Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc kinh nổi điên: Thật hay diễn?

Bắc kinh nổi điên: Thật hay diễn?

Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thâu tóm Đài Loan, nhưng sẽ thực hiện vào lúc nào là vấn đề khó lường đoán. Trong bối cảnh chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan ngày 2/8, Chủ tịch Tập Cận Bình đang cho tiến hành cùng lúc hai việc: tăng sức ép tối đa lên Đài Loan và chấm dứt hợp tác với Mỹ trong nhiều lĩnh vực.

Bắc kinh cuồng nộ: Thật hay diễn?

Việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan đã kích động một phản ứng mạnh mẽ có thể dự đoán được từ Trung Quốc. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã lao vào giải phân cách đường trung tuyến chia tách eo biển Đài Loan. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo về “hậu quả nghiêm trọng” do chuyến thăm của bà Pelosi tới đảo này. Ông Tập nói với Tổng thống Biden: “Những người chơi với lửa sẽ bị lửa thiêu đốt”. Và hiện nay, Trung Quốc vừa công bố các cuộc thao diễn quân sự lớn với các cuộc tập trận bằng đạn thật bắt đầu từ ngày 4/8 (ngay sau khi bà Pelosi rời Đài Loan). Bóng ma của việc đối đầu quân sự đang hiện ra khá rõ. Nhưng thật ra cũng khó quy trách nhiệm cho bà Pelosi về tình trạng căng thẳng gia tăng trên hòn đảo này. Giả sử bà đã quyết định loại bỏ chuyến thăm Đài Bắc trong chuyến công du châu Á, thì tinh thần “chiến lang” của Trung Quốc đối với Đài Loan vẫn tiếp tục gia tăng cường độ.

Trải qua nhiều đời chính quyền Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi luôn đưa ra các quan điểm không được lòng ngay cả các đồng nghiệp Dân chủ, và lập trường của bà đôi khi bị xem là “không có lợi cho quan hệ Mỹ – Trung”. Năm 1991, Dân biểu Nancy Pelosi từng đứng tại nơi mà hai năm trước đó Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đàn áp thô bạo các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn. Sự đối đầu của Nancy Pelosi với Trung Quốc có thể được coi là đỉnh điểm, vào ngày 2/8/2022 khi bà đến Đài Loan. “Đối mặt với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tăng tốc gây hấn, chuyến thăm của phái đoàn Quốc hội chúng tôi nên được xem như một tuyên bố dứt khoát: Mỹ đứng cùng Đài Loan, một đối tác dân chủ, một đất nước biết bảo vệ bản thân và tự do mình” – Pelosi viết trong chuyên mục xã luận của tờ The Washington Post. Chuyến đi đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp 35 năm của một chính trị gia không ngại chỉ trích Trung Quốc.

Dòng Twitter đầu tiên của bà sau khi chuyên cơ đáp xuống phi trường Đài Bắc: “Chuyến thăm của phái đoàn chúng tôi tới Đài Loan tôn vinh cam kết kiên định của Mỹ trong việc hậu thuẫn nền dân chủ sôi động của Đài Loan”. Lời lẽ có vẻ là ngang xương đấy, nhưng chưa phạm húy. Bà chỉ nói “hậu thuẫn nền dân chủ của Đài Loan” chứ không nhắc gì tới hai chữ cấm kỵ: “độc lập”. Sự dền dứ của hai phía càng rõ khi bà Pelosi rất kỹ lưỡng trong những phát ngôn sau đó: “Các cuộc thảo luận của chúng tôi với giới lãnh đạo Đài Loan tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi với đối tác này và thúc đẩy lợi ích chung của hai phía, bao gồm cả việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Thông điệp của bà Pelosi tránh vi phạm vào nguyên tắc “một Trung Quốc”. Không có chuyện ủng hộ “Đài Loan độc lập”, mà chỉ bàn chuyện “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) thôi!

Hôm 5/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố: Trung Quốc ngừng hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng bao gồm biến đổi khí hậu, đối thoại quân sự và nỗ lực ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia. Trung Quốc dường như cũng đang tiến hành một cuộc tổng diễn tập cho cuộc xâm lược Đài Loan mà họ sẽ tiến hành sau này. Kế hoạch mở đầu bằng cách cuộc tấn công mạng làm gián đoạn thông tin liên lạc, gây hoang mang trong dân chúng. Kế đó là các đợt phóng pháo phản lực hạng nặng nhằm phá hủy các căn cứ phòng không, căn cứ chỉ huy. Các cuộc phóng tên lửa thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm ngăn cản lực lượng tiếp viện của Mỹ ở khu vực phía đông. Sau đó, mới đến các đợt tấn công của không quân, hải quân và lực lượng đổ bộ. Mặt khác, thông tin về các cuộc tập trận được cập nhật liên tục gần như theo thời gian thực. Động thái này nhiều khả năng hướng đến đối tượng dân chúng trong nước.

Thiệt hại của Việt Nam và ASEAN

Chưa ai dám khẳng định, những động thái quân sự nói trên của Trung Quốc là thật hay diễn. Nhưng phí tổn và thời gian các chuyến bay của Vietnam Airlines thì gia tăng. Tính đến chiều 4/8, có gần 160 chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các cuộc tập trận quân sự lớn “chưa từng có” của Trung Quốc xung quanh Đài Loan. Trong đó, hãng hàng không giá rẻ Vietjet có số chuyến bay bị ảnh hưởng nhiều nhất với 82 chuyến, kế đó là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines với 75 chuyến và Bamboo Airways với hai chuyến. Trong cùng ngày 4/8, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thông qua các đơn vị cấp dưới, đã nhận được điện văn về thông tin bay (NOTAM) do Trung Quốc phát hành nói rằng nước này thiết lập sáu khu vực nguy hiểm tạm thời liên quan đến các Vùng thông báo bay Đài Bắc, Thượng Hải, Manila trong thời gian hoạt động từ 04h00 ngày 04/8/2022 đến 04h00 ngày 07/8/2022 (theo giờ Quốc tế, chậm hơn múi giờ Hà Nội 7 tiếng). Thông báo nói tất cả các máy bay bị cấm bay vào các khu vực trên, dự kiến ảnh hưởng lớn tới các chuyến bay đi đến khu vực Đông Bắc Á (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản) và Mỹ.

Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Vietjet cho biết hãng này dự kiến phải điều chỉnh hướng bay của 82 chuyến bay, và một số chuyến bay khác chịu ảnh hưởng dây chuyền. Vietjet cho biết hành khách trên các chuyến bay chịu ảnh hưởng sẽ được hỗ trợ theo chính sách dịch vụ của hãng. Hãng Bamboo Airways cũng cho biết họ phải điều chỉnh phương án bay đối với các đường bay Việt Nam – Đài Loan   trong ngày 6/8 và dự kiến có hai chuyến bay bị ảnh hưởng. Ngoài các chuyến bay bị ảnh hưởng bởi cuộc tập trận, Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết cuộc tập   quanh Đài Loan cũng gây ảnh hưởng tới các tuyến hàng hải từ Việt Nam qua khu vực này, mặc dù tác động không quá lớn.

Ngày 4/8, trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra Tuyên bố về những diễn biến tại eo biển Đài Loan, bày tỏ quan ngại về nguy cơ bất ổn, hệ quả nghiêm trọng và khó lường đối với khu vực. Chuyến thăm đầy kịch tính của bà Pelosi đến Đài Loan, bất chấp đe dọa trả đũa của Bắc Kinh, dường như bao phủ cuộc họp của ASEAN tại Phnom Penh. Phát ngôn viên ASEAN Kung Phoak, cũng là Thứ trưởng Ngoại giao Campuchia, tuyên bố cuộc họp lần này sẽ tìm cách xoa dịu tình hình. Ông nói với các phóng viên rằng các Ngoại trưởng sẽ cố gắng tìm cách để ASEAN có thể giúp “để tình hình ở Đài Loan sẽ ổn định, không dẫn đến xung đột và không làm leo thang sức nóng chính trị giữa tất cả các bên liên quan.” ASEAN bị chia rẽ giữa các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, như Myanmar, Campuchia và Lào, và những quốc gia khác cảnh giác hơn với Bắc Kinh và sự quyết đoán quốc tế ngày càng tăng của nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới