạ viện là nhân vật cấp cao xếp thứ 3 trong hệ thống chính trị Mỹ. Chính vì thế, việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan mang ý nghĩa quan trọng.
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét khi trả lời Thanh Niên: “Một khi nhân vật số 3 của hệ thống chính trị Mỹ thăm Đài Loan thì các nhân vật cấp thấp hơn có thể thăm Đài Loan dễ dàng hơn, giúp Đài Loan dễ dàng quan hệ với các nước khác. Đó là lý do tại sao chuyến thăm của bà Pelosi có ý nghĩa quan trọng”.
Tối qua, Văn phòng lãnh đạo Đài Loan thông báo nhà lãnh đạo Thái Anh Văn sẽ tiếp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào sáng 3.8 và sau đó ăn trưa cùng nhau. Reuters dẫn thông báo cho biết thông qua chuyến thăm, phía Đài Loan hy vọng sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác Đài Loan và Mỹ, và duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Quốc dân đảng đối lập tại Đài Loan, đảng ủng hộ tái thống nhất với đại lục, cũng vừa ra thông báo trên Twitter hoan nghênh chuyến thăm của bà Pelosi.
Còn tại Mỹ, nhóm 26 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã cùng đưa ra tuyên bố ủng hộ chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Pelosi đến Đài Loan, thể hiện sự đồng lòng giữa hai đảng tại Mỹ.
Bắc Kinh tuyên bố cứng rắn
Ngay khi máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, Tân Hoa xã đăng tuyên bố chuyến thăm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tảng quan hệ Trung – Mỹ. Bên cạnh đó, Tân Hoa xã cho rằng Trung Quốc coi chuyến thăm này là hành động đùa với lửa nguy hiểm. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện, bao gồm nội dung bắn đạn thật tại 6 khu vực xung quanh Đài Loan từ ngày 4 – 7.8. Mọi tàu thuyền và máy bay bị cấm đi vào các khu vực này.
Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nêu rằng chuyến thăm của bà Pelosi là “hành động khiêu khích chính trị nghiêm trọng” và Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ. “Trung Quốc chắc chắn sẽ có mọi biện pháp cần thiết để cương quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nhằm đáp lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Toàn bộ hậu quả từ đây phải do phía Mỹ và lực lượng ly khai “độc lập Đài Loan” gánh chịu”, theo tuyên bố trên.
Về phía Bộ Quốc phòng Trung Quốc, phát ngôn viên Ngô Kiên của cơ quan này tuyên bố quân đội Trung Quốc “cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy chiến khu Đông bộ Trung Quốc thông báo chiến khu này sẽ thực hiện một loạt chiến dịch quân sự trên không, trên biển gần Đài Loan từ tối 2.8, gồm hoạt động bắn đạn thật tầm xa.
“Hành động này nhắm đến sự leo thang lớn gây sốc gần đây của Mỹ về vấn đề Đài Loan, và là lời cảnh báo nghiêm túc đến lực lượng độc lập Đài Loan hoặc những ai tìm kiếm sự độc lập đó”, theo vị phát ngôn viên của Bộ chỉ huy chiến khu Đông bộ. Liên quan diễn biến này, Bloomberg đưa tin Trung Quốc sẽ phóng tên lửa ở phía đông Đài Loan từ tối qua.
Ý KIẾN
Khuya hôm qua, sau khi bà Pelosi đến Đài Loan, giới chuyên gia quốc tế đã đưa ra các đánh giá về sự kiện này khi trả lời phỏng vấn.
Bắc Kinh đã phản ứng thái quá
Hệ thống chính trị Mỹ có các nhánh ngang nhau, mà trong đó có hành pháp và lập pháp độc lập nhau. Chủ tịch Hạ viện có quyền lực và thẩm quyền riêng, không chịu sự kiểm soát của Tổng thống, thậm chí trong trường hợp 2 người cùng thuộc một đảng như bà Pelosi và đương kim Tổng thống Joe Biden. Ông Biden đã bày tỏ quan điểm rằng sẽ tốt hơn nếu bà Pelosi không đến Đài Loan vào thời điểm này. Nhưng bà ấy là chính trị gia độc lập.
Bắc Kinh đã khiến vấn đề trở thành một cuộc khủng hoảng khi phản ứng thái quá với chuyến thăm của bà Pelosi. Có lẽ sẽ không có thay đổi nào về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cũng như vấn đề eo biển Đài Loan sau chuyến đi. Chính cách phản đối của Trung Quốc thực sự khiến cho bà Pelosi không thể hủy chuyến đi. Tốt nhất là mọi người nên bình tĩnh lại, lùi lại và nhìn nhận tình hình một cách bình thản.
TS John Hamre (Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ).
Gia tăng căng thẳng
Việc chuyến thăm diễn ra sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, dẫn đến nhiều lo lắng trong khu vực. Trước đây, hầu hết các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ coi đó là hành động không cần thiết. Nhưng sau khi thông tin được đưa ra, các đồng minh và đối tác không muốn thấy Mỹ nhún nhường trước áp lực từ Trung Quốc.
Ông Greg Poling (Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI, CSIS)
Đài Loan có thể hản kháng mạnh mẽ trước Bắc Kinh
Do thái độ như vậy của chính quyền Tổng thống Biden, Trung Quốc tin rằng họ có thể thuyết phục ông Biden tác động hủy chuyến thăm của bà Pelosi nếu Trung Quốc gây áp lực mạnh mẽ. Chính phủ Trung Quốc đã thể hiện lập trường mạnh mẽ khi đề cập các giải pháp quân sự và truyền thông nước này đưa ra các thông điệp căng thẳng. Tuy nhiên, sự quyết đoán của bà Pelosi mạnh hơn và đã đến thăm Đài Loan. Bây giờ, vì đã tuyên bố nhiều lập trường mạnh mẽ, Trung Quốc phải hành động cứng rắn để chứng minh quyết tâm. Nhưng nếu Bắc Kinh tiến hành các động thái cứng rắn có thể khiến Đài Loan phản kháng mạnh mẽ, điển hình như cách Ukraine phản kháng Nga.
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ).
Thể hiện quyết tâm của Mỹ
Bà Pelosi thăm Đài Loan bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ của Bắc Kinh. Điều này thể hiện quyết tâm của Washington ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và để bảo vệ Đài Loan và các đối tác cũng như đồng minh trong khu vực. Diễn biến trên cũng chứng tỏ rằng Bắc Kinh đã bất lực trong việc dừng chuyến thăm diễn ra ngay trước thềm đại hội toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bắc Kinh công bố kế hoạch tập trận xung quanh Đài Loan trong những ngày tới nhằm thể hiện cam kết thống nhất Trung Quốc. Với nhiều khí tài hải quân được triển khai trong khu vực, Mỹ có thể tận dụng cơ hội để quan sát các cuộc tập trận của Trung Quốc ở mức độ gần hơn, nên cũng có thể ẩn chứa rủi ro xảy ra những vấn đề ngoài ý muốn giữa 2 bên. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tăng cường áp lực lên các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Nhật Bản, Úc…
PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật).
T.P