Saturday, January 18, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội90% lao động đi làm việc nước ngoài có tay nghề thấp

90% lao động đi làm việc nước ngoài có tay nghề thấp

Lao động Việt Nam có mặt tại hơn 40 quốc gia, chủ yếu làm công việc giản đơn và thời gian tới cần tăng tỷ lệ người có trình độ cao, theo các chuyên gia.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, tại hội nghị về lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngày 16/8.

Tại hội thảo ngày 16/8, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động từ những năm 1980, đến nay mỗi năm đưa hơn 100.000 người đi làm việc ngoài nước. Lao động Việt Nam hiện có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề, mỗi năm gửi về hơn 3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, TP HCM – doanh nghiệp có kinh nghiệm hơn 10 năm đưa lao động đi Nhật Bản, đánh giá xuất khẩu lao động mang về cho đất nước nhiều thành quả. Những năm 1990, Việt Nam có khoảng 15 doanh nghiệp đưa 15.000 người đi làm việc, nay đã lên hơn 500 công ty và mỗi năm đưa hơn 100.000 lao động đi. Việt Nam đã chọn lọc được một số thị trường chiến lược, như Nhật Bản thu hút lao động với mức thu nhập 1.200-1.400 USD mỗi tháng.

Phó giám đốc Lanh cũng chỉ ra thực tế tới 90% người đi làm việc ngoài nước vẫn chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. Xuất khẩu lao động nhiều năm tập trung giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo mà chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài như sinh viên, học viên trường nghề.

Ông phân tích, nhận thức của người lao động và một phần xã hội coi đi làm việc ngoài nước chỉ dành cho người nghèo, thất nghiệp. Khoảng 80% lao động mang tâm lý kiếm tiền mà không có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp tương lai. Ra đi để đổi đời song nếu giữ tâm lý này, họ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn khi về nước khó tìm việc làm, thậm chí thất nghiệp. Các cơ quan quản lý một lần nữa đau đầu giải bài toán việc làm sau xuất khẩu.

“Từng có lãnh đạo địa phương hỏi tôi làm thế nào để giải quyết công việc cho lao động về nước?”, ông Lanh kể, nhấn mạnh khâu tuyển chọn và đào tạo cho họ trước khi xuất cảnh. Nếu làm tốt khâu này, lao động vừa kiếm tiền vừa học hỏi trong thời gian làm việc. Khi về nước, họ có thể tự tìm việc mà không cần sự hỗ trợ hay can thiệp của bất kỳ cơ quan nào.

Về lâu dài, ông Lanh kiến nghị nhà nước có lộ trình đàm phán mở rộng hợp tác các ngành nghề chuyên môn để tăng tỷ lệ lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại nước ngoài. Nhóm này sẽ là nguồn lực giúp Việt Nam tiếp cận nền sản xuất tiên tiến của các nước, về phục vụ cho quê hương.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Lương Trào, nguyên Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam, nói đã đến lúc cần tính toán tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu xuất khẩu. Thậm chí, “đón lõng” sinh viên đại học, cao đẳng tham gia chương trình, ngành nghề cần loại hình lao động này.

Ngoài chất lượng lao động thấp, TS Nguyễn Đình Quốc Cường, Đại học Quốc gia TP HCM, lại nhìn thấy bốn vấn đề nhức nhối của hoạt động xuất khẩu lao động hiện nay. Đó là lừa đảo của công ty môi giới xâm hại đến hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài; nhiều công ty, nghiệp đoàn e ngại dùng lao động Việt Nam bởi không đủ trình độ, kỹ năng; biến tướng của hoạt động buôn người công nghệ cao và cuối cùng là tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam.

Ông Cường cho rằng Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài để hạn chế tình trạng trên. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần đóng vai trò then chốt, yêu cầu các công ty, nghiệp đoàn đưa người đi và doanh nghiệp của nước ngoài xây dựng kho dữ liệu về lao động, liên thông với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, lao động đi làm việc cần có mã định danh, thể hiện những thay đổi trong quá trình làm việc và cập nhật liên tục nếu có thay đổi.

Đứng ở góc độ bảo vệ quyền lợi lao động, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân Công đoàn, chỉ ra thực tế lao động xa xứ nếu vướng rủi ro không biết nhờ cậy ai, chủ yếu tìm đến các hội đồng hương. Họ khó hòa nhập với môi trường làm việc, dễ bị phân biệt trong giao tiếp, mua bán, nhiều người ở nước ngoài 3-4 năm nhưng vẫn bị kỳ thị. Cuối cùng, khoảng 68% lao động cho biết chế độ lương, phúc lợi thấp kém hơn các nước khác.

Ông Tiến cho rằng cần có sự phối hợp giữa Công đoàn Việt Nam với công đoàn nước sở tại, tạo ra những đầu mối nắm thông tin để khi lao động gặp rủi ro, gọi đến là có người hỗ trợ ngay; hoặc thiết lập được nhóm công nhân nòng cốt, hình thành hội nhóm, câu lạc bộ lao động Việt Nam ở nước ngoài được pháp luật thừa nhận để hỗ trợ lao động trước khi họ tìm đến Đại sứ quán Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới