Thiếu tướng Christopher McPhillips (ảnh), Giám đốc chính sách và kế hoạch chiến lược, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, vừa trả lời phỏng vấn Thanh Niên về chiến lược của Washington trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Trật tự được quyết định bởi nỗ lực các bên
Thưa ông, Trung Quốc ngày càng phát triển thực lực hải quân, đặc biệt nước này vừa qua đã sở hữu tàu sân bay thứ 3. Trong bối cảnh đó, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) của Mỹ trong thời gian tới như thế nào?
Kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác hợp tác để xây dựng và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ nhằm duy trì hòa bình và an ninh ở Indo-Pacific và hơn thế nữa. Chúng tôi cam kết với khu vực, duy trì Indo-Pacific tự do và rộng mở.
Mặc dù chúng ta đang ở trong thời đại cạnh tranh chiến lược gia tăng, nhưng quỹ đạo cho trật tự của khu vực này trong thế kỷ 21 sẽ được xác định bởi hành động tập thể của chúng ta. Chúng tôi nhận ra rằng lợi ích của Mỹ, các đồng minh và đối tác chỉ có thể được nâng cao nếu Mỹ duy trì cam kết ở Indo-Pacific và củng cố khu vực này cùng với các đồng minh và đối tác thân cận nhất.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã khởi xướng một số nỗ lực nhằm phục hồi mạng lưới các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực, đồng thời đẩy nhanh việc phát triển các năng lực tiên tiến và các hình thức hoạt động mới cho đồng minh, đối tác.
Nỗ lực quân sự hỗ trợ sáng kiến ngoại giao
Năm 2020, Mỹ công bố về kế hoạch tích hợp sức mạnh hải quân để tận dụng, hợp nhất hoạt động hải quân, thủy quân lục chiến và lực lượng tuần duyên nhằm thúc đẩy sự đảm bảo an ninh. Kế hoạch này tác động như thế nào đến chiến lược Indo-Pacific của Mỹ?
Nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Indo-Pacific là ngăn chặn xung đột khu vực thông qua việc thực hiện răn đe tổng hợp, bao gồm đồng bộ hóa các hành động của các lực lượng trên tất cả lĩnh vực và đảm bảo rằng các nỗ lực quân sự của chúng tôi bổ sung và hỗ trợ các sáng kiến ngoại giao và kinh tế, tất cả đều được đồng bộ hóa với các đồng minh và đối tác của chúng tôi.
Để tăng cường các quan hệ hợp tác quốc phòng, Mỹ hằng năm tổ chức hơn 100 cuộc tập trận với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Các liên minh an ninh và quan hệ đối tác của chúng tôi đảm bảo sự ổn định lâu dài. Các hành động của chúng tôi hôm nay sẽ duy trì lợi thế trong tương lai. Thông qua các nỗ lực đổi mới, chúng tôi sẽ đảm bảo quân đội Mỹ có thể hoạt động trong môi trường thay đổi nhanh chóng và có nhiều mối đe dọa, chẳng hạn như vũ trụ, không gian mạng và các công nghệ mới nổi.
Vậy còn chiến lược của Mỹ tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương – khu vực đang có sự gia tăng cạnh tranh của Trung Quốc?
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 12.7 vừa qua đã có cuộc hội nghị với các nhà lãnh đạo Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương. Trong đó, bà đã công bố các cam kết mới nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của Mỹ với khu vực như: sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ tăng gấp 3 mức hỗ trợ nghề cá trong khu vực; xây dựng và ban hành chiến lược quốc gia đầu tiên của Mỹ đối với các đảo Thái Bình Dương; đưa lực lượng tình nguyện viên của Đoàn Hòa bình quay trở lại các đảo Thái Bình Dương; tiến tới tái lập phái bộ khu vực của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Thái Bình Dương…