Monday, January 13, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đánh dấu mức độ Hàn...

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đánh dấu mức độ Hàn Quốc ủng hộ Mỹ chống TQ

Giới phân tích cho rằng việc Hàn Quốc quyết bình thường hóa hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD là phép thử đối với chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol về mức độ ủng hộ Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Vào ngày 29.8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của nước này được triển khai ở Hàn Quốc là một hệ thống phòng thủ thuần túy, được thiết kế để bảo vệ Hàn Quốc và người dân Hàn Quốc trước “các mối đe dọa” từ CHDCND Triều Tiên. Ông Patel còn nói rằng bất kỳ lời kêu gọi hoặc yêu cầu nào từ các quốc gia khác rút THAAD là “không thể chấp nhận được”, theo Yonhap.

Ông Patel đưa ra tuyên bố trên sau khi Hàn Quốc thông báo rằng nước này đã thành lập một ủy quan tham vấn để đánh giá tác động môi trường của THAAD được triển khai ở huyện Seongju, cách Seoul khoảng 300 km về phía nam, một động thái mà các quan chức Seoul cho biết sẽ giúp “bình thường hóa” hoạt động của THAAD.

Hàn Quốc đã quyết định chứa THAAD của Mỹ vào năm 2016, trong lúc Triều Tiên bị tố có hành động khiêu khích về tên lửa và hạt nhân, nhưng hệ thống tên lửa này vẫn đang hoạt động trong tình trạng “lắp đặt tạm thời” trong khi chờ đánh giá tác động môi trường. Chính quyền củaTổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, mới nhậm chức trong tháng 5, cũng đã hé lộ khả năng triển khai thêm các đơn vị THAAD ở Hàn Quốc sau một loạt cuộc phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm nay.

“Không phải bảo vệ Hàn Quốc mà nhắm vào Trung Quốc”

Công trình xây dựng tại khu đất rộng 700.000 m3 dành cho THAAD ở Seongju chỉ có thể bắt đầu sau khi cuộc khảo sát về tác động môi trường nói trên được hoàn thành. Trong khi những đánh giá như thế thường mất hơn một năm, các quan chức đặt mục tiêu hoàn thành công trình trong 6 tháng đầu của năm 2023.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động và cư dân địa phương đã chỉ trích quyết định nói trên, gọi đó là một động thái chống Trung Quốc và chỉ trích chính phủ hành động mà không có “quy trình pháp lý thích hợp”. “Chính phủ đang gấp rút khảo sát về tác động môi trường mà không có các quy trình pháp lý thích hợp đằng sau những cánh cửa đóng kín. THAAD không phải để bảo vệ Hàn Quốc mà nhắm vào Trung Quốc ”, nhà hoạt động Kang Hyun-wook khẳng định, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Một nhóm người biểu tình phản đối THAAD đã nói rằng họ sẽ dùng mọi cách có thể để ngăn chặn việc xây dựng tại căn cứ THAAD ở Seongju. Kể từ tháng 5.2021, nhiều người dân Seongju và những người biểu tình đã tổ chức các cuộc biểu tình ngồi từ rạng sáng đến tối, để chặn các phương tiện chở vật tư và vật liệu xây dựng đến địa điểm đó.

“Phép thử đầu tiên”

Cựu Giám đốc Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc Kim Joon-hyung nhận định Washington xem vấn đề THAAD là phép thử đầu tiên đối với chính quyền Tổng thống Yoon trong việc thể hiện sự sẵn sàng tham gia các nỗ lực của Mỹ xây dựng một liên minh chống Trung Quốc.

“THAAD đánh dấu sự khởi đầu của mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực. Mỹ muốn xác nhận liệu chính quyền của ông Yoon có thể vượt qua sự phản đối từ người dân cũng như từ Trung Quốc để triển khai THAAD và hơn thế nữa hay không”, ông Kim bình luận. “Vẫn chưa rõ THAAD có phải là thứ cần thiết cho sự phòng thủ của Mỹ hoặc Hàn Quốc hay không nhưng vấn đề quan trọng ở đây đối với Mỹ là thúc đẩy Hàn Quốc gia nhập liên minh quân sự 3 bên Mỹ-Hàn-Nhật”, ông Kim bình luận tiếp.

Xem chiến đấu cơ Hàn Quốc-Mỹ dàn đội hình cảnh báo Triều Tiên

Tuy Seoul và Washington khẳng định THAAD nhằm bảo vệ Hàn Quốc và người dân nước này trước tên lửa từ Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay xem THAAD được triển khai tại Seongju là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Trung Quốc, theo SCMP.

Trung Quốc đã thúc giục chính quyền của Tổng thống Yoon duy trì chính sách “3 không” của cựu Tổng thống Moon Jae-in là không triển khai thêm THAAD, không tham gia vào mạng lưới phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu và không tham gia vào liên minh quân sự 3 bên với Mỹ và Nhật Bản.

THAAD đứng đầu chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng 8. Trong cuộc gặp, hai bên nhất trí rằng vấn đề hóc búa THAAD không nên là “trở ngại” đối với quan hệ song phương. Tuy nhiên, trở về Seoul sau chuyến thăm 3 ngày đến thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc, ông Park cho hay ông đã nói rõ trong cuộc gặp với ông Vương rằng đó không phải là một thỏa thuận hay một lời hứa với Bắc Kinh. Ông Park còn gợi ý rằng nguyên tắc “3 không” của cựu Tổng thống Moon không mang tính ràng buộc đối với chính quyền Tổng thống Yoon, vốn đang tìm cách tăng cường liên minh Hàn-Mỹ, theo SCMP.

RELATED ARTICLES

Tin mới