Saturday, September 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Tập Cận Bình muốn “làm sâu sắc” cái gì?

Ông Tập Cận Bình muốn “làm sâu sắc” cái gì?

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ tại thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc không bước chân ra khỏi biên giới. Lý do chính là ông muốn thực hiện chính sách “zero Covid”. Đương nhiên, đằng sau câu chuyện ông Tập kiên trì “trông nhà” ở Trung Nam Hải còn vì nhiều lẽ.

Thế nhưng một quyết định khá bất ngờ là dự kiến sang tuần tới, Tập Cận Bình sẽ thăm một quốc gia Trung Á. Trong khi phía Trung Quốc thông tin vẫn kín bưng thì Kazakhstan đã hoan hỉ thông báo vào hôm 5/9. Bộ Ngoại giao nước này còn nói rõ, ông bạn vàng sẽ tới thủ đô Nursultan vào ngày 14/9.

Mục đích của chuyến thăm, vẫn theo tin từ Nursultan, người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh muốn nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược toàn diện và bàn sâu về “các vấn đề đối tác chiến lược toàn diện vĩnh viễn, phát triển hợp tác chính trị, thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo”.

Dự kiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Hai bên sẽ ký kết một số văn kiện song phương.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao ông Tập lại muốn “làm sâu sắc” quan hệ chiến lược với Kazakhstan mà không là một quốc gia khác? Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo, Chủ tịch Trung Quốc sẽ tới Bali dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới.

Có vẻ như Tập Cận Bình đang được sự đón đợi của một số quốc gia châu Á với hi vọng cái túi tiền của nhà giàu Bắc Kinh sẽ san xẻ cho nhà nghèo làm vốn.

Trở lại chuyến thăm sắp diễn ra của ông Tập. Kazakhstan trong nhiều năm qua có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và đương nhiên không có tranh chấp lãnh thổ, biển đảo như một số quốc gia khu vực Biển Đông. Kazakhstan có nguồn khoáng sản giàu có, là địa chỉ xuất khẩu lớn khoáng sản, kim loại và năng lượng; đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu.

Một chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế – ông Temur Umarov- cho rằng: Chủ tịch Tập Cận Bình chọn khu vực Trung Á làm chuyến thăm nước ngoài đầu tiên là nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây.

Ông Umarov nói: “Năm 2023 đánh dấu mốc tròn 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường. Cho nên, ngay lúc này, Trung Á sẽ là nơi có thể thể hiện vị thế cường quốc của Trung Quốc”.

Để dọn đường cho chuyến thăm của Tập, tháng 7 vừa qua, sau 20 năm đàm phán, Bắc Kinh đã đồng ý với chính quyền Kyrgyzstan và Uzbekistan xây dựng đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan vào năm 2023.

Vậy là “con đường” thâu tóm thế giới theo nghĩa rộng đã vươn tới mọi hướng, mọi ngả. Riêng về con đường sắt cụ thể, Trung Quốc sẽ có thêm một tuyến đường nữa vào Trung Á, ngoài các tuyến hiện có với Kazakhstan.

Nhân đây, bạn đọc cùng nhớ lại, trong thông điệp gửi tới Tổng thống Kazakhstan vào đầu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình không tiếc lời khen những hành động mạnh tay của Chính phủ Kazakhstan đối với người biểu tình. Ông Tập “xoa đầu”: Làm như thế là “có trách nhiệm cao”.

Làm như thế là “đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ một cách dứt khoát vào những thời điểm quan trọng và đã nhanh chóng làm dịu tình hình. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của một chính trị gia, đồng thời cho thấy ông có trách nhiệm cao đối với đất nước và nhân dân của ông”. – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thốngTokayev.

Cụ thể thêm, Tập Cận Bình khẳng định: Trung Quốc phản đối các thế lực bên ngoài cố tình tạo ra bất ổn ở Kazakhstan và dàn dựng một “cuộc cách mạng màu”. Trung Quốc, với tư cách là nước láng giềng, sẵn sàng hỗ trợ Kazakhstan vượt qua mọi khó khăn.

Được lời như cởi tấm lòng, Nursultan như vớ được chiếc phao cứu sinh khi con thuyền có nguy cơ sắp bị sóng dữ nhấn chìm. Chẳng là thời điểm ấy Kazakhstan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập niên. Trong nước, các cuộc biểu tình diễn ra liên tục để phản đối giá khí hóa lỏng (LPG) tăng cao. Đây là loại nhiên liệu dùng cho ôtô. Giá LPG tăng gấp đôi từ 60 tenge (0,14 USD) lên 120 tenge (0,28 USD) mỗi lít, sau khi Chính phủ Kazakhstan kết thúc chính sách trợ giá LPG từ đầu năm 2022.

Chuyện chỉ có thế. Người ta nói to tát “cách mạng màu” là cách ném thêm các miếng bùi nhùi tẩm xăng vào đám cháy âm ỉ. Và rồi sau đó điều xe cứu hỏa tới cứu nguy. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev sau đó cáo buộc “các nhóm khủng bố đã được đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài” đứng sau tình trạng bạo lực.

Căng thẳng bị đẩy lên đến mức, hôm 7/1/2022, Tổng thống Tokayev cho phép lực lượng thực thi pháp luật sử dụng vũ lực với khả năng gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong, mà không cần báo trước.

Mỹ đã bác bỏ các tuyên bố cáo buộc Mỹ đứng sau can dự vào làn sóng biểu tình bạo lực ở Kazakhstan. Ngược lại, Trung Quốc nhanh chóng nhảy vào can thiệp.

Mỗi sự kiện đều có lý do. Nhưng lý do thường được nêu chung chung chung là là giúp đỡ về kinh tế, an ninh, ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, v.v..

Thực ra thì thiên hạ biết tỏng, việc ông Tập đến Trung Á dịp này là thời điểm rất nhạy cảm. Chỉ còn hơn một tháng nữa Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra. Đại hội này sẽ đánh dấu nhiệm kỳ thứ ba, Tập Cận Bình ngồi lại ghế Tổng Bí thư, bất chấp Điều lệ Đảng quy định, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ. Và tại Đại hội này ông Tập còn có tham vọng trở thành Chủ tịch Đảng (giống như Mao Trạch Đông).

Hóa ra chuyến xuất ngoại đầu tiên sau hai năm rưỡi của nhân vật chóp bu Trung Nam Hải là vì những mục tiêu lớn hơn nhiều, chứ không như tuyên bố “làm sâu sắc thêm” này nọ… Qua cái loa của một nước châu Á, ông Tập sẽ trở thành thần tượng, sẽ là “lãnh tụ thế giới”. Và thế thượng phong ấy giúp ông thắng lợi tuyệt đối ở Đại hội Đảng lần thứ 20.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới