Chuyến công du Châu Á của bà Pelosi dường như khiến Mỹ đang tự tin hơn trong câu chuyện Đài Loan vốn được coi là nhạy cảm. Giới thạo tin hôm 29/8 cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang dự kiến đề nghị quốc hội Mỹ phê chuẩn thương vụ trị giá 1,1 tỷ USD cho Đài Loan.
Nói cho công bằng, không phải bà Pelosi, Chủ tịch Hạ Viện Mỹ không “sợ” những lời đe dọa của Trung Quốc khi Đài Loan được giới truyền thông tiết lộ là một trong 3 điểm đến trong chuyến công du Châu Á của bà. Vì thế, nhân vật quyền lực thứ ba của nước Mỹ, tới phút chót, đã chọn một giải pháp khôn ngoan: đáp xuống Đài Loan như một chuyến thăm không chính thức, nhằm tránh cho quan hệ Mỹ -Trung rơi vào khủng hoảng tới mức sụp đổ – điều mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc, dù gầm ghè nhau tới đâu, cũng không muốn.
Không muốn vì cả hai đều thấy, ngoài việc là đối thủ, họ còn là những đối tác hết sức quan trọng về kinh tế, thương mại. Dù “hạ cấp độ” chuyến đi, bà Pelosi vẫn đạt được mục đích chính trị của mình là tới Đài Loan để “để làm rõ một cách dứt khoát rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ cam kết của chúng tôi với Đài Loan, chúng tôi tự hào về tình hữu nghị lâu bền của chúng ta”.
Không mấy hào hứng chuyến đi của bà Pelosi, thậm chí có thể còn “thầm trách” nhà lãnh đạo lập pháp đẩy mình vào thế khó trước ông Tập Cận Bình, nhưng tổng thống Mỹ Biden cũng không thể không hể hả khi nhận thấy, thông điệp bà Pelosi với Đài Loan có thể coi như sự phụ họa quan điểm của Nhà trắng: “Washington sẽ can thiệp quân sự nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan”.
Cuộc tập trận hỗn hợp với quy mô lớn ở vùng biển và không phận quanh Đài Loan, thậm chí còn mô phỏng việc phong tỏa và cắt đứt các tuyến đường hậu cần xung quanh hòn đảo muốn ly khai này cho thấy “Trung Quốc nói là làm” thật.
Nhưng, cái sự “làm” chỉ thực hiện sau khi bà Pelosi đã rời đi lại cũng cho thấy, Trung Quốc còn lâu mới hành xử như một kẻ say mồi, bất chấp tất cả mà không lường tới hậu quả. Ngược lại, Bắc Kinh tỉnh táo là khác. Tỉnh táo để tính toán và hãm lại “giọt nước tràn ly”. Nói dại, xảy ra thật cái việc “bắn hạ máy bay của bà Pelosi cũng là điều chấp nhận được” – như cựu tổng biên tập Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc xui dại – thì không chừng, đại chiến thế giới thứ ba đã nổ ra; sau một tháng; thế giới lúc này đã…nát như tương.
Trung Quốc “tỉnh” thì Mỹ còn “tỉnh” hơn. Cả đồi Capitol và Nhà Trắng đều “đọc” rõ Trung Nam Hải nghĩ gì, làm gì; cũng như thừa biết, đòn mạnh nhất mà Bắc Kinh có thể ra tay.
Mạnh tới đâu, thì cũng còn lâu, Trung Quốc mới dám khai hỏa châm ngòi một cuộc chiến với Mỹ chỉ vì những sự kiện kiểu như chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Thế nên, được đà lấn tới, chỉ 2 tuần sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện, ngày 15/8, đoàn nghị sĩ hai đảng do Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey dẫn đầu, đã tới Đài Loan trong một chuyến thăm hai ngày.
Tiếp đó, kề chuyến thăm của Thống đốc bang Indiana của Mỹ Eric Holcomb hôm 21/8 cũng tới Đài Bắc và gặp bà Thái Anh Văn, là chuyến thăm thứ tư của phái đoàn do thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn dẫn đầu, tới Đài Loan vào ngày 25/8.
Dĩ nhiên là Trung Quốc nổi khùng. Nhưng khùng thế chứ hơn thế, thể hiện nó cũng chỉ là các cuộc tập trận tốn kém.
Mặc cho Trung Quốc khùng, Mỹ vẫn tiếp tục lấn tới. Bằng chứng là Washington vừa thò thêm cho truyền thông úp mở thông tin rằng, Chính quyền của ông Biden đang lên kế hoạch đề nghị quốc hội Mỹ duyệt thương vụ 1,1 tỷ USD để bán gần 200 tên lửa, tăng hạn radar cho Đài Loan. Ba nguồn tin giấu tên lại còn bình rằng: khả năng hợp đồng được thông qua là cái chắc, cho dù quá trình phê chuẩn có thể kéo dài do quốc hội Mỹ đang trong thời gian nghỉ.
Nếu thông tin này được đại diện Quốc hội Mỹ xác nhận, Biển Đông lại nổi sóng thêm lần nữa vì một cuộc tập trận mới của Trung Quốc?
Trong đánh giá của dư luận, thời điểm này, dẫu hò hét om sòm để đe dọa Mỹ tới mức nào, Trung Quốc cũng đố dám làm gì hơn…tập trận?
T.V