Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCuộc gặp Putin - Tập Cận Bình: Tính toán của Nga và...

Cuộc gặp Putin – Tập Cận Bình: Tính toán của Nga và TQ

Khi Nga và Trung Quốc leo thang căng thẳng với phương Tây, cuộc gặp mới nhất giữa các nhà lãnh đạo 2 nước dường như gửi đi thông điệp rõ ràng rằng: Hai bên cần có nhau.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tại Uzbekistan vào ngày 15/9 bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) thể hiện tham vọng của họ trong việc tạo ra một đối trọng với sự thống trị toàn cầu của Mỹ.

Sự kiện này diễn ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo 2 nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Nga đang phải vấp phải cuộc phản công mạnh mẽ của các lực lượng Ukraine trên chiến trường, còn Trung Quốc đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế và sự hoành hành trở lại của dịch Covid-19. Chuyến công du Trung Á của Chủ tịch Tập Cận Bình, bắt đầu bằng chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan đánh dấu lần đầu tiên ông rời Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh bùng phát cách đây 2 năm rưỡi.

Ông Joseph Torigian, chuyên gia về chính sách quốc tế tại Đại Học Mỹ ở Washington cho rằng: “Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên mà ông Tập Cận Bình thực hiện trong một thời gian dài như vậy. Chuyến đi này diễn ra vào thời điểm rất đáng chú ý”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố gắng duy trì sự cân bằng trong quan hệ với Nga. Trong khi phương Tây kịch liệt lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt, Trung Quốc đã tránh chỉ trích Moscow trong khi hành động một cách thận trọng để tránh ví phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Ông Tập Cận Bình được cho là không thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc xung đột bất chấp những bước tiến của Ukraine trong thời gian gần đây.

“Chính cuộc gặp vào thời điểm quan trọng như vậy đối với Nga dường như lại là một tuyên bố ủng hộ khá ấn tượng”, chuyên gia Torigian lưu ý. Trong phát biểu mở đầu cuộc gặp, Tổng thống Putin khen ngợi người đồng cấp về “lập trường cân bằng” đối với Ukraine, song cũng cho biết, ông hiểu rõ “Bắc Kinh có nhiều câu hỏi và sự lo ngại” về cuộc xung đột.

Ông Putin cũng bày tỏ sự ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang vào tháng 8 vừa qua khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến thăm hòn đảo này. Bắc Kinh đã đáp trả bằng một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật lớn chưa từng có gần Đài Loan. Tổng thống Putin cho biết: “Chúng tôi luôn tôn trọng nguyên tắc Một Trung Quốc. Chúng tôi lên án hành động khiêu khích của Mỹ và việc triển khai vệ tinh của họ tại Đài Loan”.

Ông Alexander Gabuev, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng, Trung Quốc luôn coi Nga là một đối tác quan trọng nhưng cũng không muốn bị cản trở việc tiếp cận thị trường và công nghệ của phương Tây vì thế nước này không phản đối song cũng không công khai ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga. “Theo tôi, họ có lẽ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi theo đuổi lập trường như vậy”, ông Alexander Gabuev nhận định.

Tính toán của Nga và Trung Quốc

Đối với Tổng thống Putin, cuộc gặp với nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là cơ hội chứng minh rằng Nga không bị cô lập như những gì phương Tây nghĩ. Nhà phân tích Gabuev lưu ý, ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Putin dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong tuần này.

Trung Quốc và Nga muốn chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực không bị Mỹ chi phối, tập trung chủ yếu vào quan hệ kinh tế và không can thiệp vào nền chính trị của các quốc gia khác. Quan điểm này đã được thể hiện trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Kazakhstan. Ông cho rằng, hai bên cần phải “loại bỏ chủ nghĩa đơn phương và đối đầu giữa các khối, đồng thời thúc đẩy một trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng hơn”.

Theo giới quan sát, chuyến công du của ông Tập Cận Bình cho thấy tình hình toàn cầu đã trở nên nghiêm trọng hơn: cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây về vấn đề Ukraine, cuộc khủng hoảng ở Đài Loan và nền kinh tế toàn cầu trì trệ.

Vào tháng 2/2022, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Putin đã có chuyến thăm Bắc Kinh và lãnh đạo hai nước khẳng định mối quan hệ hữu nghị “không giới hạn”. Quan hệ giữa hai bên cũng phát triển hơn với thương mại song phương tăng gần 1/3 trong 7 tháng đầu năm nay, theo Reuters. Hai nhà lãnh đạo đã có hàng chục cuộc gặp thượng đỉnh kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2013.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng nhất với Nga khi phương Tây ngày càng siết chặt lệnh trừng phạt đối với Moscow, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Thời gian gần đây, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc. Kim ngạch trao đổi song phương đã tăng khoảng 1/3 từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, theo Reuters.

Chuyên gia Gabuev nhận định, những khó khăn mà Moscow đang phải đối mặt đã giúp làm gia tăng đòn bẩy của Chủ tịch Tập Cận Bình trong quan hệ song phương, với tiềm năng đạt được lợi ích chiến lược lâu dài.

Chuyến thăm Trung Á của Chủ tịch Tập Cận Bình rất đáng chú ý vì diễn ra trước thềm thềm Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng 10 tới. Nhà phân tích Torigian lưu ý: “Chuyến công du cho thấy rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc rất yên tâm về tình hình chính trị trong nước”.

Mặc dù quan hệ đối tác Nga-Trung không dựa trên các giá trị được chia sẻ theo cách giống như các liên minh như NATO do Mỹ dẫn đầu, các chuyên gia cho rằng quan hệ này dựa trên lợi ích chung và cả hai bên đều có lợi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới