Vào đầu tháng 4, một số ngân hàng vừa và nhỏ ở vùng nông thôn Trung Quốc đã đóng băng các khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng với lý do điều tra gian lận nội bộ. Sự lo lắng bắt đầu lan rộng và nhanh chóng bùng nổ thành một cuộc biểu tình. Vụ bê bối này đã tạo nên nguy cơ sụp đổ dây chuyền đối lĩnh vực ngân hàng ở Trung Quốc do các khách hàng bị mất niềm tin và nhanh chóng rút lại các khoản tiền gửi tiết kiệm của mình.
Chuyện gì đang diễn ra?
Theo điều tra, một công ty tư nhân tên là Henan Xincaifu Group Investment Holding Co. – cổ đông chính của 5 ngân hàng nông thôn của Trung Quốc đã thông đồng với nhân viên ngân hàng làm hồ sơ huy động vốn trái phép thông qua những nền tảng trực tuyến của bên thứ 3.
Theo quy định của Trung Quốc, các ngân hàng địa phương chỉ được nhận tiền tiết kiệm từ người ở trong vùng. Thế nhưng các ngân hàng vừa và nhỏ ở vùng nông thôn Trung Quốc đã lách luật, dùng nền tảng bên thứ 3. Cụ thể là các nền tảng online thiếu sự kiểm soát của chính phủ để thu hút tiền gửi. Đến đầu tháng 4, những ngân hàng này đã tạm ngừng cho khách hàng rút tiền, bao gồm Ngân hàng Nông thôn Vũ Châu, Ngân hàng Thượng Thái, Ngân hàng Cộng đồng Chá Thành và Ngân hàng Phương Đông Khai Phong. Cảnh sát Trung Quốc cho biết họ vẫn đang tiến hành điều và đã bắt giữ được nhiều nghi phạm có liên quan đến vụ lừa đảo. Đồng thời cũng đã niêm phong, thu giữ và phong tỏa tiền và nhiều tài sản liên quan đến vụ án theo quy định của pháp luật.
Thấy gì từ vụ việc?
Vụ việc xảy ra đã phơi bày một lỗ hổng lớn trong hệ thống ngân hàng khổng lồ của Trung Quốc đó là manh mún và thiếu sự giám sát giữa các ngân hàng với nhau. Cũng như cho thấy khả năng quản lý của chính phủ Trung Quốc đang không đủ rộng để tầm soát mọi rủi ro đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, vụ lừa đảo kể trên cũng mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi kể cả khi không có tội phạm kinh tế thì riêng khoản nợ xấu cũng đủ để làm nền kinh tế Trung Quốc rơi vào khủng hoảng.
Trung Quốc đang có gần 4.000 ngân hàng vừa và nhỏ, kiểm soát tổng cộng 14.000 tỷ USD trong nền kinh tế. Một con số quá lớn! Vấn đề là trong những năm tăng trưởng nóng, nền kinh tế Trung Quốc đã tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ mọc lên như nấm sau mưa. Để rồi khi chu kỳ khủng hoảng và thắt chặt đến, nợ xấu của các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc đã ngày càng phình to và trở thành khối u cho nền kinh tế. Cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ các ngân hàng nhỏ thường đưa ra mức lãi suất cao hơn các ngân hàng lớn nhằm để thu hút khách hàng đến gửi tiền. Nhưng cũng chính điều đó đã khiến cho họ đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Bởi khi nền kinh tế giảm tốc thì bên đi vay không đủ khả năng trả lãi, khiến cho các ngân hàng này rơi vào tình cảnh khó khăn do phải đối mặt với áp lực chi trả lãi suất tiền gửi cho khách hàng.
Nỗi lo lớn nhất đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc hiện nay là nó đã mở rộng quá nhanh so với nền kinh tế. Sự tăng trưởng hỗn loạn của lĩnh vực này từ lâu đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, cộng thêm sự làm ngơ của giới chức địa phương đã tạo nên những rủi ro quá lớn cho đất nước Trung Quốc. Theo Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), trong vài năm qua, các nhà chức trách đã phải xử lý khoản nợ xấu trị giá 2.600 tỷ nhân dân tệ tại những ngân hàng nhỏ. Bắc Kinh cũng huy động hàng trăm tỷ nhân dân tệ cho một quỹ bình ổn nhằm giải cứu các tổ chức tài chính gặp khó khăn. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thấm vào đâu so với khoản nợ xấu khổng lồ mà các tổ chức tài chính này đã tích lũy trong nhiều năm.
Vụ bê bối trong lĩnh vực ngân hàng tại Trung Quốc vừa qua tuy vẫn chưa thể hiện hết được những hệ quả mà những năm tăng trưởng nóng để lại. Nhưng nó đã thu hút được sự chú ý rất lớn của xã hội vào các rủi ro mà ngân hàng đang phải đối mặt. Vụ việc vỡ lỡ đã khiến cho các mặt xấu trong toàn ngành bị phanh phui. Nên giờ đây, dù chính phủ Trung Quốc có nỗ lực trấn an, thì khách hàng cũng chẳng còn dám tin và gửi tiền vào các tổ chức tài chính làm ăn thiếu bền vững này nữa. Sự dè dặt lên cao khiến các ngân hàng vừa và nhỏ tại nông thôn Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ sụp đổ dây chuyền, tác động sẽ là không nhỏ đến kế sinh nhai của không ít người dân.
Đáng nói, theo báo cáo nghiên cứu của Đại học Harvard vừa công bố vừa qua. Việt Nam hiện là 1 trong 6 nước Châu Á có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới đến năm 2030. Việt Nam ta đang trong giai đoạn đầu của sự tăng trưởng nên lĩnh vực ngân hàng, cũng như hạn mức tín dụng cũng đã có mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Vậy liệu chính phủ đã có chuẩn bị gì để có tránh được vết xe đổ của anh bạn láng giềng Trung Quốc này hay chưa?
T.P