Ngày 15.7.2017, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa được khánh thành. Công trình xây dựng từ sự chung tay của hàng triệu tấm lòng trên cả nước cùng Tổng LĐLĐVN thông qua quỹ XHTT Tấm lòng Vàng. Đánh dấu chặng đường 5 năm hoạt động, Tổng LĐLĐVN, Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng lại cùng thân nhân anh hùng liệt sĩ Gạc Ma hội ngộ và tổ chức loạt chương trình tri ân liệt sĩ.
“Cha hy sinh cũng là thời điểm tôi ra đời”
Trong khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma những ngày cuối tháng 7 xuất hiện một hình bóng người mẹ trẻ cùng cô con gái nhỏ trong bộ quân phục Hải quân đứng lặng trước tấm bia mộ gió ghi tên 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 khiến người ta bùi ngùi.
Người mẹ trẻ ấy là Phan Thị Trang (Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), con gái liệt sĩ Phan Huy Sơn, người mang số 15 in trên bia tưởng niệm. Lần đầu tiên đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, chị Trang ôm ghì chặt tấm bia để cảm nhận được một lần bố và các chú đồng đội của bố ôm vào lòng.
Phan Thị Trang sinh vào mùa đông năm 1988, khi ấy liệt sĩ Phan Huy Sơn đã hy sinh được 7 tháng. Ông hy sinh khi còn dở dang lời hứa sẽ về đón chị chào đời.
Miết từng chữ tên cha trên tấm bia, chị Trang không nén được dòng nước mắt. Bao thương nhớ, ngậm ngùi khi không có cha bên cạnh 34 năm qua chị gửi cả vào lần gặp gỡ đặc biệt hôm nay.
“Cha về với con nhé, anh vẫn còn bệnh, mẹ cũng già rồi, ông bà cũng già hết rồi, cha về với con” – lời chị thốt lên trong tiếng nấc.
Liệt sĩ Phan Huy Sơn là y sĩ trên tàu HQ 604 làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma – Trường Sa năm 1988. Sinh ra và lớn lên chị Trang chỉ thấy mẹ và anh trai bị bệnh thiểu năng, mọi ký ức về bố chỉ qua lời kể của mẹ và tấm áo blouse trắng nghề y của bố. Từ đó, tấm áo và hành trình nghề y còn dang dở của ông là động lực để chị phấn đấu đi theo.
Thượng úy Trần Thị Thủy cũng là một trong số nhiều đứa trẻ con anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma sinh năm 1988 – năm 64 chiến sĩ hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Là con gái duy nhất của Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma – thiếu úy Trần Văn Phương (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), người đến lúc hy sinh vẫn ôm chặt lá cờ Tổ quốc với câu nói bất hủ: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm là cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”.
Lần theo từng trang nhật ký của cha để lại chị Thủy kể: Tháng 6.1987, cha mẹ cưới nhau, chưa kịp thắm duyên thì cha được lệnh rời đất liền ra Trường Sa làm nhiệm vụ.
Trước khi đi, Tết Nguyên đán Mậu Thìn năm 1988, cha được về nghỉ phép 10 ngày rồi lên đường. 2 bức thư lần lượt được gửi về cho bà nội và mẹ trong tháng 3 năm 1988. Không bức thư nào có dòng địa chỉ để biên lại. Bức thư cuối gửi đến tay mẹ thì cha đã hy sinh cách đó 3 ngày.
“Cha mất khi tôi hình hài trong bụng mẹ được 1 tháng. Lúc nhỏ tôi cũng tủi thân, nhiều lần hỏi mẹ cha đâu? Rồi trong mơ cũng nghĩ cha sẽ về như cha các bạn. Nhưng phải đến năm 1993 tôi mới thấy chú đưa cha về, nhưng chỉ là hài cốt của cha. Dù chưa bao giờ có được vòng tay ôm hiện hữu, tình cảm đủ đầy cha mẹ như những đứa trẻ khác nhưng bù lại tôi có lòng tự hào khi nhìn về cha và tin là bóng hình cha luôn dõi theo, soi sáng bước tôi đi” – chị Thủy chia sẻ.
Cầu lụa trắng nối biển bờ tổ quốc
Trường hợp như chị Trang, chị Thủy là một trong các thân nhân liệt sĩ Gạc Ma từ lâu xem khu tưởng niệm là điểm đến quen thuộc để dâng hương những người thân trong gia đình.
Ít ai biết, để có đường một khu tưởng niệm Gạc Ma khang trang như ngày hôm nay, Tổng LĐLĐVN đã bỏ nhiều thời gian lựa chọn vị trí xây dựng, tổ chức tuyển chọn biểu tượng của tượng đài cho đến kêu gọi cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong cả nước quyên góp…
Vào tháng 3.2015, Tổng LĐLĐVN tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm Gạc Ma nằm bên bờ biển thuộc khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa (nay là xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm). Trong số nhiều địa điểm được chọn để đặt khu tưởng niệm thì đây là nơi đặc biệt gần với Quân cảng Cam Ranh – nơi các chiến sĩ 34 năm trước nhận nhiệm vụ lên đường xây dựng, bảo vệ huyện đảo Trường Sa.
Sau hơn 2 năm chạy đua cùng thời gian, tháng 7.2017 lễ khánh thành khu tưởng niệm được Tổng LĐLĐVN, UBND tỉnh Khánh Hòa, Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng tổ chức trang trọng. Và cũng là lần đầu tiên thân nhân của 64 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 1988 đoàn tụ.
Một cầu lụa trắng mở đường nối biển và bờ đón các anh hùng liệt sĩ về yên nghỉ dưới tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, tề tựu trong khu mộ gió.
5 năm sau, ngày 23.7, một đại lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ Gạc Ma được Tổng LĐLĐVN tổ chức từ tâm nguyện của thân nhân các gia đình liệt sĩ. Hơn 1.500 ngọn hoa đăng được thắp sáng khu tưởng niệm, một con đường rợp cờ Tổ quốc hàng trăm mét từ biển dẫn vào khu tưởng niệm, 64 bông hoa cúc trắng được tạo thành chiếc tàu ngay chân tượng đài và 54 thân nhân cùng nhiều đồng đội, đồng nghiệp, cán bộ công đoàn… đón các anh về.
Tại lễ cầu siêu, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN đã nhấn mạnh, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma do Tổng LĐLĐVN khởi xướng, với mong muốn 64 liệt sĩ giữa biển khơi có thêm một chốn đi về, để các đồng đội, người thân các anh có một nơi gặp gỡ.
Khu tưởng niệm đã trở thành công trình của sự hội tụ những tấm lòng luôn hướng về 64 bông hoa biển bất tử như một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam với khát vọng giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trước ngày tổ chức cầu siêu, Tổng LĐLĐVN đã buổi gặp mặt thân nhân các gia đình liệt sĩ trong sự kiện Gạc Ma.
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang không giấu được cảm xúc khi nói về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ tại sự kiện Gạc Ma.
Ông Nguyễn Đình Khang chia sẻ: “Các anh trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim Việt Nam”.
Và quả thật trong suốt nhiều năm nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã dành trọn tấm lòng để duy trì hàng loạt chương trình từ thiện xã hội ý nghĩa.
Điều này đã được minh chứng khi tháng 3.2014, Tổng LĐLĐVN, Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa” với mục đích tri ân các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, hàng triệu tấm lòng của đoàn viên, người lao động, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã chung tay ủng hộ bằng tiền và hiện vật.
Những ngày tiếp nhận tấm lòng của nhân dân cả nước là những ngày không quên bởi đó số tiền được góp từ những con heo đất để dành của cô trò trường Tiểu học Vạn Thạnh (TP.Nha Trang, Khánh Hòa), là bức tranh của các họa sĩ đưa ra đấu giá để ủng hộ chương trình, là cây bàng vuông đưa về từ huyện đảo Trường Sa… góp phần san sẻ khó khăn với thân nhân, với những lực lượng đang ngày đêm bám biển.
Những cuốn sổ tiết kiệm tặng các mẹ, thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma từ 15-50 triệu đồng được tổ chức Công đoàn và Quỹ trao tận tay; những ngôi nhà thân nhân liệt sĩ Gạc Ma xuống cấp được hỗ trợ sửa chữa từ 40-60 triệu đồng/căn.
Ông Võ Duy Trúc – Trưởng Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết, để giữ được công trình khu tưởng niệm dưới nắng gió ở đây rất khó khăn. Thời gian qua từ nguồn kinh phí của quỹ XHTT Tấm lòng Vàng và sự kết nối của Quỹ, hoạt động duy tu, sửa chữa sơn lại khu vực bảo tàng ngầm, hệ thống đèn điện với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng góp phần làm đẹp thêm hình hành khu tưởng niệm hôm nay. Hơn 500.000 lượt người đến khu tưởng niệm thời gian qua, nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân, về nguồn, kết nạp Đảng viên, đoàn viên… được các đơn vị chọn tổ chức ở đây. Và trên 1.000 dòng lưu bút trong sổ lưu niệm Gạc Ma cũng khẳng định hơn nữa sự tri ân của các thế hệ.
T.P