Nhiều người cho biết uống trà sữa là một thói quen. Vì vậy, dù loại thức uống này không rẻ nhưng họ vẫn mạnh dạn chi tiền uống trà sữa mỗi ngày để thỏa mãn cơn thèm.
Nghiên cứu chung của Momentum Works và Qlub (Singapore) công bố giữa tháng 8 cho thấy người tiêu dùng Đông Nam Á chi 3,66 tỉ USD/năm để mua trà sữa trân châu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 với 362 triệu USD, tương đương gần 8.500 tỉ đồng trong năm 2021.
Vậy trà sữa là món nước uống có có gì khiến nhiều người mê mệt đến vậy?
Uống theo thói quen
15 giờ chiều, chị Phạm Thu Phượng (24 tuổi, ở Q.Hà Đông, Hà Nội) cùng đồng nghiệp ở một công ty truyền thông đặt trà sữa về văn phòng uống. Cực kỳ thích món trà sữa trân châu hoàng gia của quán nên chị gọi một cốc cỡ vừa (cỡ M). Sau khi dùng mã khuyến mãi trên ứng dụng đặt đồ ăn, số tiền chị phải trả cho cốc trà sữa này là 45.000 đồng.
Chị cho biết, hãng trà sữa hôm nay chị đặt thuộc tầm trung, mức giá giao động từ 35.000 – 55.000 đồng. Đầu tháng nhận lương hoặc khi có tiền thưởng, chị chọn những hãng trà sữa tầm giá cao vì ngon hơn. Vì không có nhiều thời gian rảnh nên chị hay đặt về uống thay vì ra quán trà sữa uống trực tiếp, ngồi tán gẫu với bạn bè.
“1 tuần mình đi làm 5 – 6 ngày thì có tới 4 buổi đồng nghiệp rủ uống trà sữa. Mình có thói quen này và khi họ rủ mình cũng đồng ý đặt cho vui. Đôi lúc cảm thấy mất tinh thần, uống trà sữa giúp mình thấy tỉnh táo, có thêm động lực làm việc tốt hơn”, chị nói.
Theo chị Phượng, bản thân thích uống trà sữa vì thích vị ngọt, hạt trân châu dai dai, sần sật ăn rất vui miệng. Dù biết uống nhiều trà sữa không tốt cho sức khỏe nhưng chị vẫn “tặc lưỡi” uống theo sở thích của bản thân.
Thanh Niên đã có cuộc khảo sát online ngẫu nhiên với 150 người để biết thực trạng sử dụng đồ uống này.
Trong tổng số người tham gia khảo sát, số lượng giới tính nữ uống trà sữa áp đảo hơn nhiều so với nam giới, chiếm tỷ lệ 68,7% so với 31,3%. Điều này cho thấy trà sữa là loại đồ uống ưa chuộng của phái nữ.
Người Việt Nam chi gần 8.500 tỉ/năm cho trà sữa: Thứ nước có gì mà vạn ‘tín đồ’ mê mẩn? – ảnh 2
Những người trẻ như học sinh, sinh viên có thói quen uống trà sữa gần như hàng ngày, dù giá một cốc trà sữa khá cao so với thu nhập họ kiếm được. Theo kết quả khảo sát, số người uống trà sữa là học sinh, sinh viên chiếm phần lớn (76%), người đi làm chiếm ít hơn (24%). Trà sữa được cho là dễ uống, phù hợp với nhiều người đặc biệt là người trẻ như học sinh, sinh viên.
Người Việt Nam chi gần 8.500 tỉ/năm cho trà sữa: Thứ nước có gì mà vạn ‘tín đồ’ mê mẩn? – ảnh 3
Dựa theo khảo sát, mức độ thỉnh thoảng uống trà sữa chiếm đa số (58,7%); tiếp theo là mức độ thường xuyên (24,7%); mức độ hiếm khi (12,7%); mức độ không bao giờ và luôn luôn uống trà sữa chiếm rất ít (2%). Như vậy, hiện nay nhiều người có thói quen thỉnh thoảng uống trà sữa trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thu Huyền (23 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) tự nhận bản thân là một “tín đồ trà sữa”. Chị đã thử uống các thương hiệu với nhiều giá tiền khác nhau và mỗi tháng chi khoảng 1 triệu đồng cho tiền trà sữa.
“Từ hồi sinh viên đến khi đi làm mình vẫn duy trì thói quen uống trà sữa. Đi làm có lương nên mình cũng không ngại mua những ly trà sữa giá cao hơn hồi đi học. Mình từng uống ly trà sữa đắt nhất là 85.000 đồng bao gồm nhiều topping đi kèm. Hễ tuần nào không uống trà sữa mình sẽ thấy bứt rứt, khó chịu và mọi người thường đùa là “trà sữa vật”. Mình sợ mập nên sẽ chăm tập thể dục để đốt cháy calo do uống trà sữa”, chị Huyền nói.
Giải mã sức hút của trà sữa, chị Huyền cho biết, thức uống này ngon và ngậy, dần dần sẽ “nghiện”. Trà sữa rất dễ uống, các loại topping phong phú hấp dẫn. Thức uống này rất dễ mua, chỉ cần đặt online khoảng 15 – 30 phút sau sẽ có shipper giao tận tay hoặc mua trực tiếp đơn giản khi nhiều cửa hàng nằm sát nhau.
Bên cạnh đó, trà sữa không chỉ là đồ uống giải khát mà còn cầu nối gắn kết bạn bè, mọi người. Mỗi khi có thời gian rảnh, chị thường hẹn người quen, bạn bè đến quán trà sữa trò chuyện, tâm sự.
“Càng uống càng nghiện”
Chị Phạm Thị Trang (27 tuổi, ở Q.1, TP.HCM) không bất ngờ khi mỗi năm người Việt chi gần 8.500 tỉ đồng để mua trà sữa. Giống nhiều nhân viên văn phòng khác, chị thường uống trà sữa vào xế chiều để tăng tinh thần làm việc.
Tùy vào khả năng tài chính, mỗi người lựa chọn từng loại trà sữa với nhiều mức giá khác nhau để cân đối chi tiêu.
“Có đợt ngày nào mình cũng uống trà sữa. Trừ những hôm bận quá hoặc buổi trưa ăn quá no nên không mua chứ buổi chiều thiếu là không chịu được. Trà sữa có trà giúp mình tỉnh táo hơn và có sữa béo béo, thơm thơm. Hai nguyên liệu chính đó kết hợp với nhau khiến mình càng uống càng nghiện”, chị Trang nói.
Về số tiền mà các “tín đồ” trà sữa bỏ ra mỗi ngày khoảng từ 20.000 đồng – 40.000 đồng chiếm phần lớn (65,3%%), từ 40.000 đồng – 80.000 đồng và dưới 20.000 đồng là (17,3%). Như vậy, mọi người thường dành một số tiền vừa phải cho một ly trà sữa.
Người Việt Nam chi gần 8.500 tỉ/năm cho trà sữa: Thứ nước có gì mà vạn ‘tín đồ’ mê mẩn? – ảnh 8
Về mức độ đến quán trà sữa hằng tháng, khoảng 1 – 3 lần chiếm phần lớn (49,3%), kế đó là khoảng 3 – 6 lần (21,3%), và dưới 1 lần chiếm tỷ lệ (17,3%). Trên 6 lần rất ít (12%). Điều này cho thấy, mọi người cũng không dành quá nhiều thời gian đến quán trà sữa trực tiếp.
Người Việt Nam chi gần 8.500 tỉ/năm cho trà sữa: Thứ nước có gì mà vạn ‘tín đồ’ mê mẩn? – ảnh 9
Anh Văn Thành (23 tuổi, quản lý một quán trà sữa ở TP Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng trà sữa dễ uống. Thức uống này có độ ngọt, có kem béo, hương thơm của trà và nhiều topping đi kèm nên phù hợp với nhiều người.
“Sinh viên, người trẻ là đối tượng khách hàng phổ biến nhất trong hoạt động kinh doanh trà sữa. Trong thành phần của một ly trà sữa sẽ bao gồm chất ngọt giúp tinh thần con người trở nên phấn chấn, cùng với vị đắng của trà, giúp mọi người tỉnh táo để làm việc, học tập”, anh Thành cho hay.
Cũng theo anh Thành, trên thị trường trà sữa có sự chênh lệch về giá không nhỏ vì chất lượng mỗi nơi và thương hiệu khác nhau.
“Dựa trên mức độ chi tiêu và khả năng của mỗi người, họ sẽ lựa chọn cho mình một ly trà sữa với giá khác nhau. Nếu có điều kiện, việc chi ra số tiền lớn để thưởng thức một ly trà sữa chất lượng ở những thương hiệu nổi tiếng là một điều bình thường”, anh Thành chia sẻ thêm.
T.P