Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, việc Bắc Kinh triển khai các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng trên eo biển Đài Loan. Các nhà ngoại giao ‘chiến binh sói’ của ĐCSTQ đã tung ra một đợt công kích dư luận mới, làm dấy lên làn sóng lên án không ngừng từ cộng đồng quốc tế.
Sau khi thuyết “cải tạo” của đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã (Lu Shaye) gây rúng động dư luận Pháp, bài phát biểu của đại sứ Trung Quốc tại Úc Tiêu Thiên (Xiao Qian) lại tiếp tục hứng chịu chỉ trích của giới chính trị và truyền thông nước Úc.
‘Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc là chính đáng’
Vào ngày 10/8, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Tiêu Thiên, đã có bài phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Úc ở Canberra. Trong cuộc họp báo, ông Tiêu nói rằng chuyến thăm Đài Loan gần đây của bà Pelosi là “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc”.
Ông Tiêu cho rằng, sự “hợp nhất” của Đài Loan với Trung Quốc đại lục không nên được gọi là “xâm lược”, bởi vì Đài Loan không phải là một quốc gia độc lập.
Ông cho biết, Bắc Kinh “đã rất kiên nhẫn chờ đợi thống nhất hòa bình”, nhưng nói thêm rằng, “Chúng tôi sẽ không bao giờ loại trừ lựa chọn sử dụng các biện pháp khác. Vì vậy khi cần thiết, khi bị ép buộc, chúng tôi sẵn sàng sử dụng bất cứ biện pháp nào. Quý vị có thể sử dụng ‘trí tưởng tượng’ của mình để hình dung về ‘các biện pháp cần thiết’ này”.
Khi một phóng viên hỏi ông Tiêu rằng, liệu 23 triệu người dân sống ở Đài Loan có nên có tiếng nói riêng trong tương lai hay không, ông Tiêu đáp: “Điều đó sẽ do 1,4 tỷ người Trung Quốc quyết định. Tôi tin rằng hầu hết mọi người ở Đài Loan đều nghĩ họ là người Trung Quốc”.
Ông Tiêu Thiên cho rằng, các hành động của Trung Quốc là phản ứng đối với những điều Mỹ đã làm. “Phản ứng này là hợp lý và chính đáng. Về việc cuộc tập trận sẽ kéo dài bao lâu … Tôi nghĩ, trong thời gian thích hợp, một thông báo sẽ được đưa ra”.
Liên quan đến bài phát biểu của ông Tiêu tối 10/8, lãnh đạo Đảng Quốc gia Úc David Littleproud đã nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Có lẽ ông (Tiêu Thiên) nên sử dụng trí tưởng tượng của mình để suy nghĩ về dân chủ, và hãy để người dân Đài Loan chọn xem họ có muốn ‘thống nhất’ với Trung Quốc hay không”.
Ông Greg Sheridan, nhà bình luận cấp cao người Úc và là tổng biên tập các vấn đề chính sách đối ngoại của một tờ báo Úc, cũng bày tỏ quan điểm của mình trong một chuyên mục của đài Sky News cùng ngày, rằng: “Trên thực tế, 1,4 tỷ người Trung Quốc đang hoàn toàn không được quyết định quyền lực, nhưng đây là một thuật ngữ phổ biến được sử dụng bởi ĐCSTQ”.
Ông Sheridan phân tích thêm rằng, bài phát biểu của đại sứ Trung Quốc nói rõ rằng, Úc chỉ cần “ngừng chỉ trích các cuộc tập trận quân sự của Bắc Kinh chống lại Đài Loan; chấp nhận Huawei và ngừng hạn chế việc các công ty Trung Quốc đầu tư tại Úc; ngừng đưa ra chỉ trích về nhân quyền; ngừng chỉ trích công dân bị giam giữ ở Trung Quốc; từ bỏ nền dân chủ ở Đài Loan và các đồng minh của Trung Quốc, cũng như liên minh với Mỹ; cố gắng xây dựng hình ảnh tích cực của Trung Quốc ở Úc; chấp nhận ‘sự thật’ về ‘một quốc gia, hai hệ thống’ ở Hồng Kông là một thành công lớn”, Úc-Trung sẽ có thể có một mối quan hệ tốt đẹp
Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc-Úc bắt đầu xấu đi kể từ năm 2018, đặc biệt là sau khi bùng phát đại dịch COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Thời điểm đó, Úc đã đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông và đưa ra lời kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc của coronavirus. Một loạt các chính sách “chèn ép” thương mại của ĐCSTQ đã đẩy mối quan hệ của hai nước vào thời kỳ đóng băng, khiến chính quyền Bắc Kinh phẫn nộ. Từ đó khiến mọi liên hệ chính thức với chính quyền Thủ tướng Morrison bị đình trệ.
Về vấn đề này, ông Sheridan, một nhà bình luận cấp cao của Úc, đã xem xét và phân tích: “Luận điệu trong bài phát biểu của ông Tiêu Thiên cho thấy rõ ràng rằng, không phải lời nói hay giọng điệu của chính quyền ông Morrison đã gây rắc rối cho Bắc Kinh, mà là lợi ích và giá trị của Úc có liên quan chặt chẽ đến ĐCSTQ và có những khác biệt cơ bản sâu sắc”.
Phát biểu của Đại sứ Pháp về “cải tạo” người dân Đài Loan
Sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã đã đưa ra tuyên bố về việc cần thiết phải “cải tạo” người dân Đài Loan. Điều này đã làm dấy lên sự chỉ trích của công chúng ở Pháp.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình BFM của Pháp hôm 03/8, ông Lư Sa Dã đã chỉ trích chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là một “sự khiêu khích không cần thiết”. Ông Lư nói: “Mười hoặc hai mươi năm trước, hầu hết người dân Đài Loan ủng hộ việc tái thống nhất. Tại sao bây giờ họ lại phản đối? Điều này là do Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (Democratic Progressive Party- DPP) đã truyền bá rất nhiều tuyên truyền chống Trung Quốc”. Trước sự thúc giục của người dẫn chương trình, ông nói tiếp: “Sau khi thống nhất, chúng tôi sẽ cải tạo (người dân Đài Loan)”.
Ông Bondaz, một nhà khoa học chính trị người Pháp từng bị Đại sứ Lư phỉ báng là “côn đồ nhỏ”, đã đăng lên Twitter rằng: “Người dân Đài Loan đã được giải phóng khỏi chế độ độc tài và hệ tư tưởng độc tôn, đã tìm thấy bản sắc riêng của họ và đã hình thành một quan điểm đa dạng. Ông Lư nói “cải tạo” người Đài Loan vì thực tế của Đài Loan khiến Bắc Kinh sợ hãi”.
Ông Eléonore Bez, một thành viên của Liên đoàn quốc gia cực hữu Pháp ở Marseilles, nhận xét, “Đại sứ Trung Quốc bình tĩnh tuyên bố rằng người dân Đài Loan sẽ được ‘cải tạo’. Ở Trung Quốc, các trại cải tạo được gọi là trại lao giáo (Laogai). Các trại tập trung được tổ chức trái với ý muốn của hàng triệu người. Nhiều người đã thiệt mạng”.
Ông Pierre Haski, người đứng đầu của Tổ chức phóng viên không biên giới tại Pháp, đã chỉ ra sự khác biệt về ý thức hệ giữa Trung Quốc và các nền dân chủ, “Tiếng Pháp của ông Lư rất tốt, nhưng tôi nghĩ ông ấy chưa thành thạo khi dùng từ ‘cải tạo'”. Tác động của từ này đối với độc giả phương Tây mang nghĩa là một tuyên bố rất ác ý và tàn khốc”.
Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan dẫn lời ông Marc Julienne, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), cho biết “Nhận xét này không chỉ khiến một số người Pháp thấy rõ được ý đồ của Trung Quốc chống lại Đài Loan, mà hai từ “cải tạo” đã làm rõ điều đó. Người ta nghĩ về những lịch sử đau thương như Thế chiến II, Liên Xô và thời đại Mao Trạch Đông. Đề cập gần đây nhất về cải tạo là việc Trung Quốc cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”.
Ông Julian tin rằng, lời nhận xét của đại sứ Trung Quốc rằng “muốn thống nhất Đài Loan, chỉ cần ‘cải tạo’ người dân Đài Loan và họ sẽ trở thành những người yêu nước” có lẽ là điều tồi tệ nhất mà ông từng nghe. Bởi vì, việc sử dụng biện pháp cưỡng chế để thay đổi suy nghĩ của mọi người không chỉ là độc tài, mà là toàn trị.
Ông Paul Massaro, cố vấn chống tham nhũng của Quốc hội Hoa Kỳ, cho hay, “nạn diệt chủng, cải tạo, cưỡng bức lao động trong thế kỷ mới dưới chế độ độc tài toàn trị, mọi thứ đều được bình thường hóa”.
Đáp lại thành tích của các nhà ngoại giao ĐCSTQ trên trường quốc tế, ông Pháp Quang nhận xét: “Cuộc tập trận bao vây Đài Loan của ĐCSTQ không chỉ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan mà còn đào rất nhiều “hố” cho các nhà ngoại giao Trung Quốc đang ở nước ngoài”.
T.P