Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuần đảo Conflict đang được… rao bán

Quần đảo Conflict đang được… rao bán

Thế giới ngày nay có nhiều chuyện lạ. Một trong những chuyện lạ ấy là một tỷ phú người Australia đang rao bán một quần đảo (gồm 21 đảo) cho Trung Quốc. Đương nhiên, chính quyền nước này đang tìm cách ngăn chặn mối nguy hiểm. Còn Trung Quốc thì đã thủ sẵn bọc tiền.

Trung Quốc thủ sẵn bọc tiền vì giá mua 21 đảo san hô này quá bé đối với ngân khố của một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nó được giao bán với giá chỉ có 25 triệu USD. Nhưng điều quan trọng hơn là quần đảo mang tên Conflict này nằm ở vị trí rất thuận lợi cho việc bành trướng của Trung Quốc sang biển Thái Bình Dương. Quần đảo này nằm giữa một bên là Papua New Guinea và bên kia là quốc đảo Solomon.

Nói đến Solomon hẳn bạn đọc nhớ ngay sự kiện, tháng 4 vừa qua Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác an ninh với Quần đảo này. Bắc Kinh tuyên bố, mục đích của việc hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Solomon là để thúc đẩy ổn định xã hội, hòa bình và an ninh lâu dài ở Quần đảo Solomon, phù hợp với lợi ích chung của Solomon và khu vực Nam Thái Bình Dương.

Như vậy nếu mua được 21 hòn đảo san hô của Australia thì khác nào mở rộng sân nhà. Cánh tay của Trung Quốc sẽ nối dài thêm ra các quốc gia chung quanh. Bởi thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Honiara sẽ cho phép tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại khu vực, cách bờ biển Australia khoảng 2.000 km, đồng thời cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới Quần đảo Solomon.

Nếu như Trung Quốc mua được quần đảo Conflict thì nguy cơ đe dọa Australia sẽ càng lớn hơn. Vì lẽ đó chính quyền nước này đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc cuộc mua bán này lạ lùng nhất từ trước tới nay. Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, quốc gia này đang nỗ lực ngăn chặn bàn tay lông lá của Trung Quốc. Albanese cho rằng các đảo của Conflict chỉ là một số trong hơn 500 hòn đảo trong khu vực và người đóng thuế Australia không có nghĩa vụ phải mua tất cả chỉ nhằm mục đích không cho Trung Quốc mua.

Thủ tướng Albanese lo ngại, nếu chính phủ chi tiền để mua Conflict theo yêu sách của ông Gowrie Smith, sẽ là một tiền lệ xấu. Song, Canberra sẽ “xem xét vấn đề Conflict”, vì đây có thể là vấn đề an ninh đối với với Papua New Guinea – đảo quốc có chủ quyền với quần đảo Conflict.

Về người chủ rao bán đảo, đó là một doanh nhân người Australia đã về hưu Ian Gowrie-Smith. Ông này từng làm việc trong ngành khai thác dầu mỏ, khí đốt. Trước đó, hồi tháng 6, Ian Gowrie-Smith đã gửi thư cho Ngoại trưởng Australia Penny Wong, đề nghị bán lại 21 đảo với giá 25 triệu USD. Ông này còn dọa, nếu như không nhận được lời hồi đáp thì sẽ bán cho Bắc Kinh.

Đáng ngại hơn, trong một tuyên bố trên truyền thông, người rao bán đảo tiết lộ rằng, nhân viên của ông đã liên hệ với những người mua Trung Quốc và miêu tả ít nhất một trong các hòn đảo có thể phù hợp xây dựng một đường bay quân sự.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đang có cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương. Lúc này Trung Quốc đang không chỉ đẩy mạnh giao lưu kinh tế mà còn tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, Australia chủ động can dự một cách tích cực và có tính xây dựng trong khi tôn trọng chủ quyền của các quốc gia chung quanh và ứng xử dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Vậy là âm mưu vươn tới Đại Tây Dương-Thái Bình Dương của Trung Quốc đang được thực hiện bằng những nước cờ khôn ngoan. Ông chủ giao bán đảo đã nắm được cái thóp của “khách hàng” Bắc Kinh vốn đang khát đất, khát biển. Nếu như thuận mua vừa bán, nếu như Canberra không ngăn được “vụ” này thì an ninh của Australia sẽ bị đe doạ trước hết.

Lại thêm một bài toán đau đầu cho Canberra và các nước chung quanh trước âm mưu bành trướng của Bắc Kinh. Nhưng biết đâu đấy, đây cũng chỉ là cái cách để Trung Quốc kéo giãn sự chú ý của dư luận quốc tế để rồi tiếp tục có những chiêu trò mới trong việc thôn tính Biển Đông.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới