Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLoạt quốc gia EU phản đối kế hoạch áp giá trần khí...

Loạt quốc gia EU phản đối kế hoạch áp giá trần khí đốt Nga

Hungary cho rằng việc áp giá trần với khí đốt Nga sẽ khiến Moskva lập tức ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu, trong khi Hy Lạp nói không ủng hộ kế hoạch này.

Một cơ sở lưu trữ khí đốt ở Rehden, Đức.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 9/9, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp Giannis Oikonomou cho biết, nước này sẽ không ủng hộ đề xuất của Ủy ban Châu Âu về giới hạn giá khí đốt với Nga, đồng thời lưu ý phản ứng của EU là “không thể tưởng tượng được”.

Theo ông Oikonomou, các biện pháp của EU nên mang lại nhiều lợi ích hơn cho các công dân EU thay vì tạo ra các vấn đề khác.

Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moskva dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU.

Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống TurkStream.

Trong khi đó, Hungary cảnh báo, giới hạn giá khí đốt Nga sẽ khiến Moskva ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức – điều vốn đi ngược với lợi ích của Budapest.

Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cũng lưu ý, có rất ít khí đốt của Nga đến châu Âu ở thời điểm hiện tại nên đề xuất áp giá trần khí đốt không ảnh hưởng gì đến Nga.

Tuần trước, Ủy ban Châu Âu đề xuất loạt biện pháp kiểm soát giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu và áp giá trần với khí đốt Nga để siết trừng phạt.

“Chúng ta đang đối mặt với tình huống bất thường do Nga là nhà cung cấp không đáng tin và đang thao túng thị trường năng lượng. Sự đoàn kết và đồng lòng sẽ đảm bảo chúng ta có thể giành ưu thế”, Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho biết hôm 6/9.

Bà von der Leyen kêu gọi các nước thành viên EU đồng ý với đề xuất này.

Tuy nhiên, sau cuộc họp Bộ trưởng Năng lượng các nước EU hôm 9/9, các nhà ngoại giao của khối cho biết các nước vẫn đang chia rẽ về kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga.

Trong khi một số quốc gia bày tỏ nghi ngại, các nước Baltic bày tỏ ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng nó sẽ giảm nguồn thu của Moskva dùng để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Putin cảnh báo, các hợp đồng năng lượng có thể bị phá vỡ nếu phương Tây áp giá trần với năng lượng của Moskva.

“Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm – chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì”, ông Putin nói tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới