Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ phản đòn- nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự

TQ phản đòn- nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự

Sau khi bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ kết thúc chóng vánh chuyến thăm không chính thức Đài Loan, Trung Quốc đã lập tức phản đòn. Bắt đầu là cuộc tập trận quy mô lớn, áp sát hòn đảo.

Theo thông báo của Đài truyền hình CCTV, Trung Quốc, từ 12h ngày 4/8 đến 12h 7/8, một cuộc tập trận quy mô lớn của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ diễn ra”. Trong cuộc “diễn tập chiến đấu thực tế này”, có tới 6 khu vực chính chung quanh đảo đã được lựa chọn. PLA yêu cầu, trong thời gian tập trận, tất cả tàu và máy bay không được đi vào các vùng biển cùng không phận liên quan.

Đó là 6 vùng chung quanh Đài Loan, nằm ở phía Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, Đông, Nam và Tây Nam hòn đảo. Có một số điểm chỉ cách bờ biển Đài Loan 15 km. Có thể hình dung quân đội Trung Quốc đã áp sát phên giậu Đài Loan, chỉ cần một mệnh lệnh là máu chảy đầu rơi.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan thông báo khẩn cấp, các lực lượng của họ đang theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận giống như đe dọa đánh úp này để giáng trả kịp thời. Đại diện Cơ quan phòng vệ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ duy trì nguyên tắc chuẩn bị cho xung đột, nhưng không gây chiến và giữ thái độ không leo thang xung đột, không gây ra tranh chấp”.

Thực ra chuyến thăm của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ chỉ như giọt nước tràn ly. Căng thẳng giữa Đại lục và hòn đảo “ương bướng” này diễn ra âm thầm từ lâu và không ngừng gia tăng từ năm 2021 cho đến nay. Biểu hiện rõ nhất là, Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc tập trận ngoài khơi Đài Loan. Cụ thể, hồi đầu tháng 5, PLA cho triển khai hàng không mẫu hạm cùng 5 tầu khu trục cách Đài Loan khoảng 500 km. Còn nếu tính cả năm 2021, theo ghi nhận của Đài Loan, Quân đội Trung Quốc đã có 969 cuộc xâm nhập vùng nhận diện phòng không của hòn đảo này.

Vì sao Đài Loan lại trở thành điểm ngắm của Mỹ? Câu trả lời ngắn gọn nhất: Đây là chốt chặn chiến lược an toàn cho Mỹ. Nó cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Mới đây trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Mỹ phản đối mạnh mẽ bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Theo ông Marc Julienne, nhà nghiên cứu về các hoạt động của Trung Quốc, Trung tâm Châu Á, Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), có ba lý do mà Mỹ muốn nắm Đài Loan coi như đây là bàn đạp tấn công ở khu vực này.

Một, Đài Loan giống như một dạng chốt chặn chiến lược nằm ngay giữa chuỗi đảo thứ nhất. Chuỗi đảo này đi từ quần đảo Nhật Bản, qua Đài Loan, rồi đến quần đảo Philippines, Indonesia đến tận Malaysia. Trung Quốc coi “chuỗi đảo thứ nhất” là rào chắn lối ra Thái Bình Dương.

Hai, tuy không có Hiệp ước liên minh như mong muốn với Đài Bắc, nhưng nếu như Trung Quốc liều lĩnh xâm lược Đài Loan mà Washington không phản ứng, thì đây sẽ là một tín hiệu rất xấu đối với các đồng minh, nhất là với Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai nước này luôn cảm thấy bị Trung Quốc chèn ép, đe dọa. Nếu Mỹ quá “mập mờ chiến lược” sẽ làm phương hại đến mạng lưới liên minh Mỹ-Nhật-Hàn.

Ba, vấn đề chất bán dẫn vốn là một thế mạnh cực lớn của Đài Loan. Mỹ và nhiều nước trên thế giới đều rất cần đến kỹ nghệ và năng lực sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan.

Trong khi Mỹ tuyên bố tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” nhưng vẫn “bắt cá hai tay”, với tuyên bố của Lầu năm góc, rằng sẽ không bỏ rơi Đài Loan khi Mỹ tấn công Trung Quốc bằng quân sự, như cách mà Nga đã làm với Ukraine. Trong tình thế ấy, Đài Bắc không có cách nào khác là phải có chính sách ngoại giao khôn khéo và tăng cường khả năng phòng thủ.

Nếu như Trung Quốc bất ngờ tấn công Đài Loan, cũng tương tự cuộc chiến Nga- Ukraina, đây sẽ là một cuộc chiến bất cân xứng. Mặc dù Đài Loan có nguồn lực quân sự riêng, nhưng ngân sách cho quốc phòng chỉ ở mức 15 tỷ USD hàng năm, thua xa con số 250 tỷ USD của Trung Quốc. Nhưng trong một cuộc chiến phải biết dùng thế thắng lực. Đài Loan có thể tận dụng địa hình thuận lợi của mình. Hòn đảo này được ví von là một pháo đài hải quân, một chiếc hàng không mẫu hạm không thể chìm.

Vì vậy, phương án phòng thủ cơ bản nhất của hòn đảo này là kháng cự ý đồ tấn công chớp nhoáng từ Trung Quốc, giống như kịch bản những ngày đầu cuộc chiến của Nga tại Ukraina. Giả sử Trung Quốc tập trung bắn phá vào những nơi ra quyết định quân sự và chính trị ở Đài Loan, tiếp đến là các cảng hàng không thì Đài Bắc phải huy động tối đa sức mạnh không quân để nhanh chóng có được ưu thế tại eo biển.

Cùng với đó là thực hiện các cuộc tấn công tin học làm tê liệt các chiến dịch lực lượng đặc nhiệm. Phòng thủ phải chống lại được tất cả các ngón đòn của PLA, và có khả năng kháng cự ngay từ đợt tấn công đầu tiên.

Còn nếu Quân đội Trung Quốc thực hiện một cuộc đổ bộ từ biển hay từ trên không thì Đài Loan phải sử dụng hệ thống tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không- vũ khí mua chủ yếu từ Mỹ. Điều này cho phép gây thiệt hại không nhỏ cho lực lượng Trung Quốc.

Cần nói thêm, Đài Loan là một liên thị lớn nằm dọc theo bờ phía tây của đảo. Cuộc chiến đô thị, cũng có thể gây khó khăn cho lực lượng chiếm đóng. Cho nên để thu hồi Đài Loan bằng chiến dịch quân sự sẽ là không hề đơn giản đối với chính quyền Bắc Kinh.

Chuyến thăm trong “bão táp” của Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới Đài Loan đã kết thúc. Câu chuyện của hai người đàn bà thép Pelosi và Thái Anh Văn vẫn hoàn toàn bí mật. Thế nhưng, đúng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Biden: “Đừng đùa với lửa”, lửa đã bùng cháy dữ dội chung quanh Đài Loan.

Những ngọn lửa âm ỉ chỉ bị dập tắt khi các bên Trung Quốc-Đài Loan-Mỹ tìm ra được các giải pháp tối ưu, tránh được những tính toán sai lầm. Còn nếu như bên nào cũng cho rằng trách nhiệm dập lửa là của phía bên kia thì khó tránh khỏi xung đột quân sự. Nếu chiến tranh xảy ra, hậu quả một cuộc đối đầu quân sự giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tàn khốc hơn nhiều so với cuộc chiến ác liệt ở Ukraine.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới