Các nền quân sự lớn ở châu Âu đã tổ chức các hoạt động diễn tập chung ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong thời gian qua, với sự hiện diện của nhiều khí tài trên biển và trên không.
Tháng trước, Pháp điều động 2 tiêm kích Rafael, 2 máy bay vận tải chở dầu đa năng Airbus A330 (MRTT) và 2 máy bay vận tải A400M Atlas tới gần New Caledonia, lãnh thổ hải ngoại của nước này ở Nam Thái Bình Dương. Trong hành trình đến với khu vực nói trên, các máy bay của Pháp đã dừng lại tiếp liệu ở Sulur, Ấn Độ và Darwin, Australia.
Hoạt động của Paris ở New Caledonia là một phần trong cuộc tập trận Mission Pegase 2022 kéo dài 5 tuần mà lực lượng hàng không vũ trụ Pháp đang tiến hành.
Sự kiện trên diễn ra cùng thời điểm với một cuộc tập trận tương tự do không quân Đức thực hiện mang tên Rapid Pacific 2022. Trong hoạt động này, Đức đã điều 6 tiêm kích Eurofighter và 7 máy bay hỗ trợ tới Singapore trong 24 giờ.
Trước đó, cả Pháp, Đức và Anh đã tích cực điều động khí tài hải quân tới Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việc các nền quân sự này bắt đầu đưa dàn phi cơ quân sự tới khu vực được cho là nhằm phát đi thông điệp rằng, họ có thể hiện diện ở đây nhanh chóng khi cần thiết, theo Nikkei.
“Mục đích của Pháp là để chứng minh rằng chúng tôi có thể gia tăng sức mạnh không quân để bảo vệ lãnh thổ của chúng tôi hoặc để bảo vệ lãnh thổ của đồng minh”, Thiếu tướng Stephane Groen, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tác chiến Không quân và Vũ trụ Pháp và chỉ huy cuộc tập trận, cho biết.
Ông nhấn mạnh, Pháp là một quốc gia có lãnh thổ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và họ muốn thể hiện quyết tâm nhằm bảo đảm chủ quyền của các nước trong khu vực cần được bảo vệ.
Cuộc tập trận Mission Pegase đang bước vào giai đoạn cuối cùng hồi cuối tuần qua. Một phái đoàn 170 người của Pháp sẽ di chuyển từ Australia tới Indonesia và Singapore rồi trở về.
Ông Groen sẽ tới Singapore trong tuần này nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với quốc gia Đông Nam Á. Singapore đóng vai trò chính là “điểm tựa cho các hoạt động của chúng tôi trong khu vực”, Không quân Pháp cho biết trong một thông cáo báo chí.
Hai nước đã ký một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần lẫn nhau tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore hồi tháng 6.
Theo chuyên gia an ninh quốc tế Michito Tsuruoka, các động thái của Pháp trong thời gian qua dường như đề phòng cho kịch bản khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có thể xảy ra các diễn biến phức tạp và bất ngờ ở các điểm nóng, ví dụ như Đài Loan hoặc Biển Đông.
“Khí tài không quân triển khai nhanh hơn vũ khí hải quân, vì vậy chúng ta có thể sẽ chứng kiến 2 lực lượng này hiệp đồng với nhau”, ông Tsuruoka cho biết.
Với căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng ở khu vực, các chuyên gia nhận định các diễn biến bất ngờ là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Một số nhà phân tích đặt ra câu hỏi về việc châu Âu có cần thiết phải phô diễn sức mạnh quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương hay không khi hiện diện của họ tương đối ít nếu so với Mỹ – nước triển khai hàng nghìn quân và hàng loạt chiến hạm, máy bay. Nhiều ý kiến cho rằng, các nước trên nên tập trung vào việc đảm bảo an ninh ở châu Âu nhằm đối phó với Nga để Mỹ tập trung vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Tsuruoka cho rằng, châu Âu không nhất thiết phải lựa chọn một trong hai khu vực để hoạt động, vì chúng đều có tầm quan trọng đối với tình hình an ninh của châu lục này.