Monday, January 27, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ thấy hớ khi “lên cơn điên” với Mỹ

TQ thấy hớ khi “lên cơn điên” với Mỹ

Vừa qua Trung Quốc đã thực hiện tập trận rầm rộ để phản đối lãnh đạo Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan. Liệu cơn tức giận này của Trung Quốc sẽ được duy trì hay sẽ phải hạ nhiệt để lấy lòng các nước châu Á cận kề mình?

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị 2 lần rời bỏ sự kiện ở Campuchia để phản đối việc Trung Quốc bị tố phản ứng thái quá trong vấn đề Đài Loan.

Vừa phải đẩy cao căng thẳng, vừa phải kiềm chế

Phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, bao gồm việc phô diễn sức mạnh quân sự và những lời công kích dữ dội nhằm vào Mỹ và Nhật Bản, đã tăng mức độ cam kết của Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan từ góc độ ngoại giao. Tuy nhiên, giờ đây Trung Quốc đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan – tiếp tục leo thang căng thẳng hay tìm cách lôi kéo các nước láng giềng về phía mình?

Ngay sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, Bắc Kinh đã nỗ lực phong tỏa hiệu quả Đài Loan bằng các cuộc tập trận bắn đạn thật chưa từng có tiền lệ, trừng phạt bà Pelosi và gia đình bà, tạm ngừng các đường dây liên lạc với Washington về các vấn đề như an ninh hàng hải và biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hai lần rời khỏi các sự kiện tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia để thể hiện sự tức giận của Bắc Kinh trước việc bị tố là “phản ứng tổng thể thái quá”.

Thế nhưng vào ngày 8/8 này, Trung Quốc sẽ tiếp Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin lần đầu công du Trung Quốc vào thời điểm nhiều ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol từ chối gặp gỡ bà Pelosi khi bà thăm Hàn Quốc.

Khác với Nhật Bản, Hàn Quốc đã kiềm chế đáng kể khi bình luận về vấn đề Đài Loan và chuyến thăm của bà Pelosi tới hòn đảo này, bất chấp việc Tổng thống Yoon có thái độ thân Mỹ.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng tổ chức các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta ở Campuchia.

Hiếm khi Trung Quốc tức giận đến như vậy

Sourabh Gupta – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ ở Washington, đã chỉ ra thế tiến thoái lưỡng nan cho Bắc Kinh khi nước này cố gắng cân bằng giữa nhu cầu đẩy mạnh răn đe quân sự chống lại Đài Loan với việc tránh gây sợ hãi cho các nước láng giềng châu Á của mình.

Ông Gupta nói: “Không ai ở châu Á muốn chứng kiến một giải pháp phi hòa bình cho vấn đề Đài Loan, bao gồm cả kịch bản của Bắc Kinh… Nhưng đồng thời gần như không ai ở châu Á lại muốn chứng kiến địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương bị kẹt tại eo biển Đài Loan, nhất là trong thời kỳ xung đột Nga-Ukraine hiện nay”.

Nhà nghiên cứu này nhận định rằng sau khi Trung Quốc đưa ra những lời chỉ trích gay gắt, cách tiếp cận khôn ngoan nhất của họ là gửi sứ giả tới thủ đô các nước lớn nhỏ và tái khẳng nguyên tắc “Một Trung Quốc” cũng như chỉ ra việc Mỹ vi phạm chính sách “Một Trung Quốc” của chính họ. Tuy nhiên, theo ông, có khả năng Trung Quốc sẽ không lựa chọn phương án này do tính tự tôn của họ.

Ngoài phản ứng rời bỏ sự kiện hội nghị, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng hủy các cuộc họp đã lên kế hoạch trước với Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa ở Campuchia bất chấp các kỳ vọng ông sẽ gặp gỡ cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken – cuộc gặp này cũng đã không diễn ra nốt.

Bắc Kinh cũng triệu tập các đại sứ của nhóm G7 để phản đối một thông cáo chung tố Trung Quốc cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan bằng vũ lực.

Giới quan sát nhận xét, hiếm khi nào Trung Quốc lại công khai các căng thẳng đó với sự quyết liệt như vậy.

Trung Quốc sẽ phải dừng đúng chỗ để tránh thiệt hại kinh tế và bảo đảm ổn định nội bộ

Koh King Kee – Chủ tịch Trung tâm New Inclusive Asia, một tổ chức nghiên cứu tư vấn ở Malaysia, cho rằng việc ông Vương hủy cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Nhật Bản ít khả năng “dẫn tới tình trạng tự cô lập hoặc bất lợi ngoại giao cho Bắc Kinh”.

Ông Koh bổ sung: “Trung Quốc sẽ tập trung phản ứng trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi bằng cách trừng phạt Đài Loan và phản đối Mỹ. Họ sẽ không muốn gây thù oán một cách không cần thiết với các đồng minh Mỹ về chuyến thăm của bà Pelosi, nhằm tránh các tác động tiêu cực lên quan hệ thương mại với các nước này”.

Ông Koh đánh giá, dù Trung Quốc thấy cần thiết phải hành động, như trừng phạt các cá nhân, mục đích chính của họ là “răn đe các chính trị gia từ các nước đồng minh của Mỹ không thăm Đài Loan chỉ để thu lấy ảnh hưởng chính trị cá nhân”.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố chung vào hôm 5/8, hối thúc tất cả các bên giảm căng thẳng về Đài Loan, đồng thời cảnh báo nguy cơ “tính toán nhầm, đối đầu nghiêm trọng, xung đột công khai và các hậu quả khó lường giữa các cường quốc”.

Mặc dù từ chối chọn bên, các nước ASEAN tái khẳng định sự ủng hộ của họ dành cho nguyên tắc “Một Trung Quốc” sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới Đài Loan.

Nick Bisley – Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học La Trobe (Australia) nói rằng phản ứng toàn diện và mạnh mẽ của Trung Quốc trước chuyến thăm của bà Pelosi đã gây bất an cho khu vực.

Giáo sư Bisley nói: “Vấn đề là Mỹ và các nước khác đã chuẩn bị kỹ đến đâu để đẩy lùi Trung Quốc và đây chính là chỗ rủi ro lớn nhất. Nếu Mỹ cảm thấy rằng mình đã thực sự sẵn sàng cho việc đẩy lui Trung Quốc thì mọi thứ có thể leo thang nhanh chóng, theo hướng nguy hiểm”.

Lu Xiang – một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng phản ứng từ Bắc Kinh cho thấy họ có sự kiềm chế và tính đến các lợi ích an ninh của các nước láng giềng châu Á.

Lu Xiang cho rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc sẽ sớm kết thúc. “Bắc Kinh sẽ cố gắng hết sức để tối thiểu hóa các tác động gây ra cho các nước khác, bao gồm việc ảnh hưởng tới các chuyến bay thương mại”.

Li Mingjiang – Phó Giáo sư tại trường Quốc tế học Rajaratnam (Singapore) dự báo Trung Quốc sẽ dần dần hạ nhiệt tình hình bởi vì ổn định là ưu tiên hàng đầu của họ, nhất là trước sự kiện lớn liên quan đến việc bầu chọn nhân sự cấp cao của nước này vào mùa thu 2022.

Li Mingjiang bình luận: “Sau khi thể hiện cơn tức giận thông qua các cuộc tập trận, các lệnh trừng phạt và khẩu chiến, Bắc Kinh sẽ cần hạ nhiệt các căng thẳng leo thang, phù hợp với lợi ích tổng thể của Trung Quốc”.

“Khi mà Trung Quốc đang đối mặt với áp lực trong nước về một loạt vấn đề xã hội và kinh tế, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thận trọng khi đương đầu với các thách thức từ bên ngoài nhằm tránh gây xáo trộn ổn định nội bộ”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới