Nhiều nhà kinh tế từng dự báo GDP Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào cuối thập kỷ này nhưng kết quả gần đây đang khiến họ cân nhắc lại.
Triển vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên u ám khi các chính sách chống dịch và kiềm chế đầu cơ bất động sản đã làm giảm rõ rệt tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm qua. Khi xem xét lại dự báo cho 2022, các nhà kinh tế lo lắng hơn về triển vọng dài hạn của Trung Quốc, với nhân khẩu học không thuận lợi và mức nợ cao có khả năng đè nặng lên bất kỳ sự phục hồi nào.
Năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh – tổ chức tư vấn của Anh – dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào 2028. Nhưng trong cập nhật mới đây, họ lùi thời điểm thêm 2 năm, tức vào 2030.
Ít lạc quan hơn, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản ở Tokyo cho rằng việc Trung Quốc vượt qua Mỹ sẽ không thể xảy ra cho đến năm 2033, muộn hơn 4 năm so với dự báo trước đó của họ. Một số khác thậm chí còn hoài nghi khả năng vươn lên hạng nhất của nước này.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cho biết dân số già của Trung Quốc và xu hướng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp, cùng với những thách thức khác, đã khiến ông giảm kỳ vọng đáng kể về tăng trưởng của nước này.
Summers hiện là giáo sư Đại học Harvard. Ông ra cho rằng có sự tương đồng giữa những dự báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tiên lượng ngày xưa về khả năng Nhật Bản hoặc Nga sẽ vượt qua Mỹ. Những dự đoán như vậy, thời nay khi nhìn lại, Summers cho là nực cười. “Có khả năng điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc”, ông nói.
Các nhà nghiên cứu còn tranh luận việc xếp hạng GDP có ý nghĩa như thế nào và liệu có thay đổi nhiều nếu Trung Quốc vượt qua Mỹ.
Đồng USD dự kiến vẫn là tiền tệ dự trữ của thế giới trong nhiều năm tới. Leland Miller, CEO công ty nghiên cứu China Beige Book, cho biết mức sống ở Mỹ – được đo bằng GDP bình quân đầu người – cao hơn 5 lần so với ở Trung Quốc và khoảng cách này khó có thể sớm thu hẹp.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong bảng xếp hạng sẽ là một chiến thắng về danh tiếng cho Bắc Kinh, khi họ tìm cách cho thế giới và người dân của mình thấy rằng mô hình của họ vượt trội hơn so với phương Tây và rằng Mỹ đang suy giảm cả về chính trị và kinh tế.
Theo thời gian, nó có thể dẫn đến những thay đổi thực chất hơn khi nhiều quốc gia định hướng lại nền kinh tế của họ để phục vụ thị trường Trung Quốc. “Nếu Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể, điều đó sẽ ảnh hưởng đến triển vọng quyền lực của họ”, ông Summers nói.
Vào năm 2020, khi Trung Quốc phục hồi nhanh hơn so với Mỹ từ đợt bùng phát Covid-19 ban đầu, nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ sớm hơn dự kiến. Nhưng tình hình sau đó đảo ngược. Sau khi Mỹ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc quý IV/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với chính phủ rằng cần đảm bảo tăng trưởng vượt xa Mỹ trong năm nay.
Một số nhà kinh tế ít lo ngại về các mối đe dọa ngắn hạn với tăng trưởng của Trung Quốc. Justin Yifu Lin, Cựu Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới, lập luận rằng dân số lớn hơn có nghĩa là cuối cùng nền kinh tế của đất nước này vẫn sẽ lớn gấp đôi so với Mỹ. Tại một diễn đàn ở Bắc Kinh vào tháng 5, ông dự đoán quá trình đó sẽ tiếp tục bất chấp sự suy thoái gần đây nhất của đất nước.
Tuy nhiên, các vấn đề kinh tế tiếp tục chồng chất ở Trung Quốc, một phần là do chính sách chống dịch và chính sách kiềm chế nợ. Suy thoái bất động sản không có dấu hiệu thuyên giảm. Một chỉ số theo dõi niềm tin của người tiêu dùng đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào mùa xuân năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị đang ở mức cao kỷ lục.
Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Australia, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt trung bình khoảng 2% đến 3% một năm giai đoạn 2021-2050, so với kỳ vọng khác là 4-5%. Viện nêu lý do nhân khẩu học không thuận lợi, giảm lợi nhuận từ đầu tư cơ sở hạ tầng và những thách thức khác.
Dù tăng trưởng từ 2% đến 3% một năm, Trung Quốc vẫn có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
“Nhưng họ sẽ không bao giờ có vị trí dẫn đầu thật sự như Mỹ và sẽ vẫn kém thịnh vượng và năng suất đầu người kém hơn nhiều so với Mỹ thậm chí là vào giữa thế kỷ này”, viện nghiên cứu này lưu ý.
Viện này cũng cho rằng, sự tăng trưởng cũng sẽ không đủ để mang lại bất kỳ lợi thế cạnh tranh đáng kể nào. Cùng với đó, sự suy thoái kinh tế hơn nữa của Trung Quốc kể từ khi dự báo được công bố vào tháng 3 “ít nhất đã đẩy lùi thời điểm Trung Quốc có thể vượt Mỹ, và có nhiều khả năng rằng trên thực tế Trung Quốc không bao giờ có thể làm được”.
Đến 2021, GDP Trung Quốc (tính theo USD) tăng từ 13% vào năm 2001 và bằng 77% quy mô của Mỹ, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Các nhà nghiên cứu của Capital Economics cho rằng kịch bản khả dĩ nhất là nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở rộng lên khoảng 87% quy mô của Mỹ vào năm 2030, trước khi giảm trở lại 81% vào năm 2050.
Điều này do việc dân số lao động đang thu hẹp và tăng trưởng năng suất yếu, bên cạnh các yếu tố khác. “Điểm yếu của những khủng hoảng đã xuất hiện và phát triển trong một thời gian dài”, Mark Williams, Giám đốc kinh tế châu Á của Capital Economics, lý giải.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng khả năng Trung Quốc vượt qua Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc liệu nước này có theo đuổi các thay đổi chính sách kinh tế hay không.
Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore và là cựu nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới, cho biết ông tin rằng Trung Quốc có thể vượt Mỹ về quy mô GDP vào năm 2035, nếu nước này tăng tuổi nghỉ hưu, cho phép nhiều lao động nông thôn chuyển đến các thành phố hơn, và thực hiện các bước để nâng cao năng suất như chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Nhưng Trung Quốc sẽ không thể bắt kịp Mỹ nếu các nhà hoạch định chính sách chỉ theo đuổi “những cải cách hạn chế”, hoặc gặp phải khủng hoảng nợ. Việc rời xa Mỹ hơn cũng có thể khiến Trung Quốc khó tiến xa hơn, vì dòng kiến thức từ nước ngoài bị gián đoạn, ông nói.
Các nhà kinh tế khác lo ngại rằng việc so sánh quy mô kinh tế có nguy cơ khơi dậy chủ nghĩa dân tộc có thể gây bất lợi cho cả hai quốc gia. “Có quá nhiều người đã quên mất thực tế là các nền kinh tế cùng hưởng lợi”, Andy Rothman, Chiến lược gia đầu tư tại Matthews Asia, cho biết.
Ông dẫn chứng kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng hơn 600%, và phần còn lại thế giới cũng tăng 126%. “Nhìn nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ như một trò chơi có tổng bằng 0 thì không chính xác”, ông nói.
T.P