Friday, December 27, 2024
Trang chủQuân sựTên lửa Nga đi trúng mục tiêu "như súng bắn tỉa", đối...

Tên lửa Nga đi trúng mục tiêu “như súng bắn tỉa”, đối phương “toát mồ hôi”

Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander của Nga đang được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine có những khả năng ấn tượng khiến đối phương phải “toát mồ hôi”.

Hệ thống tên lửa Iskander. Nguồn: Creative Commons

Theo truyền thông nhà nước Nga, hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander của Hạm đội Baltic đã tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu giả định trong cuộc tập trận ngày 31/8. Văn phòng báo chí Hạm đội Baltic cho biết những cuộc tập trận quân sự vào các mục tiêu giả định này diễn ra ở khu vực Kaliningrad với 3 hệ thống tên lửa và hơn 50 binh lính. Nhà sản xuất Rostec mới đây đã ca ngợi tên lửa Iskander được sử dụng ở Ukraine có khả năng nhắm trúng mục tiêu như súng bắn tỉa.

Trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã triển khai hệ thống phóng tên lửa Iskander-M di động nhằm hỗ trợ quân đội trong chiến đấu.

Tên lửa Iskander M được phát triển vào những năm 1970 để thay thế tên lửa Scud-B của Liên Xô. Tên lửa này lần đầu đi vào hoạt động năm 2006 sau khi được cung cấp cho quân đội Nga. Moscow thông báo kế hoạch hiện đại hóa và nâng cấp tên lửa Iskander vào năm 2016. Mỹ đã phản đối việc quân đội Nga mua biến thể này bởi Washington cho rằng các tên lửa hành trình Iskander-K có tầm bắn vi phạm điều khoản của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Được trang bị 2 tên lửa dẫn đường động cơ đẩy một tầng nhiên liệu rắn, hệ thống Iskander có khả năng tiếp nhận các thông tin trinh sát do vệ tinh, máy bay hoặc tình báo cung cấp. Iskander có tầm bắn từ 400 – 500 km và có thể mang các đầu đạn theo quy ước và đầu đạn hạt nhân nặng tới 700kg. Theo Missile Defense Advocacy Alliance, Iskander “triển khai một phương tiện hồi quyển cơ động và các mồi nhử để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Các đầu đạn theo quy ước trang bị cho tên lửa Iskander bao gôm: đạn chùm, bom nhiệt áp, buster bunker (một loại đạn được thiết kế để xuyên thủng các mục tiêu cứng hoặc các mục tiêu bị chôn sâu dưới lòng đất, như hầm ngầm quân sự – ND) và bom xung điện từ (electromagnetic pulse – EMP).

Khi được triển khai, các tên lửa có thể được phóng trong 16 phút từ một bệ phóng di động, Ngoài ra, tên lửa thứ hai có thể được phóng trong thời gian chỉ chưa tới 1 phút sau khi tên lửa trước đó được phóng thành công.

Hồi tháng 8, các hãng truyền thông Nga đã công bố các bức ảnh cho thấy 1 hoặc 2 tên lửa Iskander đang được triển khai.

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận trong một thông báo vào giữa tháng 8 rằng những hình ảnh trên là một trong các tên lửa Iskander của quân đội Nga “đang tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine trong khu vực thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết: “Trong chiến dịch quân sự đặc biệt này, lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục tấn công bằng tên lửa dẫn đường chính xác vào các cơ sở hạ tầng quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine”.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, tên lửa Iskander đã đóng vai trò quan trọng. Hồi tháng 3, các quan chức Mỹ nói rằng quân đội Nga đã phóng mồi nhử đánh lừa hệ thống radar phòng không và các tên lửa tầm nhiệt của Ukraine. Iskander có thể mang ít nhất 6 mồi nhử được đưa vào ống phóng. Vai trò của mồi nhử như làm nhiễu tần số radar hay tạo ra nguồn nhiệt giả để làm nhiễu các tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại có lẽ vẫn chưa được các chuyên gia quân sự biết đến cho tới khi chúng được Nga sử dụng.

Theo New York Times, “việc sử dụng mồi nhử có lẽ giải thích tại sao vũ khí phòng không của Ukraine gặp khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa Iskander của Nga”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới