Friday, December 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLý giải việc Washington liên tiếp phản đối các hành vi của...

Lý giải việc Washington liên tiếp phản đối các hành vi của Bắc Kinh liên quan đến hoạt động nghề cá ở Biển Đông

Trong vòng 2 tuần lễ đầu tháng 6 vừa qua, Mỹ liên tiếp 2 lần lên tiếng phản đối các hành vi của Trung Quốc liên quan đến các hoạt động nghề cá ở Biển Đông.

Ngày 02/6, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố phản đối lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông từ 01/5 đến 01/8. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price viết trên Twitter: “Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế và luật pháp quốc tế”; yêu cầu Bắc Kinh “tuân thủ những nghĩa vụ của họ theo quy định của luật pháp quốc tế”.

Trước đó, hôm 29/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, nhấn mạnh một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000. Ngày 31/5, Philippines triệu một cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đến để phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Bắc Kinh.

Hai tuần sau đó, ngày 17/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lại bày tỏ sự ủng hộ các gần đây của Philippines trước các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh: “Chúng tôi (Mỹ) chia sẻ những lo ngại của Philippines liên quan đến các hành động khiêu khích của Trung Quốc can thiệp vào các quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này gần bãi Cỏ Mây và nhiều tàu Trung Quốc hoạt động gần đá Ba Đầu”; cho rằng “Những hành động này là một phần trong xu hướng khiêu khích rộng lớn hơn của Trung Quốc đối với các bên tranh chấp ở Biển Đông và các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trong khu vực”; khẳng định “Mỹ sát cánh cùng Philippines trong việc duy trì trật tự quốc  tế dựa trên luật lệ và tự do hàng hải ở Biển Đông, được bảo đảm theo luật pháp quốc tế”; kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt” các hành động khiêu khích ở Biển Đông và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông; tuyên bố: “Mỹ sát cánh với đồng minh của mình là Philippines trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và tự do hàng hải ở Biển Đông, được đảm bảo theo luật pháp quốc tế”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines hôm 10/6 tố cáo Trung Quốc đã tham gia vào “hoạt động đánh bắt cá trái phép”. Trước đó một ngày, hôm 09/6 Philippines gửi công hàm ngoại giao đến Trung Quốc phản đối việc hơn 100 tàu của Bắc Kinh quay trở lại vùng biển khu vực đá Ba Đầu tại Biển Đông. Như vậy, trong 2 ngày liên tiếp Manila có những phản đối ngoại giao đối với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, bổ sung vào hơn 300 phản đối ngoại giao của Manila đối với hoạt động trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Phản ứng liên tiếp của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Bắc Kinh cũng như đối với các hoạt động bất hợp pháp của các tàu cá và tàu dân quân biển núp dưới danh nghĩa “tàu cá” ở khu vực gần bãi Cỏ Mây và ở bãi Ba Đầu trong tháng 6 vừa qua được các nhà phân tích đánh giá là nằm trong tính toán của Washington trong việc ngăn chặn cái gọi là “chiến lược vùng xám” của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Lý giải về điều này, các nhà phân tích đã chỉ ra một số điểm sau:

Thứ nhất, trong số 4 nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ có Philippines là đồng minh của Mỹ. Trong 6 năm dưới thời Tổng thống Duterte, quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines đã trải qua những thời điểm sóng gió do chính quyền của ông Duterte thi hành một chính sách mật thiết với Trung Quốc. Thậm chí, Tổng thống Duterte dọa hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) -một thỏa thuận quan trọng liên quan tới sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này khiến Washington lao đao. Mỹ không muốn để tình trạng này lặp lại trong 6 năm tới

Trong bối cảnh ông Duterte chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới của tân Tổng thống Marcos, Washington có động thái để khẳng định việc coi trọng quan hệ đồng minh với Manila để tranh thủ chính quyền mới. Việc bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm Philippines và có cuộc gặp với tân Tổng thống Marcos là nhằm truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Philippines đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới.

Philippines với tư cách đồng minh của Mỹ là một nhân tố quan trọng đối với Washington trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực. Phát biểu của Người phát ngôn Ned Price cho thấy Mỹ hoàn toàn đứng về phía Philippines trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ hai, theo đề xuất của Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm “Bộ tứ” (Mỹ Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) tại Tokyo hôm 24/5/2022 đã thông qua sáng kiến “Đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” (gọi tắt là sáng kiến IPMDA), trở thành 1 trong 5 kết quả quan trọng nhất của Hội nghị thượng đỉnh lần này và được đưa vào Tuyên bố chung của lãnh đạo Nhóm “Bộ tứ”. Mục tiêu của sáng kiến này là thiết lập một hệ thống theo dõi tàu thuyền dựa trên dữ liệu vệ tinh viễn thám thương mại để theo dõi các tàu đánh bắt cá (kể cả các tàu tắt Hệ thống nhận dạng tự động) bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát trong khu vực.

Tuy không nhắc tới Trung Quốc, song sáng kiến IPMDA thực chất là nhằm tang cường giám sát hoạt động của các tàu Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Sáng kiến IPMDA có thể cung cấp một bức tranh đáng tin cậy về các tàu dân quân biển của Trung Quốc và các hạm đội của Trung Quốc tham gia đánh bắt cá trái phép trong các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven Biển Đông. Đây là biện pháp ứng phó với “chiến lược vùng xám” của Bắc Kinh.

Động thái của Washington liên tiếp phản đối các hoạt động liên quan nghề các của Bắc Kinh ở Biển Đông trong tháng 6 vừa qua có thể là bước chuẩn bị cho việc triển khai mạnh mẽ sáng kiến IPMDA trong thời gian sắp tới. Mỹ coi việc các tàu dân quân biển Trung Quốc tụ tập số lượng đông ở đá Ba Đầu cũng như việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông hay các hành vi gây hấn khác như lắp đặt phao và lưới đánh cá ngăn chặn một sứ mệnh tiếp tế của Philippines cho các binh sĩ nước này canh giữ bãi Cỏ Mây, là một phần trong xu hướng khiêu khích rộng lớn hơn của Bắc Kinh chống lại các bên có tuyên bố chủ quyền. Những tuyên bố phản đối của Mỹ phản đối các hành vi hung hăng của Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng có thể trở thành căn cứ để Washington hành động trên thực địa ở Biển Đông.

Thứ ba, trong các tuyên bố phản đối các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông hay trong các các cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ với các quan chức cấp cao của Philippines cũng như trong phát biểu tại Hội nghị Shangri La, Mỹ đều nhắc tới phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài nhằm khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ và phía Mỹ coi phán quyết năm 2016 là nền tảng của mọi hoạt động trên biển, nhất là ở Biển Đông.

Mỹ luôn đi đầu trong việc khẳng định giá trị của phán quyết năm 2016, kể cả vào lúc mà chính quyền Tổng thống Duterte gác lại và không nhắc đến phán quyết bởi phán quyết năm 2016 là cuối cùng và ràng buộc các bên, đồng thời trở thành cơ sở pháp lý để Mỹ triển khai các hoạt động ở Biển Đông. Nhân dịp phán quyết tròn 6 năm, Washington muốn nêu đậm vấn đề này để khích lệ chính quyền mới ở Manila không đi theo “vết xe đổ” của chính quyền tiền nhiệm mà nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ phán quyết nhằm duy trì trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông. Ngoài ra, việc Washington lên tiếng mạnh mẽ phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Bắc Kinh và những hành vi trái phép của tàu cá, tàu dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là để trang bị cho Mỹ khung pháp lý cho sự hiện diện thường trực của lực lượng cảnh sát biển Mỹ ở Biển Đông và trong khu vực. Phát biểu tại Hội nghị Shangri La 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin tuyên bố “Năm tới (2023), lực lượng cảnh sát biển Mỹ sẽ triển khai một tàu tuần duyên đến Đông Nam Á và châu Đại Dương. Đây sẽ là tàu tuần duyên đầu tiên của Mỹ thường trực trong khu vực”. Lý giải về tuyên bố này, giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang cố gắng mở rộng quyền kiểm soát ở Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và không dừng lại ở đó, Bắc Kinh tìm mọi cách để gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện trên cả khu vực Ấn Độ Dưong – Thái Bình Dương, điều này khiến Washington phải có những hành động mạnh mẽ hơn ở khu vực. Việc Mỹ liên tiếp phản đối những hành vi liên quan đến hoạt động nghề cá ở Biển Đông kể trên chỉ là một trong những việc làm cụ thể của Washington để ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong khu vực, đồng thời thể hiện rõ sự nghiêm túc của chính quyền Tổng thống Biden đối với các cam kết an ninh khu vực, bao gồm Biển Đông.

Quang Minh

RELATED ARTICLES

Tin mới