Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThông điệp nhiều hàm ý gửi tới Bắc Kinh từ cuộc tập...

Thông điệp nhiều hàm ý gửi tới Bắc Kinh từ cuộc tập trận RIMPAC 2022

Từ ngày 29/6 đến 04/7/2022 đã diễn ra cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn đầu mang tên “Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2022 tại khu vực quanh Quần đảo Hawaii và Nam California, với sự tham gia của 26 quốc gia.

Các cuộc tập trận RIMPAC được tiến hành hai năm một lần, vào các năm chẵn. Cuộc tập trận được tiến hành trên quy mô toàn diện lần gần đây nhất là vào năm 2018. Năm 2020 do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, RIMPAC 2020 chỉ được tiến hành với quy mô nhỏ với 10 nước tham gia diễn tập trên biển. Trung Quốc đã từng 2 lần tham gia RIMPAC vào năm 2014 và năm 2016 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama. Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump, Lầu Năm Góc đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018, với lý do Bắc Kinh “nuốt lời” mà Tập Cận Bình đã hứa với ông Obama năm 2015, tiến hành quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông. Không được tham gia RIMPAC 2018, Trung Quốc đã cử tàu do thám Type 815 để giám sát cuộc tập trận từ vùng biển gần Hawaii.

Tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2022 có 38 tàu nổi, 4 tàu ngầm, 9 lực lượng mặt đất, hơn 30 hệ thống không người lái, khoảng 170 máy bay và hơn 25.000 quân nhân. Chương trình tập trận gồm nội dung huấn luyện liên quan đến đổ bộ, pháo binh, tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không; cũng như các hoạt động đổ bộ, chống cướp biển, rà phá bom mìn, xử lý vật liệu nổ, lặn và cứu hộ. Bên cạnh đó, cuộc tập trận còn bao gồm hoạt động không gian và không gian mạng.

Theo thông báo của hải quân Mỹ: “RIMPAC 2022 góp phần tăng khả năng tương tác, khả năng phục hồi và phản ứng cần thiết… để ngăn chặn và đánh bại sự can dự của đối phương trên tất cả các lĩnh vực và cấp độ xung đột. Tập trận RIMPAC 2022 sẽ thiết lập, phối hợp mạng lưới các đối tác có năng lực, thích ứng và hoạt động cùng nhau để tăng cường sức mạnh tập thể và cùng thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. 

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực có những biến đổi sâu sắc, chủ nghĩa cường quyền đang trỗi dậy. Cuộc chiến ở Ukraine, tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông gây quan ngại và tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

RIMPAC 2022 là cơ hội để Mỹ và đồng minh thể hiện sự hợp tác đa phương hay hành động tập thể nhằm khẳng định vị thế của Mỹ và đồng minh đồng thời mang tính răn đe trước các hành động phá hoại trật tự quốc tế vốn đang góp phần duy trì ổn định trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Michael Boyle – Phó Tư lệnh Hạm đội 3 của Mỹ, đồng thời là Chỉ huy trưởng cuộc tập trận RIMPAC 2022 – nhấn mạnh: “Các nước đang đưa ra tuyên bố về cam kết hợp tác nhằm thúc đẩy và duy trì những mối quan hệ quan trọng để đảm bảo sự an toàn của các tuyến đường biển và an ninh của các đại dương có mối liên kết với nhau trên thế giới.

Các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Philippines cũng tích cực tham gia RIMPAC 2022. Nhật Bản đã điều tàu sân bay Izumo và tàu khu trục Takanami cùng với các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ mặt đất tham gia cuộc tập trận. Liên quan đến cuộc tập trận này, hôm 28/6 Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nhấn mạnh: “Bằng cách tham gia RIMPAC, chúng tôi sẽ cải thiện chiến thuật, tăng cường hợp tác với Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng khác, đồng thời thể hiện sự thống nhất của chúng tôi hướng tới một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Hải quân Hàn Quốc đã cử một lực lượng lớn nhất kể từ trước tới nay tham gia cuộc tập trận quốc tế RIMPAC 2022. Theo đó, có tàu tấn công đổ bộ ROKS Marado 14.500 tấn có bệ đáp trực thăng, tàu khu trục 7.600 tấn ROKS Sejong Đại đế, tàu khu trục 4.400 tấn ROKS Munmu Đại đế, tàu ngầm 1.800 tấn ROKS Shin Dol-seok, một đại đội tấn công đổ bộ của Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc, Tiểu đoàn xây dựng cơ động 59 Hải quân, 4 đội UDT/SEAL của Hải quân Hàn Quốc, 9 phương tiện tấn công đổ bộ KAAV7A1, 2 trực thăng Lynx và khoảng 1.000 quân.
với khi nước này tham gia cuộc tập trận này.

6 quốc gia thành viên ASEAN (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2022. Malaysia, Thái Lan cùng với Colombia và Pháp là những thành viên mới nhất tham gia RIMPAC. Thông qua cuộc tập trận RIMPAC với sự tham gia của nhiều nước Châu Á – Thái Bình Dương, có thể nhận định Mỹ và các đồng minh muốn gửi tới Trung Quốc thông điệp mạnh mẽ với nhiều hàm ý:

Thứ nhất, khẳng định bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ và các đồng minh đủ khả năng cùng lúc triển khai lực lượng cả ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để chống lại “mối đe dọa từ Trung Quốc”. Xác định Trung Quốc mới chính là đối thủ lớn nhất của Washington Mỹ và các đồng minh đang thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” bằng tất cả sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự của mình. Mỹ không chỉ củng cố các liên minh cũ mà còn nỗ lực xây dựng các liên minh và đối tác mới, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Cuộc tập trận RIMPAC là cách mà Mỹ đang nâng cao hiệu quả chiến đấu dựa trên hệ thống thông tin và cơ chế liên minh của mình.

RIMPAC 2022 là cuộc tập trận chiến đấu thời gian thực và nằm trong “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ. Việc Trung Quốc đẩy nhanh hiện đại hóa lực lượng hải quân và nâng cao năng lực tác chiến hải quân, khiến Bắc Kinh trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, đe dọa vị trí siêu cường số 1 của Washington. Các cuộc tập trận chung với những quốc gia khác ở khu vực trở thành một khái niệm hoạt động quân sự quan trọng của Mỹ để nâng cao năng lực “răn đe toàn diện” đối với Trung Quốc.

Giới chuyên gia nhận định sự tham gia mạnh mẽ của Nhật Bản và Hàn Quốc trong cuộc tập trận RIMPAC có thể là dấu hiệu cho việc tăng cường quan hệ đồng minh 3 bên Mỹ – Nhật – Hàn nhằm kiềm chế Trung Quốc mà giới học giả đề cập nhiều trong thời gian gần đây sau khi Yoon Suk-yeol trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Thông qua các cuộc tập trận chung đa quốc gia như RIMPAC 2022, dường như Mỹ và các đồng minh đang tìm kiếm một chiến lược an ninh mới nhằm thiết lập một hệ thống an ninh tập thể ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới các cơ chế hợp tác đa quốc gia, đa tầng nấc để đối phó với sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Thứ hai, trước những cảnh báo cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng tiền lệ xấu từ khủng hoảng Ukraine để có những hành động phiêu lưu ở Biển Đông, eo biển Đài Loan hay biển Hoa Đông, Mỹ và các đồng minh muốn chứng minh rằng không thể để những gì diễn ra ở Ukraine lặp lại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung hay Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan nói riêng.

Một trong những mục tiêu trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là răn đe và chống lại Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các hành động bắt nạt các nước láng giềng trên các vùng biển này thì Mỹ cùng các đồng minh, đối tác tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở khu vực để đối phó với các cuộc xung đột mô phỏng trên Biển Đông để nâng cao cơ hội chiến thắng trong một cuộc xung đột quân sự thực sự có thể xảy ra trong tương lai.

Thông điệp ở đây là Bắc Kinh hãy biết kiềm chế, đừng manh động, Mỹ và các đồng minh không để tiền lệ xấu của khủng hoảng Ukraine lặp lại ở Biển Đông, eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông hay bất cứ nơi nào trong khu vực, giống như những gì mà Lãnh đạo Nhóm “Bộ tứ” (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) đã tuyên bố tại cuộc họp thượng đỉnh hôm 24/5 ở Tokyo.

Thứ ba, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Biden đã khuyến khích các đồng minh tăng cường hiện diện ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; cùng các đồng minh và đối tác thường xuyên tiến hành tập trận ở Biển Đông và trong khu vực nhằm bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ và tự do hàng hải. Với RIMPAC 2022, Mỹ muốn cùng đồng minh biểu dương lực lượng, minh chứng khả năng tác chiến giữa các đồng minh và Mỹ, đồng thời chuyển tới Bắc Kinh thông điệp răn đe mạnh mẽ.

Việc 11 quốc gia châu Á, trong đó có 6 nước Đông Nam Á và hai quốc gia châu Đại Dương tham gia RIMPAC 2022 cho thấy về cơ bản các nước trong khu vực ủng hộ sự hiện diện về quân sự của Mỹ, cùng đồng hành với Mỹ trong việc bảo vệ cục diện dựa trên luật pháp quốc tế trong khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng. Đáng chú ý là có 3 nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông (gồm Philippines, Malaysia và Brunei), trong đó Malaysia lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận RIMPAC. Điều này phản ánh mối lo ngại ngày càng gia tăng của các nước trong khu vực, nhất là các nước ven Biển Đông trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc. Có thể thấy, thông qua cuộc tập trận RIMPAC 2022, Mỹ đã tập hợp được một lực lượng khá đông đảo, bao gồm các nước ven Biển Đông để chống lại những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới