Những khối quyền lực chiến lược trên thế giới đang dịch chuyển và dường như ít ai chú ý đến điều đó. Để hiểu được sự cân bằng chiến lược đang thay đổi như thế nào, cần liên kết các sự kiện tưởng như không liên quan đến nhau cũng như nguồn cơn và tác động của chúng.
Cuộc chiến ở Ukraine và phép thử của các mối quan hệ
Sự thay đổi đầu tiên bắt đầu từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, sau đó Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Sau khi các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hiệu quả trên chiến trường Ukraine, Moscow được cho là đã đặt hàng UAV từ Iran. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tái lập quan hệ với Israel, Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Al-Qaeda, các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đình trệ, Nga đóng cửa văn phòng Cơ quan Do Thái có liên quan đến Israel ở Moscow và giúp Iran phóng vệ tinh do thám. Đó là những sự kiện đơn lẻ tưởng như không liên quan đến nhau nhưng thực tế chúng đều có liên hệ với sự dịch chuyển cân bằng chiến lược trên toàn cầu.
Khi Mỹ rời Afghanistan vào cuối tháng 8 năm ngoái, các nguồn lực cho cuộc chiến chống khủng bố ở đây có thể được dành cho những nơi khác. Trong suốt 20 năm Mỹ tiến hành cuộc chiến ở Afghanistan, Nga và Trung Quốc đã trở thành những nhân tố địa chiến lược quan trọng trên thế giới. Iran cũng trở thành một cường quốc trong khu vực.
Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng sau tháng 8/2021, Tổng thống Putin đã nhận ra rằng bây giờ hoặc không bao giờ Nga cần có bước đi quan trọng ở Ukraine trước khi Mỹ hoàn toàn chuyển hướng sự chú ý của mình. Ngày 24/2/2022, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sau 8 tuần tăng cường lực lượng. Trong khi đó, vào những tuần đầu tiên của cuộc chiến, Tổng thống Erdogan đã cung cấp cho Ukraine các UAV quân sự có hiệu quả cao.
Điều gì khiến nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dường như quay lưng với Nga khi có động thái như vậy? Trước tiên, với tỷ lệ lạm phát tăng hơn 80%, ông Erdogan cần một cú hích để tăng cường tỷ lệ ủng hộ. Ngoài ra, mối đe dọa chiến lược khi Nga một lần nữa kiểm soát toàn bộ bờ biển Crimea, dọc Biển Đen từ Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sẽ khiến nước này phụ thuộc hoàn toàn vào NATO. Vì thế, mặc dù không tán thành với động thái của Tổng thống Putin nhưng ông Erdogan vẫn tiến hành các thỏa thuận với Nga bằng đồng rúp và chào đón du khách từ Nga.
Sự dịch chuyển trong quan hệ Nga – Israel cũng là một điểm đáng chú ý. Đầu tiên, Israel cố gắng không chọn bên trong cuộc chiến ở Ukraine. Số lượng người Do Thái gốc Nga cùng với nguồn ngân sách chảy vào Israel đã tạo nên mối quan hệ mạnh mẽ giữa 2 quốc gia trong thời kỳ hậu Xô viết. Tổng thống Putin thậm chí đã thăm Israel trước khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama có động thái mang ý nghĩa biểu tượng cao này.
Ngoài ra, có một sự kiện mang lý do sống còn cho mối quan hệ gần gũi (nếu không muốn nói là thận trọng) giữa Israel và Nga. Trong cuộc chiến năm 2006 với lực lượng Hezbollah, 55 xe tăng Merkava của Israel đã bị tấn công bởi các tên lửa chống tăng có công nghệ từ Nga. Israel đã nhận được thông điệp. Nước này sau đó đã nhanh chóng dừng cung cấp vũ khí cho Gruzia trước khi Nga can thiệp quân sự vào Gruzia năm 2008. Gần đây, có thông tin cho rằng Moscow đã cung cấp cho Israel thông tin tình báo về tên lửa và UAV của Iran ở Syria giúp Israel bắn hạ chúng. Nhìn chung, sự cân bằng giữa Iran và Israel ở Syria đang phụ thuộc vào Nga ở một mức độ nào đó.
Tuy nhiên, khi giao tranh ngày càng diễn ra dữ dội ở Ukraine, Israel dường như đã chọn bên khi cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Hồi cuối tháng 6, tin tức về việc Nga quan tâm đến các UAV quân sự của Iran bất ngờ được lan truyền và Tổng thống Putin đã có chuyến công du chính thức tới Tehran. Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng điều này không phải là sự trùng hợp. Họ cho rằng Moscow không muốn thỏa thuận này được giữ bí mật, nhất là với Israel.
Đó dường như là một thông điệp gửi tới Israel rằng Nga có thể dễ dàng điều chỉnh sự cân bằng chiến lược theo hướng có lợi cho Iran ở Syria. Ngày 9/8, Nga đã giúp Iran phóng một vệ tinh do thám vào quỹ đạo. Nếu Nga giúp Iran tăng cường khả năng của các UAV của nước này, đó sẽ là cơn đau đầu với Israel cũng như các nước như Saudi Arabia. Ngoài ra, Moscow cũng đã có động thái đóng cửa văn phòng Cơ quan Do Thái ở Moscow.
Sự thay đổi của các liên minh
Cuộc chiến ở Ukraine cũng tác động đến sự thay đổi các mối quan hệ ở Trung Đông. Cuộc chiến này đã khiến giá dầu tăng cao nhất trong 14 năm qua. Điều này dẫn đến tỷ lệ lạm phát tăng vọt và tăng trưởng kinh tế sụt giảm trên toàn cầu nhưng với các nước vùng Vịnh giàu tài nguyên dầu mỏ, đây là một tin tốt sau 8 năm kinh tế đình trệ do giá dầu giảm và đại dịch Covid-19.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán các nước xuất khẩu dầu mỏ của Trung Đông sẽ thu về thêm 1.300 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong 4 năm tới. Cuộc chiến này đã mang tới cơ hội cho các nhà sản xuất khí đốt trong khu vực. Trong hàng thập kỷ, châu Âu chọn nhập khẩu khí đốt từ Nga qua đường ống thay vì bằng đường biển của những quốc gia ở xa hơn. Tuy nhiên, khi châu Âu hạn chế phụ thuộc vào khí đốt Nga, châu lục này đã tăng cường tìm kiếm những đối tác tiềm năng mới. Qatar đã cam kết sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu trong 4 năm với một nửa công suất. Châu Âu cũng ký hợp đồng khí đốt với Ai Cập và Israel.
Khi các tuyến thương mại thay đổi cùng với cuộc chiến ở Ukraine, các liên minh cũng vậy. Cố vấn của Tổng thống UAE, ông Anwar Gargash nhận định hồi tháng 4 rằng cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy trật tự quốc tế không còn là trật tự đơn cực với Mỹ đóng vai trò chi phối nữa, đồng thời đặt câu hỏi về ưu thế của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu. Ông cũng cho biết UAE đang đánh giá lại về các liên minh của mình.
“Trật tự toàn cầu với phương Tây đóng vai trò chi phối đang bước vào những ngày cuối cùng”.
Ông Anwar Gargash hồi đầu năm nay đã nhận định rằng mối quan hệ giữa UAE và Mỹ đang trải qua một “phép thử căng thẳng” sau khi UAE cùng với Ấn Độ và Trung Quốc bỏ phiếu trắng trước nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được Mỹ ủng hộ, theo đó chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
T.P