Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTừ tập trận đến phong tỏa Đài Loan

Từ tập trận đến phong tỏa Đài Loan

Lẽ ra cuộc tập trận chung quanh Đài Loan đã kết thúc sau 4 ngày (từ ngày 4 đến 7/8), thế nhưng Quân đội Trung Quốc (PLA) bất ngờ thông báo sẽ kéo dài cuộc tập trận. Kéo dài đến bao giờ là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Và điều này khiến các nhà quan sát lo ngại về một cuộc phong tỏa Đài Loan.

Trực thăng quân sự Trung Quốc bay qua đảo Pingtan hôm 4/8.

Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Pelosi, rời khỏi Đài Bắc sau 19 giờ có mặt ở hòn đảo này, PLA đã mở các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn tại 6 vùng biển chung quanh Đài Loan. Lần đầu tiên có tới một nửa số khu vực tập trận chồng lấn vào lãnh hải mà Đài Loan tuyên bố (3 trên 6 khu vực có các góc chồng lấn).

Phát biểu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Thiếu tướng, giáo sư Mạnh Tường Thanh – Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh – giải thích 6 khu vực tập trận nêu trên được Trung Quốc chọn vì tầm quan trọng của chúng. Nó rất quan trọng khi quân đội đảm nhiệm sứ mệnh thực hiện một chiến dịch nhằm phong tỏa Đài Loan và ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài.

Vậy là chính quân đội Trung Quốc đã nhắc đến hai chữ “phong tỏa”. Còn cụ thể Đại lục sẽ phong tỏa như thế nào, thời gian bao lâu, mục đích, yêu cầu của phong tỏa thì vẫn chưa được tiết lộ.

Hôm qua, 8/8, Bộ chỉ huy miền đông của quân đội Trung Quốc ra thông cáo cho biết “tiếp tục tiến hành các bài thực hành liên quân trong vùng biển và vùng trời của Đài Loan, với việc tập trung vào phối hợp tác chiến chống tầu ngầm và tấn công trên biển”. Không rõ cuộc tập trận kéo dài này sẽ diễn ra trong khu vực nào, có bắn đạt thật hay không?

Cuộc tập trận trong bốn ngày trước đó là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay trong khu vực chung quanh đảo Đài Loan. Nó thu hút sự tham gia của nhiều chiến đấu cơ, tàu chiến, máy bay không người lái. Lần đầu tiên tên lửa đạn đạo đã phóng qua vùng trời Đài Loan.

Nhằm đe dọa Đài Bắc, Quân đội Trung Quốc đã phổ biến rộng rãi trên báo chí các hình ảnh chiến hạm của họ áp sát tàu chiến của Đài Loan, cách chỉ vài trăm mét.

Trước các hành động của Trung Quốc, quân đội Đài Loan đã hết sức kiềm chế, đồng thời thông báo họ cũng sẽ tổ chức tập bắn đạn thật từ ngày 9/8.

Trước quy mô và tính chất cuộc tập trận của Trung Quốc, các nước phương Tây và Nhật Bản rất lo ngại.

Cùng với các hoạt động quân sự nêu trên, Bắc Kinh thông báo dừng các cuộc đối thoại, hợp tác Mỹ-Trung, trong đó có các cam kết hợp tác về chống biến đổi khí hậu toàn cầu và đối thoại về quốc phòng giữa hai cường quốc 8/8, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: “Tình hình căng thẳng hiện nay trong vùng eo biển Đài Loan là hoàn toàn do phía Mỹ gây ra. Washington phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và hậu quả nghiêm trọng từ việc làm đó”.

Nhân nói về mối lo một cuộc phong tỏa sẽ xảy ra, Báo New York Times đưa tin, các quan chức Nhà Trắng đã theo dõi sát tình hình, đánh giá bước đầu là: chiến lược của Trung Quốc chủ yếu nhằm đe dọa và ép buộc, mà không gây xung đột trực tiếp. Khả năng Trung Quốc cắt đứt toàn bộ các con đường tiếp cận tới Đài Loan là khó xảy ra. Vì nếu cắt đứt sẽ gây tổn hại không chỉ cho Đài Loan mà còn cho cả Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế đại lục đang tăng trưởng chậm lại.

Còn các chuyên gia, các nhà bình luận quốc tế thì tỏ ý lo ngại rằng, cuộc tập trận có thể leo thang. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Một, nếu như một cuộc tập trận quân sự chuyển thành một cuộc phong tỏa thì đến khi nào mới có thể khẳng định? Hai, ai sẽ phản ứng đầu tiên? Ba, đó sẽ là lực lượng Đài Loan hay Mỹ?

Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cũng nhận định: cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc ở 6 khu vực chung quanh Đài Loan là âm mưu của Bắc Kinh nhằm phong tỏa hòn đảo này.

Sắp tới không rõ quân đội Trung Quốc sẽ di chuyển đến Đài Loan sâu đến mức nào. Giới chuyên gia dự kiến, Trung Quốc có thể sẽ kiểm tra phản ứng của Đài Loan bằng cách bắn thẳng vào vùng biển mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Nhà nghiên cứu William Overholt tại Trường Harvard Kennedy nhận định: “Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu: Đài Loan là một phần của Trung Quốc, nên hòn đảo này không có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý. Đài Loan hoặc phải bảo vệ vùng lãnh hải này hoặc nhượng bộ”.

Vậy là dư âm chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch hạ viện Mỹ Pelosi còn khá nặng nề. Hành động kéo dài tập trận của PLA thể hiện rõ sự cay cú của Bắc Kinh. Đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu rụi”. Đó là phát ngôn thống nhất của nhà cầm quyền Bắc Kinh dành cho cả Washington và Đài Bắc.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất lúc này là liệu Bắc Kinh có phong tỏa Đài Loan? Tập trận có thể là phép thử đầu tiên. Phép thử ấy đang được kéo dài, cũng là kéo dài thêm những căng thẳng cho Đài Loan.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới