Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Âu bắt đầu ngấm đòn vì trừng phạt Nga 

Châu Âu bắt đầu ngấm đòn vì trừng phạt Nga 

Châu Âu đang chìm trong tâm bão khủng hoảng năng lượng sau khi leo thang trừng phạt Nga. Túi tiền của người dân đang hao mòn vì bão giá đã bùng lên xung đột xã hội gay gắt, xung đột quan điểm trong chính sách với Nga và Ukraine… Chưa biết châu Âu sẽ lựa chọn như thế nào, nhưng chắc chắn khối nợ công tiếp tục phình to bất chấp rủi ro để trợ cấp giá. Châu Âu ngày một kiệt quệ…

Những người biểu tình kêu gọi có được năng lượng với giá cả phải chăng chặn con đường bên ngoài trụ sở của Ofgem ở Canary Wharf vào ngày 26/08/2022 ở London, Anh. Ofgem đã công bố mức giá mới cho giới hạn giá năng lượng, tăng 80% từ 1971 GBP (bảng Anh) lên 3549 GBP mỗi năm từ ngày 01/10. (Ảnh: Rob Pinney / Getty Images)

Hôm thứ Sáu, Gazprom đã thông báo đình chỉ việc cung cấp khí đốt tự nhiên đến Đức qua đường ống Nord Stream, với lý do rò rỉ dầu. Trước đó, các bộ trưởng tài chính G7 thống nhất áp đặt một giới hạn giá cho dầu của Nga, còn Nga cho biết sẽ cắt đứt nguồn cung cấp dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia vào kế hoạch đó.

Và Nga đã làm điều đó: khoá đường ống Nord Stream vì lý do ‘rò rỉ’ nên cần bảo dưỡng.

Hôm qua, ngày 4/9, Liên minh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đạt thỏa thuận cho một kế hoạch cứu trợ trị giá khoảng 65 tỉ euro nhằm giúp hàng triệu hộ gia đình Đức đang vật lộn với giá cả tăng cao trong lúc lạm phát đạt mức kỷ lục trong gần 50 năm qua tại quốc gia này.

Nhớ lại 4 năm trước, trong nỗ lực ngăn chặn sự phụ thuộc của Đức và EU vào năng lượng Nga để đảm bảo chặn lại đáng kể các xung đột địa chính trị toàn cầu, cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh báo rằng Đức sẽ “hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng của Nga”. Khi đó, một trong những nhà ngoại giao Đức từng cười khúc khích trước nhận định này của ông Trump. Hiện nay, tất cả những gì ông Trump cảnh báo đã trở thành sự thật.

Nhưng sự thật này hết sức tàn khốc. Năng lượng không chỉ để sưởi ấm. Nó là đầu vào của ngành sản xuất, của vận tải. Và người dân châu Âu, chứ không phải cách chính trị gia hay các nhà ngoại giao thích cười ‘khúc khích’, đang chịu cú đánh kép từ chính sách năng lượng xanh (theo đuổi mục tiêu zero carbon) từ các chính phủ và sự trừng phạt ngược từ Nga.

Bão giá

Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Khu vực đồng Euro đã tăng tốc lên 9,1% vào tháng 8 năm 2022 từ 8,9% trong tháng 7, cao hơn mức dự báo của thị trường là 9% (theo ước tính sơ bộ, nguồn Trading Economics).

Tỷ lệ lạm phát đã phá vỡ mức cao kỷ lục mới do chi phí năng lượng vẫn tăng mạnh dù giá dầu thế giới giảm (38,3% tháng 8/2022 so với 39,6% tháng 7/2022) và giá thực phẩm tiếp tục tăng (10,6% so với 9,8%). Giá dịch vụ cũng tăng nhanh hơn (3,8% so với 3,7%) và hàng công nghiệp phi năng lượng (5% so với 45%).

Các chính trị gia rất thích số liệu lạm phát lõi (loại bỏ đi năng lượng và lương thực). Con số này luôn nhỏ đủ để truyền thông tung hô rằng giá cả biến động mạnh trên thị trường là do các cú sốc khách quan; thường là do nước Nga đang thực thi các chính sách quá thù địch.

Nhưng dù vậy, lạm phát lõi tháng 8/2022 đang tăng cao so với tháng 7/2022; cho thấy giá cả các khu vực khác đã tạo ra mặt bằng mới sau một thời gian dài khủng hoảng giá khí đốt, năng lượng và lương thực (một phần lớn đến từ các đòn trừng phạt châu Âu của Nga). Nếu loại trừ năng lượng, lạm phát tăng lên 5,8% (so với 5,4% trong tháng 7) và loại trừ năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá, lạm phát cũng tăng lên 4,3% (so với 4%). So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,5%.

Theo thống kê từ trang Trading Economics, 25/46 nền kinh tế châu Âu có lạm phát trên 2 con số (từ 10% -76%); lạm phát tăng tại mọi nền kinh tế.

Tiết kiệm năng lượng như công dân ở thế giới thứ ba

Lo cắt điện luân phiên theo kiểu Trung Quốc để tiết kiệm năng lượng, các nhân viên chính phủ Anh đã học cách dùng giấy than để in. Một bản tin khá hài hước nhưng thực tế đăng ngày hôm qua (4/9) thu hút rất nhiều đọc giả bình luận.

Đó là cấp chính phủ, cuộc sống người dân (tầng lớp trung lưu và nghèo) trong cơn bão giá thực sự đáng buồn hơn nhiều; họ buộc phải tiết kiệm tối đa chi tiêu đang bị bào mòn bởi lạm phát cho năng lượng. Nhiều gia đình cho biết họ phải tắt tối đa các thiết bị điện không thiết yếu như máy giặt, máy rửa bát, bóng đèn thắp sáng, điều hoà.. để đảm bảo tiết kiệm tối đa chi phí năng lượng phải chi trả.

Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia Ofgem đã công bố tăng giá năng lượng ở mức rất cao, đẩy hóa đơn điện và khí đốt trung bình lên 3.549 bảng Anh một năm, tăng 80% so với con số 1.971 bảng hiện tại đối với biểu giá nhiên liệu kép trung bình bắt đầu từ tháng 10.

Chính phủ đã hình dung ra một “tình-huống-xấu-nhất hợp lý” mà người Anh có thể đối mặt trong trường hợp thiếu hụt công suất điện, Bloomberg đưa tin. Các quan chức tính toán sự sụt giảm như vậy có thể lên tới khoảng 1/6 nhu cầu cao điểm, bất chấp khả năng các nhà máy than khẩn cấp của nước này sẽ được mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, kịch bản này “không phải là điều chúng tôi mong đợi sẽ xảy ra”, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp cho biết trong một tuyên bố, đồng thời gieo rắc nỗi sợ hãi và và cả sự trấn an trong cùng một lúc.

Theo Bloomberg, Bộ cho biết: “Các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp có thể tự tin rằng họ sẽ có được điện và khí đốt mà họ cần”.

Theo báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Cornwall Insight vào thứ Sáu, mức giới hạn giá dự kiến ​​sẽ được nâng lên vào tháng 01/2023 lên mức ước tính là 5,387 bảng Anh và một lần nữa lên 6,616 bảng cho mức giới hạn tháng 4, theo công ty tư vấn năng lượng Cornwall Insight hôm thứ Sáu, The Guardian đưa tin.

Nhưng ngân sách hộ gia đình đang ngày càng eo hẹp ở Anh và không có dấu hiệu thuyên giảm trong tương lai gần. Ngược lại: lạm phát đang tăng vọt và gần lên đến con số 10%, trong khi các nhà kinh tế dự đoán nó sẽ tăng lên 18% vào tháng một năm sau (2023).

Trong khi đó, những người Scotland tức giận đã xuống đường và đốt hóa đơn năng lượng của họ để phản đối việc sắp tăng giá 80% so với chi phí điện hàng năm. Những người biểu tình tụ tập bên ngoài trụ sở cơ quan quản lý năng lượng Glasgow hát: “Các hóa đơn đang cháy!”

Biểu tình quy mô kỷ lục

Theo một công ty tư vấn rủi ro, các quốc gia giàu có nhất châu Âu phải đối mặt với nguy cơ bất ổn dân sự gia tăng trong mùa đông, bao gồm các cuộc biểu tình trên đường phố, do giá năng lượng cao và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.

Hôm nay, 70 nghìn người Czech biểu tình ở Prague phản đối EU và NATO vì khủng hoảng năng lượng. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất 3 thập kỷ gần đây, theo Bloomberg. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 1989. Bởi vì, cuộc biểu tình lớn năm 1989 đòi độc lập và từ bỏ Liên Xô đã khiến chính phủ này giải tán.

Chính phủ Czech đã chi 3% GDP hỗ trợ giá năng lượng và dự kiến chi thêm 2% nữa. Chuyên gia kinh tế Hồ Quốc Tuấn, bình luận trên facebook cá nhân của ông rằng: “Để bạn dễ hình dung, nghĩa là Czech năm nay làm ra nhiêu đã ăn hết và dự kiến ăn trước luôn phần tăng trưởng GDP của năm sau”.

Ngoài ra, người biểu tình Czech cũng biểu tình phản đối dân tị nạn Ukraine được nhập cư, và đề nghị trực tiếp đàm phán năng lượng với Nga, không ủng hộ quan điểm của EU về cuộc chiến ở Ukraine.

Nhà phân tích chính Torbjorn Soltvedt của công ty tư vấn Verisk Maplecroft nói với Reuters rằng, cả Đức và Na uy đều là những nước có nền kinh tế phát triển đang chứng kiến sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày gây ra bởi các hoạt động phản kháng của người lao động, một xu hướng đã được thấy ở Vương quốc Anh.

Báo cáo mới nhất của Verisk về chỉ số bất ổn dân sự cho thấy hơn 50% trong số gần 200 quốc gia trên thế giới được đề cập trải qua sự gia tăng rủi ro bất ổn hàng loạt trong khoảng thời gian từ quý 2 đến quý 3 năm 2022. Đây là số lượng quốc gia lớn nhất kể từ khi công ty công bố chỉ số này vào năm 2016.

Theo báo cáo được công bố hôm thứ 6 (02/09), danh sách các quốc gia có sự gia tăng rủi ro dự kiến ​​lớn nhất bao gồm Bosnia và Herzegovina, Thụy Sĩ và Hà Lan.

Ông Soltvedt nói: “Trong mùa đông, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một số quốc gia phát triển ở châu Âu bắt đầu chứng kiến ​​những hình thức bất ổn dân sự nghiêm trọng hơn”.

Cuộc chiến của Ukraine kể từ ngày 24/02 đã thúc đẩy sự gia tăng giá thực phẩm, đạt mức kỷ lục mọi thời đại vào tháng 2 và một lần nữa đạt kỷ lục vào tháng 3. Giá năng lượng cũng tăng mạnh với việc châu Âu nhận thấy mình là trung tâm bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo, từ các phong trào hòa bình đến các cuộc biểu tình bạo lực, việc tăng giá các loại thực phẩm chính cũng giải thích cho sự gia tăng bất mãn trong xã hội đang lan tràn trong cả các thị trường phát triển và mới nổi.

Mauritius, Cyprus và Ukraine trải qua sự gia tăng bất ổn xã hội lớn nhất trong quý thứ ba so với quý thứ hai, với Nga ở vị trí thứ bảy và Na Uy ở vị trí thứ mười ba trong danh sách.

Sản xuất bắt đầu thu hẹp

Chỉ số mở rộng đơn hàng sản xuất PMI khu vực đồng tiền chung châu Âu của S&P đã được điều chỉnh thấp hơn một chút xuống 49,6 vào tháng 8/2022, từ ước tính ban đầu là 49,7 và so với 49,8 cuối cùng của tháng Bảy. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy tình trạng đơn hàng sản xuất đang bị thu hẹp.

Sản lượng khu vực châu Âu giảm với tốc độ tương tự như hồi tháng 7, mức mạnh nhất kể từ tháng 5 năm 2020, trong khi đơn đặt hàng mới một lần nữa giảm mạnh.

Điều này dễ hiểu khi tiêu dùng người Châu Âu bị thắt chặt vì phải chi trả phần lớn cho hoá đơn năng lượng. Bởi vậy, các nhà sản xuất đã cắt giảm đơn hàng của họ để đối phó với triển vọng kinh tế đen tối. Điều này đồng nghĩa với thất nghiệp gia tăng, bất ổn xã hội sẽ tiếp tục gia tăng mạnh hơn nữa.

Khối nợ xấu của chính quyền và mất giá đồng tiền chung EUR

Đồng tiền chung châu Âu mất giá mạnh nhất trong vòng 20 năm qua trong khi USD tăng giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ. Ngân hàng Trung ương Mỹ phát đi thông điệp sẽ kiên định chống lại lạm phát cho tới khi lạm phát về mức mục tiêu 2%. Điều này có nghĩa, con đường tăng lãi suất của Fed còn dài. Quan trọng hơn, lạm phát lõi ở châu Âu và Mỹ tiếp tục tăng cao cho thấy lạm phát sẽ không vì giá dầu hay giá lương thực ổn định trở lại mà sớm quay trở về mức mục tiêu.

Từ các nguyên nhân của lạm phát do nợ, cung tiền quá mức nhiều thập kỷ, do một lượng tiền lớn đổ vào các tài sản không tạo ra giá trị gia tăng như tiền ảo, tài chính phái sinh, … nên việc lạm phát thập kỷ này sẽ khó lòng giảm chỉ vì giá năng lượng ổn định hơn.

Thêm vào đó, trong tâm điểm khủng hoảng năng lượng, các quốc gia châu Âu bắt đầu tung ra các gói hỗ trợ năng lượng cho người dân và doanh nghiệp. Đức vừa tuyên bố tung ra gói 65 tỷ euro hỗ trợ giá năng lượng. Hiện nay, nợ chính phủ/GDP của Đức ở mức khá thấp so với các nền kinh tế khác trong khu vực (69%).
Dự báo cuộc đua sẽ tiếp theo sẽ dẫn tới các gói hỗ trợ của các nền kinh tế khác. Thậm chí các nền kinh tế đang có nợ công/GDP cao như Anh (95,9%), Pháp (113%),.. cũng sẽ tham gia vào cuộc đua này.

Đương nhiên, nợ công cao sẽ dẫn tới chi phí trả nợ gốc lãi cho tương lai cao, xói mòn tăng trưởng và rủi ro vỡ nợ cũng tăng cao hơn. Làn sóng bù giá năng lượng kiểu Châu Âu hiện nay sẽ chỉ khiến USD tăng giá vì rủi ro vỡ nợ công của khu vực gia tăng; đồng EUR tiếp tục suy giảm và bất ổn. Cuối cùng, gánh nặng nợ công lên các thế hệ sau của EU sẽ nặng nề hơn bao giờ hết.

Cuộc chiến Nga – Ukraine có vẻ không chỉ tàn phá Ukraine, làm suy kiệt Nga mà còn làm EU chia rẽ, suy yếu và hỗn loạn hơn bao giờ hết…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới