Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao “ mặt trận chống Nga” tại LHQ lại “ rạn...

Vì sao “ mặt trận chống Nga” tại LHQ lại “ rạn vỡ”

Ngày 24/8, tuyên bố chung chống Nga tại Liên Hợp Quốc, phản đối cuộc xung đột tại Ukraine chỉ được 58/193 quốc gia thành viên ủng hộ, tức chưa đến 1/3 thành viên của tổ chức. Con số này quá thấp nếu so với cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3 là 141/153 nước thành viên, chiếm 73% Liên Hiệp Quốc. Lý do nào đã khiến nhiều nước rút lui trong việc lên án Nga vào thời điểm này?

Kinh tế Nga đang trở lại

Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã diễn ra tới tháng thứ sáu mà vẫn chưa có hồi kết. Trước đó, nhiều nước đã đưa ra dự báo rằng cấm vận sẽ làm kinh tế Nga suy yếu. Thế nhưng, trái ngược với kỳ vọng, kinh tế Nga tăng trưởng vượt mức dự báo được mong đợi. Số liệu GDP Nga được các nhà phân tích dự báo là sẽ giảm mạnh 7%, dự báo của Bloomberg cũng là 4,7%. Tuy nhiên, GDP Nga trong quý II chỉ giảm 4%, thấp hơn rất nhiều so với dự báo.

Thực tế đã chứng minh, cấm vận đã không thể làm suy yếu kinh tế Nga, nên càng không thể loại nước này ra khỏi bản đồ kinh tế thế giới. Cũng chính vì thế, Nga vẫn sẽ là một nút thắt quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các mặt hàng như ngũ cốc, phân bón, gỗ, các kim loại thiết yếu như palladium, nhôm và niken,… của Nga vẫn đang chiếm tỷ trọng rất lớn, từ 50% đến 60% nhu cầu của thế giới.

Trong bối cảnh đó, Nga đang phát động chiến dịch chỉ bán hàng cho “các nước có mối quan hệ thân thiện với Nga”, cũng như thúc đẩy thanh toán bằng đồng Ruble. Với sự lèo lái của Điện Kermlin, nền kinh tế Nga giờ đây còn đang kết nối chặt chẽ với nhiều nền kinh tế lớn nhỏ khác, trong đó đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân và có sức tiêu thụ bậc nhất thế giới. Chủ tịch Diễn đàn Quốc tế BRICS Purnima Anand hôm 24/8 cho biết Ấn Độ và Nga đã thiết lập một cơ chế thanh toán bằng đồng Ruble và Rupee, không còn cần USD. Điều này có nghĩa các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang cởi mở với Nga, trao cho nước này cơ hội vượt qua tác động của lệnh trừng phạt. Được biết, Moskva ngày càng cung cấp nhiều dầu thô cho Ấn Độ và ngược lại, Nga cũng mua lượng lớn nông sản, hàng dệt may, dược phẩm và các hàng hóa khác từ Ấn Độ.

Rõ ràng một khối kinh tế mới đang được hình thành, vì thế những nước ngoài khối BRICS sẽ không muốn đối đầu với một khối quốc gia lớn mạnh như vậy – nơi mà có cả ba siêu cường một lúc là Ấn Nga Trung. Trước đây, việc lên án Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine của nhiều nước là để đổi lấy lợi ích về chính trị từ phía Mỹ, nhưng hiện nay lợi ích từ phía Mỹ đã giảm đi rất nhiều. Trong khi mối nguy bị trả đũa từ khối BRICS đang càng tăng lên thấy rõ, nhất là sau khi Trung Quốc cũng quay sang đối đầu Mỹ vì vấn đề Đài Loan.

Cũng vì vậy mà sau cuộc chiến, Nga đang đứng trước một cơ hội để nâng cao vị thế của mình, khi sẵn sàng bắt tay làm ăn với những quốc gia không còn bỏ phiếu chống Nga, cung cấp cho họ các mặt hàng giá rẻ trong bối cảnh bão giá nguyên vật liệu leo thang. Từ đó, xây dựng lại hình ảnh một nước Nga thân thiện và ràng buộc các nước vào vòng vây địa chính trị của mình.

Cùng với Nga, nước Mỹ cũng đang trở lại và Việt Nam hưởng lợi nhờ vị thế trung lập trên trường quốc tế.

Dù Nga đang trở lại, các khối kinh tế mới đang được hình thành, nhưng cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia thu được lợi ích lớn nhất trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Về chính trị, GDP Nga tuy giảm 4% trong quý II, thấp hơn dự báo nhưng cũng khiến quy mô nền kinh tế hiện tại gần như tương đương năm 2018. Washington coi như đã thành công kiềm chân “gấu Nga”. Đặc biệt, qua cuộc xung đột Nga – Ukraine, Mỹ càng có thêm nhiều nước đồng minh dưới trướng mình.

Về kinh tế, Mỹ cũng thu được nhiều lợi ích lớn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Giới tài chính Phố Wall đã thu được lợi nhuận kếch xù trong việc sản xuất và bán vũ khí cho Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như cho hàng chục quốc gia châu Âu mua sắm để phòng thủ Nga. Ngoài ra, các công ty dầu mỏ, khí đốt, khí hóa lỏng của Mỹ nhờ xung đột mà có được thị trường xuất khẩu lớn gấp 3 – 4 lần so với trước. Trong khi dầu Nga chảy sang châu Á, thì Mỹ đã trở thành quốc gia cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu. Tất cả những điều này cho thấy Mỹ là một “tay chơi cừ khôi” trên chính trường thế giới, họ sẵn sàng chấp nhận cái giá là lạm phát để thu về hàng tỷ USD cùng nhiều lợi ích chính trị trong cuộc chiến chống Nga. Người tám lạng, kẻ nửa cân, vị thế bá quyền của Mỹ vì thế vẫn chưa dễ để lay chuyển.

Điều đó càng nhắc nhở những quốc gia đang trong giai đoạn phát triển như Việt Nam cần phải thêm cảnh giác, giữ vững vị thế trung lập quốc tế. Mỹ và Nga vẫn ràng buộc với nhau về kinh tế, nhìn rộng hơn thì còn có Mỹ -Trung, vì thế nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở những quốc gia đối địch nhau sẽ cần đến một quốc gia trung gian để đặt các cơ sở hạ tầng sản xuất. Việc này vô tình giúp cho Việt Nam nhận được dòng vốn FDI dồi dào, chất lượng từ những nền kinh tế lớn. Suy thoái, chiến tranh, xung đột chính trị – kinh tế, dòng vốn FDI càng có động lực tìm đến Việt Nam. Với mục tiêu trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045, giai đoạn này là cơ hội cho Việt Nam nhờ vào vị thế trung lập trên trường quốc tế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới