Sau khi chiếm giữ phi pháp 7 đảo đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chẳng những tiến hành bồi lấp các đảo đá này thành những thực thể nhân tạo mà còn ráo riết xây dựng chúng thành các căn cứ quân sự, làm tiền đồn vững chắc để khống chế Biển Đông.
Bên cạnh việc xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự như sân bay, bến cảng, kho vũ khí đạn dược, bể ngầm chứa nhiên liệu, trận địa tên lửa, radar… tại các căn cứ quân sự trên, Trung Quốc còn rất quan tâm triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị, khí tài bảo đảm thông tin liên lạc và tổ chức một hệ thống thông tin liên lạc đa dạng tại các căn cứ quân sự để kết nối chúng với nhau và với đất liền, nhằm bảo đảm thắng lợi cho chiến lược chiến tranh thông tin hóa của họ trên vùng biển này. Dưới đây là những biện pháp tổ chức thông tin liên lạc được Quân đội Trung Quốc tiến hành trên các căn cứ quân sự xây dựng trái phép ở Trường Sa.
Thứ nhất, truyền tin qua tầng đối lưu (troposcatter)
Quân đội Trung Quốc đã nâng cao công nghệ truyền tin qua tầng đối lưu từ những năm 1960 và tiếp tục nâng cấp ở mức độ quốc gia vào những năm 1970. Ngược lại, Quân đội Mỹ phần lớn đã bỏ công nghệ truyền tin qua tầng đối lưu, chuyển sang các đường truyền vệ tinh băng thông cao hơn. Tuy nhiên gần đây, Lục quân Mỹ lại tái đầu tư vào phương tiện truyền tin qua tầng đối lưu nhằm đối phó với các mối đe dọa đang nổi lên đối với các khí tài truyền tin đặt trên vũ trụ.
Các thiết bị, khí tài được kết nối truyền tin qua tầng đối lưu sẽ cho phép mở rộng khả năng truyền tin ra xa hàng trăm km ngoài tầm quan sát. Các tín hiệu siêu cao tần qua tầng đối lưu nói chung đều hoạt động ở tần số trên 500MHz, được phát tán bởi bụi và hơi nước trong khí quyển và được phản xạ trở lại trái đất từ độ cao nằm trong khoảng 2.000m và 5.000m. Chỉ một phần nhỏ của búp sóng phát đi được phản hồi trở lại nên đòi hỏi các máy phát phải có công suất cao, anten khuếch đại phải lớn và để đạt được lưu lượng dải thông cao, đòi hỏi việc xử lý tín hiệu phải ngày càng tinh vi hơn.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu 54 thuộc Tổng công ty công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC), các khí tài truyền tin qua tầng đối lưu có một số ưu thế đối với thông tin liên lạc quân sự, đó là độ tin cậy cao, dễ đạt hiệu quả, chi phí thấp. Truyền tin qua tầng đối lưu còn cung cấp thông tin liên lạc ngoài đường chân trời, nhảy tần đơn (single-hop), ổn định trên những khoảng cách xa từ 100km và 600km. Bản chất truyền lan định hướng của truyền tin qua tầng đối lưu còn có khả năng gây khó khăn cho hoạt động thu chặn và gây nhiễu của đối phương. Truyền tin qua tầng đối lưu không chịu ảnh hưởng tương đối bởi thời tiết vũ trụ hoặc lục địa (như các cơn bão từ) và có thể cung cấp dung lượng lớn hơn so với truyền tin cao tần, đạt được tốc độ truyền tải tốt hơn 8 mê ga bit/giây.
Hải quân Trung Quốc đã xây dựng mạng truyền tin qua tầng đối lưu cố định phục vụ cho các căn cứ quân sự trên Biển Đông từ rất sớm, trước khi có những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông năm 2014. Các thiết bị đầu cuối truyền tin ngoài đường chân trời qua tầng đối lưu đã được bố trí tại 5 trong số 7 căn cứ quân sự nói trên. Các anten siêu cao tần (VHF hoặc UHF) có thể đã được lắp đặt trên nóc các tòa nhà trên các căn cứ quân sự, nhưng do chúng quá nhỏ nên không thể nhìn thấy. Một số anten loại này còn được phát hiện trên các tháp khí tài truyền tin ở trên các căn cứ đó. Ảnh vệ tinh thương mại năm 2018 cho thấy 5 căn cứ quân sự được Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông đã được kết nối liên lạc với nhau bằng 8 bộ anten truyền tin qua tầng đối lưu trên các căn cứ Chữ Thập, Su Bi, Vành khăn, Châu Viên và Gạc Ma.
Các tổ hợp thiết bị truyền tin qua tầng đối lưu tại các căn cứ quân sự trên Biển Đông cũng giống các tổ hợp thiết bị thương mại do Viện nghiên cứu 54 bán trên thị trường. Viện nghiên cứu 54 đang tiếp thị tổ hợp thiết bị truyền tin tầng đối lưu GS-504 dùng cho các ứng dụng ngoài khơi như các trạm truyền tin của dàn khoan dầu khí. Mỗi trạm truyền tin GS-504 đều sử dụng các anten dạng đĩa hoặc dạng parabol đường kính 2,4m giống như những anten được phát hiện trên các thực thể nhân tạo ở Biển Đông. Gần đây, một phiên bản của tổ hợp GS-504 mang ký hiệu GS-504A còn được Công ty điện tử Jiahangxin Bắc Kinh, một công ty có mối quan hệ mật thiết với Quân đội Trung Quốc tiếp thị. Công ty này đã kết hợp các công nghệ trong nước và nước ngoài, kể cả công nghệ truyền tin của Mỹ để bảo đảm thông tin cho các khách hàng dầu khí trong đó có Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc.
Tổ hợp khí tài truyền tin tầng đối lưu GS-504 và GS-504A có các tham số như sau: Tần số hoạt động 4400 – 4500 MHz và 4820 – 5000MHz; công suất phát 200 – 1000W; cự ly liên lạc trên 200km; tốc độ truyền tải dữ liệu là 256/512/1024/2048 kilobit/s, ghép kênh (multiplexed) lên tới 8,45 megabit/s.
Thứ hai, truyền tin siêu cao tần VHF/UHF và truyền tin theo đường thẳng khác
Các thiết bị truyền tin băng VHF (30MHz – 300MHz) hoặc băng UHF (300MHz – 3GHz) được sử dụng rộng rãi tại các căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. Những anten VHF và UHF đã được triển khai phục vụ thông tin liên lạc theo đường thẳng trên các căn cứ quân sự với các tàu mặt nước, máy bay và các tổ hợp khí tài không người lái khác… Những anten này có kích thước tương đối nhỏ. Các bức ảnh về một số tháp truyền tin cao 50m trên các căn cứ quân sự ở Biển Đông do vệ tinh thu được và được truyền thông các nước Đông Nam Á tán phát cho thấy, ngoài một loạt các anten râu băng VHF khác nhau, các anten UHF hình chữ nhật cũng được dùng trong truyền tin di động, được bố trí trên đỉnh của các tháp. Các tháp truyền tin cao 50m này đã có mặt trên các căn cứ Ga Ven, Huy Gơ và Gạc Ma, cho phép kết nối thông tin liên lạc theo đường thẳng giữa các tiền đồn nói trên ở cách xa nhau gần 50km.
Thứ ba, truyền tin di động 4G, 5G
Công ty viễn thông quốc gia Trung Quốc đã triển khai lắp đặt các trạm gốc truyền tin di động 4G trên các đảo đá ngầm mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 2015. Những trạm gốc truyền tin này phục vụ cho cư dân sinh sống trên các đảo đá, cũng như các ngư dân đang hoạt động gần đó hoặc các tàu mặt nước đi ngang qua. Các mạng di động còn được sử dụng trong thông tin liên lạc quân sự, cho dù Quân đội Trung Quốc vẫn duy trì một mạng độc lập với mạng dân sự.
Các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu 28 thuộc CETC tiết lộ, các thiết bị, khí tài truyền tin di động 4G LTE đã được dùng để tạo ra mạng lưới di động băng thông rộng, tốc độ cao để phục vụ cho các đơn vị quân đội ở Biển Đông. Từ việc nhận ra các vấn đề an ninh mạng vốn có trong việc áp dụng mạng công nghệ di động 4G thương mại vào lĩnh vực quân sự, nên các nhà nghiên cứu đã đề xuất một loạt ứng dụng khác nhau nhằm cải thiện việc nắm bắt tình hình không gian chiến trường, chỉ huy và điều khiển, thậm chí cả các dịch vụ định vị và dẫn đường.
Truyền tin di động tại các căn cứ quân sự trên Biển Đông có thể cung cấp cho Quân đội Trung Quốc mạng kết nối không dây tốc độ cao, đáp ứng các nhiệm vụ của từng đơn vị hoặc cung cấp sự kết nối cho trang thiết bị đã triển khai trên các đảo đá. Trong trường hợp các đường cáp truyền tin ngầm dưới đáy biển tại các căn cứ quân sự trên Biển Đông bị hư hại hoặc bị phá hủy thì mạng di động có thể đóng vai trò là hệ thống truyền tin dự phòng.
Ngoài mạng di động 4G, Trung Quốc còn triển khai mạng di động 5G. Dịch vụ truyền tin di động 5G sẽ cho phép cải thiện đáng kể lưu lượng truyền tải dữ liệu di động trên các căn cứ quân sự ở Biển Đông, với tiềm năng mã hóa tinh vi và chức năng internet vạn vật (IoT – Internet of things). Tháng 5/2019, Công ty di động Trung Quốc (China Mobile) đã kích hoạt trạm gốc di động 5G đầu tiên tại căn cứ Chữ Thập và sau khi kích hoạt, tốc độ dữ liệu đã tăng gấp 10 lần so với trạm gốc 4G trước đây. China Mobile cũng tiết lộ, các dịch vụ 5G sẽ được mở rộng tới các căn cứ khác trên Biển Đông, nhưng không cung cấp mốc thời gian cụ thể.
Thứ tư, truyền tin bằng phương tiện trên không
Trong trường hợp các thiết bị, khí tài truyền tin tầm xa của Quân đội Trung Quốc bị hư hại hoặc phá hủy, thì các phương tiện bay không người lái (UAV) hoặc máy bay đóng trên các căn cứ quân sự ở Biển Đông có thể được sử dụng để tạo ra một lớp/mạng lưới truyền tin trên không, phục vụ cho thông tin liên lạc khẩn cấp. Nhiều UAV của Trung Quốc được quảng cáo có khả năng mang các gói khí tài chuyển tiếp/tiếp sức truyền tin. Để bổ sung cho truyền tin vệ tinh (SATCOM) hoặc truyền tin cao tần (HF), các máy bay có người lái hoặc UAV có thể tự động chuyển tiếp thông tin liên lạc theo đường thẳng, như liên lạc thoại hoặc đường truyền dữ liệu tới các tàu mặt nước hoặc các phương tiện mang khác đang hoạt động ngoài đường chân trời, cách xa các căn cứ quân sự trên Biển Đông. Các máy bay có thể đóng vai trò như các trạm tiếp sức truyền tin gồm máy bay điều khiển và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) KJ-500 hoặc UAV BZK-005. Tháng 11/2019, ảnh vệ tinh thương mại đã ghi nhận một khinh khí cầu được neo giữ bay trên căn cứ Vành Khăn. Ngoài việc mở rộng tầm trinh sát, các khinh khí cầu hoặc bóng bay có thể còn chuyển tiếp thông tin liên lạc và mở rộng tầm truyền tin theo đường thẳng.
Thứ năm, đường truyền dữ liệu
Các đường truyền/đường kết nối dữ liệu quân sự đa cấp sẽ cho phép trao đổi thông tin qua lại giữa các căn cứ quân sự và các lực lượng quân sự triển khai gần đó, chắc chắn đã được Quân đội Trung Quốc sử dụng trên Biển Đông. Các đường truyền dữ liệu (data links) có thể nối đến một giao thức dữ liệu đặc biệt, trao đổi qua lại trên một số mạng truyền tin/thông tin liên lạc khác nhau. Thuật ngữ “đường truyền dữ liệu” có thể đề cập đến một tổ hợp khí tài truyền tin đặc biệt gồm các thiết bị đầu cuối truyền dữ liệu tương hợp để tạo thành một mạng kết nối truyền tin/thông tin liên lạc độc đáo trên các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vào năm 2007, Quân đội Trung Quốc bắt đầu đưa vào hoạt động một tổ hợp đường truyền dữ liệu liên quân. Thời điểm đó, đường truyền dữ liệu băng VHF này của Trung Quốc được gọi là “Hệ thống phân phối thông tin chiến thuật 3 quân chủng”, được Trung Quốc ký hiệu tắt theo tiếng Anh là TIS. Tổ hợp đường truyền dữ liệu TIS này rất giống với đường truyền Link-16 của Mỹ, sử dụng kỹ thuật trải phổ nhảy tần (FHSS) để chống nhiễu và hoạt động trong dải tần từ 960MHz và 1.215MHz. TIS sau đó đã phát triển thành tổ hợp phân phối thông tin liên quân 3 quân chủng, được đơn giản hóa như là tổ hợp phân phối thông tin liên quân (JIDS). Giống như tổ hợp TIS, tổ hợp JIDS rất giống với đường truyền Link-16/JTIDS, nhưng có thể có những cải tiến thêm. Các nguồn tin từ Trung Quốc mô tả tổ hợp JIDS của họ là một đường truyền dữ liệu kết nối các mạng truyền tin của lục quân, hải quân, không quân và truyền tin vệ tinh (SATCOM), tích hợp các đường truyền dữ liệu chiến thuật cấp quân chủng khác nhau vào một mạng lưới chung duy nhất.
Quân đội Trung Quốc còn tích hợp một đường truyền dữ liệu thế hệ kế tiếp vào các lực lượng tác chiến. Đường truyền dữ liệu chiến thuật DTS-03 là một ví dụ. Đường truyền này như là một khí tài truyền tin tiếp nối đường truyền dữ liệu JIDS của Trung Quốc. Nó được kết hợp công nghệ đặc biệt để tạo ra một mạng kết nối dạng lưới (mesh) không phụ thuộc vào một sơ đồ mạng cố định, nhưng có thể tự định hình lại một cách năng động, dựa trên tính năng và khả năng sẵn có của các thiết bị đầu cuối DTS-03 khác nhau và có tốc độ trao đổi dữ liệu cao hơn đáng kể so với đường truyền dữ liệu Link -16 của Mỹ. Đường truyền dữ liệu DTS-03 còn được quảng cáo là có khả năng hỗ trợ cho“giao chiến hợp tác”, tương tự như khái niệm “giao chiến hợp tác của Hải quân Mỹ” (CEC), vốn tích hợp các xen xơ với các hệ thống điều khiển bắn phục vụ cho hoạt động giao chiến liền mạch của các loại vũ khí. Đường truyền dữ liệu DTS-03 được đề cập đến lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không Trung Quốc năm 2014 như một đường truyền dữ liệu mới đang trong quá trình phát triển. Tại Triển lãm hàng không Trung Quốc năm 2018, CETC đã trưng bày các thiết bị đầu cuối đường truyền DTS-03 và các trang thiết bị (phần cứng) khác. Điều đó cho thấy Quân đội Trung Quốc đang đưa vào hoạt động một đường truyền dữ liệu kiểu mới và nó cũng được sử dụng trên các căn quân sự mà họ đã xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Được biết, các đường truyền dữ liệu của Quân đội Trung Quốc được phân loại theo 3 cấp gồm: (1) Đường truyền dữ liệu phối hợp vũ khí; (2) Đường truyền dữ liệu phối hợp cấp chiến thuật; (3) Đường truyền dữ liệu phối hợp cấp chiến trường/chiến dịch và chúng đang được sử dụng ở các quy mô khác nhau tại các căn cứ quân sự trên Biển Đông. Theo đó:
Đường truyền dữ liệu phối hợp vũ khí có tính đặc thù đối với từng loại vũ khí và hệ thống vũ khí khác nhau. Đường truyền dữ liệu phối hợp chiến thuật (có thể gồm JIDS hay DTS-03) góp phần duy trì các hoạt động liên quân chủng (COP) và hoạt động tình báo chung (CIP) giữa các đơn vị, tàu mặt nước và máy bay tham chiến. Đường truyền phối hợp cấp chiến trường tạo ra “vùng bao quát toàn bộ cuộc chiến”, phân phối dữ liệu trong phạm vi một chiến trường hoạt động đặc biệt (như Chiến khu miền Nam của Quân đội Trung Quốc, chịu trách nhiệm đối với các căn cứ quân sự trên Biển Đông). Ngoài việc phân phối COP và CIP, các đường truyền dữ liệu phối hợp cấp chiến trường (được truyền tải qua đường truyền vệ tinh SATCOM hoặc các phương tiện truyền tin đường dài khác) có thể còn trao đổi ảnh, các kế hoạch tác chiến và các thông tin chỉ huy, điều khiển cấp cao khác. Như vậy có thể nói, trong những năm qua, để hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã từng bước tiến hành quân sự hóa Biển Đông, trong đó có vấn đề bảo đảm thông tin liên lạc quân sự trên biển. Họ đã đầu tư và xây dựng khá đa dạng các công trình hạ tầng thông tin liên lạc quân sự và lắp đặt nhiều loại thiết bị, khí tài truyền tin hiện đại tại các căn cứ quân sự xây dựng trái phép ở Biển Đông. Trong một cuộc xung đột, khi các phương tiện truyền tin bị gây nhiễu hoặc phá hủy về mặt vật lý, thì thông tin không gian chiến trường cũng như chỉ huy và điều khiển vẫn có thể được phân kênh lại từ một đường kết nối tới các tàu mặt nước, máy bay và các đảo đá, cho tới khi thông tin liên lạc cần chuyển sẽ được chuyển tới điểm đích mong muốn. Đây là bằng chứng cho thấy, Trung Quốc đặc biệt quan tâm và chú trọng triển khai chiến lược chiến tranh thông tin hóa và kiểm soát thông tin. Duy trì một mạng lưới thông tin liên lạc bền vững, đa dạng và thông suốt của Quân đội Trung Quốc trên khu vực Biển Đông.
Hà Thạch