Sunday, January 12, 2025
Trang chủQuân sựKỷ nguyên tác chiến xe tăng sẽ kết thúc sau cuộc chiến...

Kỷ nguyên tác chiến xe tăng sẽ kết thúc sau cuộc chiến Ukraine-Nga 2022?

Cuộc chiến tại Ukraine đã đặt ra câu hỏi về tác dụng của xe tăng trên chiến trường và khả năng sống sót của chúng trước các vũ khí chống tăng vác vai.

Một xe tăng bốc cháy trên chiến trường Ukraine.

Các con số ước tính là khác nhau. Theo cơ sở dữ liệu Oryx, Nga mất khoảng 1.000 xe tăng trên chiến trường Ukraine kể từ đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ vào ngày 24/2/2022. Không có số liệu đáng tin cậy về số lượng xe tăng của Ukraine bị phá hủy nhưng con số đó có thể nhỏ hơn của Nga vì phía Ukraine ít triển khai xe tăng hơn.

Một số nhà phân tích nghĩ rằng cuộc chiến Ukraine đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên tác chiến bằng xe tăng. Số khác coi đây là chiến thắng cho các chiến thuật vượt trội sử dụng các vũ khí chống tăng vác vai, đặc biệt là Javelin của Mỹ và NLAW (vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới) của Thụy Điển và Anh.

Nhiều xe tăng đã bị hạ gục trong các cuộc phục kích do lính bộ binh đối phương tiến hành sử dụng tên lửa Javelin, NLAW và các loại vũ khí vác vai khác.

Đáng chú ý, chính người Nga đi tiên phong trong sử dụng vũ khí chống tăng. Trong cuộc chiến tranh Yom Kippur 1973, quân đội Ai Cập đã sử dụng nhiều vũ khí chống tăng Sagger của Liên Xô. Trong lúc các kíp xe tăng Israel vất vả tìm cách hạ Sagger thì lính bộ binh Ai Cập có thể dùng súng chống tăng RPG-7 (tức B-41 theo cách gọi của Việt Nam) để làm nổ tung xe tăng đối phương ở cự ly rất gần.

Sau cuộc chiến 1973, Mỹ dẫn đầu việc phát triển xe tăng có lớp giáp tinh vi. Đột phá quan trọng nhất là giáp Chobham – một ma trận thép-gốm nằm xen giữa các miếng giáp tiêu chuẩn được thiết kế để hấp thụ sốc do vũ khí chống tăng gây ra. Xe tăng Abrams M1 của Mỹ và xe tăng Chieftain của Anh sử dụng loại giáp này và giáp được cải thiện theo thời gian.

Liên Xô bám đuổi các bước phát triển ở Mỹ và Anh bằng loại giáp composite riêng của mình có tên gọi Kết hợp K. Giáp được chèn giữa các lớp thép như giáp Chobham. Người ta cho rằng giáp này gồm sợi thủy tinh/nhựa và gốm nằm trong 3 lớp.

Kết hợp K được sử dụng để sản xuất xe tăng T-72. Nga cải tiến giáp composite cho các xe tăng T-90A, được cho là đã chặn thành công các quả đạn B-41 trong chiến tranh Chechnya.

Giáp phản ứng

Nga đã phát triển ít nhất 3 loại giáp phản ứng nổ (ERA) khác nhau. Giáp phản ứng sử dụng các tấm thuốc nổ ít nhạy cảm để làm trật hướng đạn chống tăng, khiến nó mất năng lượng và không xuyên thủng được lớp giáp.

Nhiều xe tăng T-72 ở Ukraine có giáp phản ứng, chủ yếu ở mặt trước và một chút ở gờ phía dưới của cạnh bên xe. Nhưng giáp phản ứng không bảo vệ tháp xe tăng. Giáp composite cũng không bảo vệ tháp, có ít tác dụng sử dụng trên tháp.

Xe tăng Nga được sử dụng ở Ukraine chủ yếu được gắn ERA Kontakt-5 – một loại giáp phản ứng thế hệ 2. Mẫu xe tăng T-72 B3M thì được gắn giáp phản ứng thế hệ 3, được gọi là Relikt. Dù có nâng cấp này, khoảng 100 xe tăng T-72 B3M được cho là đã bị phá hủy ở Ukraine.

Có những hệ thống khác trên xe tăng Nga và phương Tây được thiết kế để đánh lệch đạn chống tăng. Chẳng hạn, xe tăng Nga có thể tạo ra một màn khói khi phát hiện có đạn bay tới. Nhưng cách này chỉ có tác dụng khi xe tăng có radar và các hệ thống khác để dò mối đe dọa, đồng thời hệ thống đó phải có khả năng phun khói đủ nhanh để gây rối loạn cho cảm biến trên quả đạn chống tăng.

Một kỹ thuật khác là cố gắng gây tắc hệ thống chống tăng bằng phương pháp điện tử hoặc quang học nhưng cách này có giá trị hạn chế.

Hệ thống phòng thủ chủ động

Cách tiếp cận thực sự hiệu quả là dựa vào hệ thống bảo vệ chủ động (APS). Một APS phát hiện mối đe dọa đang lao tới và phóng ra một đạn nổ (EEP) để phá hủy viên đạn bay tới. Để đạt được APS, một xe tăng cần được che chở bởi radar và có hệ thống phóng EEP và máy tính tốc độ cao. Trophy APS của Israel được cho là hệ thống tốt nhất hiện nay. Hệ thống này được triển khai trong quân đội Israel và ở Đức (trên xe Leopard 2), ở Mỹ (trên xe Abrams).

Hệ thống Trophy được thiết kế để không gây nguy hiểm cho bộ binh ở phía sau hoặc xung quanh xe tăng. Khi Trophy hoạt động 360 độ quanh xe tăng, bao gồm cả phía trên xe tăng, nó bảo vệ cả tháp pháo – nơi có lẽ là điểm yếu nhất của xe tăng.

Các hệ thống vũ khí như Javelin được thiết kế để đột nóc xe tăng, làm nổ tung tháp pháo của xe tăng. NLAW thì được thiết kế để nổ ngay phía trên tháp pháo, với hướng nổ quay xuống phía dưới.

Theo những thông tin có được hiện nay, không có xe tăng nào của Nga ở Ukraine được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động.

Trong quá khứ, Nga từng thiết kế ít nhất 3 APS nhưng không hệ thống nào được quân đội Nga lựa chọn sử dụng.

Nga tuyên bố có một APS mới cho siêu tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata, gọi là Afganit, nhưng hệ thống này chỉ che chở được 300 độ quanh xe tăng (không che được đuôi xe tăng).

Thiếu tiền phát triển?

Rất khó hiểu việc xe tăng Nga ở Ukraine không được gắn APS (hệ thống bảo vệ chủ động). Dường như Nga sẵn lòng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chứ không phải là sản xuất hàng loạt, có lẽ vì thiếu tiền.

T-72 được Nga lựa chọn cho sản xuất hàng loạt vì giá của nó chỉ bằng một nửa so với xe T-80, loại xe tăng có năng lực tốt hơn.

Nga có 2 hạn chế chính. Thứ nhất là thiếu một cơ sở công nghiệp nội địa thích hợp để sản xuất các vũ khí tinh vi cần đến các thiết bị điện tử cao cấp. Thứ hai là thiếu tiền.

Ngày nay Nga sẽ phải xây dựng lại năng lực thiết giáp và bảo đảm xe tăng của mình tồn tại được trước các loại vũ khí chống tăng hiện đại. Liệu Nga sẽ xúc tiến sử dụng xe tăng T-14 Armata siêu đắt tiền nhưng không được sản xuất hàng loạt hoặc tìm một phương án thay thế khác, rẻ hơn nhưng cũng vẫn có khả năng sống sót cao?

Nếu được trang bị APS, xe tăng vẫn cần cho tác chiến và đưa hỏa lực mạnh vào trận chiến miễn là nó được sử dụng đúng đắn và có thể tồn tại trước hỏa lực đối phương. Bài học cho Nga và cả quân đội các nước khác là phải hiện đại hóa lực lượng thiết giáp của mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới