Cá voi liên tục xuất hiện tại khu vực Hòn Trâu – Vũng Bồi, thuộc vùng biển Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định thu hút sự chú ý của dư luận.
Khoảng 3 tuần trở lại đây, khu vực biển Hòn Trâu – Vũng Bồi (ven biển Đề Gi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) xuất hiện đàn cá voi đang duy trì, kiếm ăn cách bờ biển từ 1 đến 3 hải lý. Rất đông người dân và du khách đến đây để chiêm ngưỡng, chụp lại cảnh tượng cá voi nhô lên mặt nước săn mồi. Đây là điều hiếm có tại vùng biển nhiệt đới ở Việt Nam..
Cá voi xanh xuất hiện tại khu vực Hòn Trâu, thuộc vùng biển Đề Gi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ảnh Cá voi kiếm ăn sát tàu cá của ngư dân.
Ngư dân địa phương cho rằng đó là cá voi xanh. Tuy nhiên các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định đây là loài cá voi Bryde. Những ngày qua, 2 cá voi bơi vào cách bờ khoảng 500m để săn mồi. Cá voi lớn dài trên 15m, cá voi con nhỏ hơn dài 5-7m.
Trước đó, vào cuối tháng 6 âm lịch, không ít du khách chứng kiến đàn cá voi xuất hiện săn mồi ở vùng biển này. Người dân địa phương cho biết, cá voi cũng từng xuất hiện ở khu vực biển Đề Gi khi vào mùa cá cơm, cá trích gần bờ.
Cá voi xuất hiện và bơi lượn ở vùng biển nơi đây suốt nhiều ngày là điều hiếm thấy. Theo các chuyên gia, cá voi Bryde (balaenoptera edeni) hiện diện ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, nhưng chúng thường được tìm thấy nhiều nhất ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Mẹ con cá voi bơi song song cùng săn luồng cá trên biển
Cá voi xuất hiện chủ yếu theo nguồn thức ăn di cư là các đàn cá mồi nhỏ như cá cơm, cá trích, ruốc hay sinh vật nổi.
Sau mỗi pha thu mồi là lần cá voi cuộn mình “lăn” trên mặt biển.
Khoảnh khắc cá voi phóng lên mặt nước, há miệng đớp mồi giữa vùng biển xanh, xung quanh là đàn chim hải âu bay lượn đã được ghi lại khiến mọi người trầm trồ thích thú.
Cá voi kiếm ăn gần bờ, bơi đuổi theo và há mồm nuốt gọn đàn cá Giò. Ngay trên đầu là hàng trăm chim con hải âu bay theo để “ăn ké”.
Những ngày qua, trong ánh bình minh hay hoàng hôn phủ khắp mặt biển, từng đàn hải âu hàng trăm con bay lượn theo hướng di chuyển của cá voi, lao vào “cướp” cá, nhất là cá voi khi há miệng săn mồi tạo nên khoảnh khắc thiên nhiên kỳ thú tại trên vùng biển miền Trung Việt Nam.
T.P