Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThế giới ngầm về tôi phạm buôn người ở Đông Nam Á

Thế giới ngầm về tôi phạm buôn người ở Đông Nam Á

Khi điều tra và trấn áp loạt vụ buôn người xuyên biên giới, các cơ quan chức năng phát hiện sự liên quan của Hội Tam Hoàng – tổ chức tội phạm khét tiếng châu Á.

Cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc) hôm 21/8 bắt giữ 16 đối tượng có liên quan các băng nhóm tội phạm nước ngoài lừa người lao động sang Campuchia làm việc lương cao.

Hầu hết công dân bị lừa đều là những người trẻ tuổi, được các đối tượng hứa hẹn về công việc công nghệ với mức lương hậu hĩnh. Nhưng thực chất họ bị đưa tới làm việc tại các cơ sở lao động trái phép, khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở thành phố cảng Sihanoukville, Campuchia. Nhiều người bị đánh đập, hành hạ.

Theo cảnh sát Đài Loan, các đối tượng bị bắt giữ có liên quan Thiên Đạo Minh và Trúc Liên Bang, những bang nhóm tội phạm “khét tiếng” ở Đài Loan, được cho là có liên hệ trực tiếp với hội Tam Hoàng.

“Hội Tam Hoàng kiểu mới”

Cùng sự phát triển kinh tế xã hội toàn cầu, các băng nhóm tội phạm cũng “thích nghi” nhanh chóng. Những kiểu xã hội đen cũ ít xuất hiện công khai hơn, thay vào đó là những ông trùm mặc vest như những doanh nhân, với các mối quan hệ xã hội cấp cao và hoạt động tội phạm công nghệ cao.

Hoạt động phạm tội của chúng cũng không còn giới hạn trong phạm vi tổ chức, mà có thể mở rộng liên kết với các băng nhóm tội phạm địa phương khác. Một số báo cáo cho thấy hội Tam Hoàng tiếp tục mở rộng liên kết với vùng Viễn Đông Nga và Đông Nam Á, bên cạnh Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).

Việc sử dụng các hệ thống thông tin phức tạp không chỉ là lĩnh vực của hacker và coder, giờ đây còn là lĩnh vực của những kẻ buôn bán ma túy, tống tiền và con bạc bất hợp pháp. Tính ẩn danh, cơ động và hiệu quả khiến các hoạt động phạm tội trên không gian mạng càng trở nên phức tạp hơn.

Trong những vụ buôn người đến Campuchia gần đây, nhiều nạn nhân là người trẻ tuổi có trình độ học vấn, bị kẻ lừa đảo tiếp cận thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội. Họ bị tịch thu hộ chiếu và đưa đến sòng bạc hoặc các trung tâm gọi điện thoại lừa đảo khác, bị ép buộc phải tiếp tục công việc bất hợp pháp. Có thể thấy hình thức tội phạm này không phải mới, song với sự hỗ trợ của công nghệ, mạng lưới tội phạm trở nên ngày càng tinh vi và gây khó khăn cho công tác theo dõi, truy bắt.

Thế giới ngầm

Cũng giống như mafia ở Italia, các nhóm tội phạm có tổ chức ở châu Á ăn sâu vào nhiều tầng lớp đời sống xã hội cũng như chính trị.

Theo Thenanfang, Trúc Liên Bang, Thiên Đạo Minh nằm trong số các băng nhóm lớn ở Đài Loan. Ngoài hai nhóm này là Tứ Hải Bang, tất cả đều là các “triad” – băng nhóm có tổ chức gồm nhiều nhánh nhỏ như hội Tam Hoàng. 

Tháng 4/2010, lễ tang của Lý Chiếu Hùng, một ông trùm xã hội đen, được tổ chức tại thành phố Đài Trung có đến 20.000 người tham dự. Trong số đó, nhiều thành viên của hội Tam Hoàng đến từ nhiều nơi của Trung Quốc như Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao và các quốc gia Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan. Bên cạnh đó còn có những chính trị gia cấp cao.

Thống kê cho thấy ít nhất hơn 5.000 “xã hội đen” hoạt động ở Đài Loan. Tuy nhiên, theo cảnh sát, con số trên chỉ tính đến các thành viên băng đảng bị chính quyền giám sát. Tổng số thực tế có thể cao hơn.

Tổ chức tội phạm lớn nhất ở Đài Loan là Trúc Liên Bang với hơn 1.700 thành viên và 68 chi nhánh, tiếp theo là Tứ Hải Bang với 46 chi nhánh địa phương và 726 thành viên. Thiên đạo minh có 36 chi nhánh và 632 thành viên.

Trúc Liên Bang được thành lập năm 1957 tại quận Vĩnh Hà, Đài Bắc, nay là Tân Đài Bắc, bởi con cái của những người từ Trung Quốc đại lục di dân sang. Ban đầu, nhóm chỉ muốn tự vệ trước các cuộc tấn công của các băng đảng địa phương Đài Loan. Với tổ chức tốt và “gấu” hơn, băng này nhanh chóng trở thành một trong những tổ chức tội phạm mạnh nhất của hòn đảo.

Thiên Đạo Minh được thành lập năm 1986 bởi nhóm xã hội đen trong tù. Sau đó, họ bắt đầu kinh doanh bất hợp pháp trong tù, độc quyền thuốc lá. Mục tiêu của nhóm được cho là hợp nhất các băng địa phương, chống lại các băng đại lục.

Các hoạt động của các băng nhóm tội phạm ở Đài Loan bao gồm bảo kê, cờ bạc và mại dâm cho đến điều hành các doanh nghiệp như nhà hàng, câu lạc bộ đêm và các công ty xây dựng.

Vòi bạch tuộc của hội Tam Hoàng

Nhiều nhóm tội phạm có tổ chức ở châu Á hiện nay, những nhóm có liên quan các hoạt động buôn người, buôn lậu, ma túy, cờ bạc… đều có liên hệ với hội Tam Hoàng. 

Ban đầu, hội này còn có tên là Thiên Địa Hội (hay Hồng Hoa Hội). Gốc gác của Hội Tam Hoàng xuất phát từ một phong trào “phản Thanh phục Minh” của các lực lượng nổi dậy người Hán nhằm chống lại ách cai trị của tộc người Mãn Châu thiểu số dưới thời nhà Thanh.

Hội Tam Hoàng và vòi bạch tuộc buôn người ở Đông Nam Á - 2
Thành viên băng đảng 14k ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: QQ).

Tôn chỉ hoạt động của Hội Tam Hoàng từng có lúc mang ý nghĩa tích cực. Thời kỳ sơ khai, hội có 3 trụ cột chính, hoạt động chủ yếu ở các khu vực Bắc Giang, Đông Giang và Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, có biểu tượng là hình tam giác. Các thành viên hội Tam Hoàng xăm trổ đầy người, với những hình như số 3, thanh kiếm và Quan Vân Trường.

Năm 1841, nhà Thanh nhượng Hong Kong cho Anh. Muốn biến Hong Kong thành một thương cảng giao thương tự do, người Anh cần một lượng lớn người lao động ở khu vực này. Vì vậy, những người ở Trung Quốc đại lục đang chịu cảnh thiên tai, đói kém, thất nghiệp… liền di cư sang Hong Kong làm việc.

Khi lượng người di cư lớn, Anh muốn cộng đồng người Hoa tự chủ, tự trị vì chính quyền không thể cung cấp đầy đủ dịch vụ công. Đứng trước những người nước ngoài đến Hong Kong “khai phá”, những người di cư gia nhập Hội Tam Hoàng với mong muốn có chỗ dựa để được bảo vệ quyền lợi.

Hội Tam Hoàng theo đó ngày càng thâm nhập sâu vào các tầng lớp xã hội Hong Kong và dần dần các hoạt động thu phí thành viên biến tướng thành ép buộc nộp tiền. Những khoản tiền này sau đó được hội dùng đầu tư vào kỹ viện và sòng bạc.

Khi chính quyền Hong Kong bắt đầu nhận ra sự mở rộng tràn lan và lũng đoạn của hội Tam Hoàng, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực vào đời sống xã hội, họ đã không thể quét sạch được tổ chức này vì lực lượng cảnh sát cũng vô cùng mỏng và một bộ phận tham nhũng thậm chí bảo kê ngược cho các băng nhóm của hội lộng hành. Trong khi đó, nhiều người dân có công việc mưu sinh bị ảnh hưởng trực tiếp từ Hội Tam Hoàng, nên không nhiệt tình phối hợp cảnh sát.

Xác định băng nhóm tội phạm này là nguy cơ với an ninh, chính phủ Anh khi đó và chính quyền Hong Kong mở chiến dịch trấn áp Hội Tam Hoàng với quy mô lớn. Dù vậy, nạn tham nhũng, bảo kê tội phạm khi đó đã khiến cho chiến dịch truy quét không đạt kết quả như mong đợi.

Năm 1997, Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc. Các thành viên Hội Tam Hoàng nhanh chóng di chuyển địa bàn hoạt động sang Mỹ, Hà Lan… Ngày nay, hội có “mạng lưới” hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới bao gồm cả Hong Kong, Ma Cao, Đài Loan, Trung Quốc đại lục và những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống như Malaysia, Singapore, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Anh…

Trong hội Tam Hoàng, băng “14K” nằm trong số nhóm có ảnh hưởng lớn nhất và bạo lực nhất, gọi là “tứ đại hắc bang”. Băng này có ảnh hưởng rộng không chỉ ở Hong Kong mà còn trên thế giới. Từ những năm 70, 14K mở rộng “chân rết” sang các nước khu vực Âu Mỹ và Đông Nam Á, hoạt động buôn bán ma túy và buôn lậu ở Đông Nam Á, Nam Phi và Hà Lan.

Khi hoạt động mở rộng, sự quản lý của 14K trở nên lỏng lẻo và khiến nội bộ phân chia thành quá nhiều nhóm nhỏ, chiếm giữ những khu vực khác nhau, thường xuyên mâu thuẫn cũng như có các cách hoạt động khác nhau, biến tướng khó lường. Điều này khiến cuộc chiến chống các băng nhóm xã hội đen trở nên ngày càng phức tạp.

RELATED ARTICLES

Tin mới