Thông thường, sau các vụ đổ vỡ bong bóng nhà đất, vỡ nợ là các cuộc khủng hoảng tài chính. Hiện nay, dòng vốn ngoại đang tháo chạy khỏi Trung Quốc, đồng tiền quốc gia này cũng đứng bên bờ vực sụp đổ thảm khốc. Các số liệu tài chính, tiền tệ đang chỉ dấu tới một khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20…
Đồng tiền TQ đứng trước nguy cơ sụp đổ
Một nguyên nhân chính khiến đồng nhân dân tệ sụt giá bắt nguồn từ chính sách không khoan nhượng của ĐCSTQ trước sự bùng phát liên tục của COVID-19 trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Điều đó không chỉ khiến hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu ở Trung Quốc giảm tốc mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu và tiêu dùng trong nước. Năng suất của người tiêu dùng và năng suất của nhà sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua đã giàm xuống dưới mức kỳ vọng. Với hàng triệu công nhân bị sa thải trong những đợt phong tỏa dường như vô tận này, thu nhập của người tiêu dùng Trung Quốc giảm sút trầm trọng; trong khi tâm lý của họ sa sút.
Thu nhập từ xuất khẩu giảm, sản xuất chậm lại và nhu cầu tiêu dùng thu hẹp không phải là những hậu quả tiêu cực duy nhất. Một yếu tố khác là sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản – chiếm khoảng 29% GDP của Trung Quốc. Điều này cũng tác động tiêu cực rất lớn lên tâm lý và thái độ của người tiêu dùng. Đầu tư vào phát triển bất động sản là một phần chính trong danh mục đầu tư hưu trí cá nhân trên khắp Trung Quốc.
Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho biết: “Gần 60% tổng tài sản thuộc sở hữu của các hộ gia đình Trung Quốc ở thành thị là bất động sản. Tỷ lệ đó thậm chí còn cao hơn đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn. Do đó, giá bất động sản giảm mạnh có thể gây ra bất ổn xã hội, điều mà chính quyền Trung Quốc muốn tránh bằng mọi giá”.
Phản ứng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc là chưa từng có. Hàng triệu chủ sở hữu đã ngừng hoặc đang đe dọa ngừng thanh toán các khoản vay thế chấp đối với các dự án bất động sản chưa hoàn thành hoặc bị mất giá sâu. Cuộc tẩy chay này có thể ảnh hưởng đến 200 dự án ở 80 thành phố và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho lĩnh vực tài chính.
Trong khi thu nhập đang giảm, thì lạm phát lại đang tăng lên. Nói tóm lại, người tiêu dùng Trung Quốc đang phải đối mặt với con dao hai lưỡi: thu nhập thấp hơn và giá cả cao hơn. Hàng triệu nhà đầu tư bất động sản đang giận dữ và hậu quả tiềm tàng là tình trạng bất ổn trong nước gia tăng.
Vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc ở mức kỷ lục: cả hợp pháp và phi pháp
Vào ngày 6/9, hãng truyền thông Nhật Bản Japan Forward đăng một bài báo phân tích, chỉ ra nguyên nhân trực tiếp khiến nhân dân tệ tiếp tục suy yếu so với USD là do các nhà đầu tư nước ngoài bán trái phiếu Trung Quốc và dòng vốn tháo chạy, điều này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính tồi tệ như của Thái Lan hồi năm 1997.
Kể từ tháng 2/2022 tới nay, giá trái phiếu của Trung Quốc và giá trị của đồng nhân dân tệ đã giảm song song. Trong tháng 6/2022, mức nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của nước ngoài đã giảm khoang 120 tỷ USD so với tháng 1/2022.
Trong hàng thập niên, Trung Quốc đã duy trì mức chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ ở mức cao hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này đã giúp Trung Quốc hút một lượng lớn vốn ngoại vào thị trường vốn dài hạn của quốc gia. Tuy nhiên, Fed đảo chiều chính sách tiền tệ quá mạnh tay khiến xu hướng này đảo chiều. Một hiện tượng chưa từng có đã xảy ra, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, khoảng cách ngày một nới rộng, trong nhiều tháng gần đây.
Chênh lệch lãi suất ngày càng gia tăng giữa Trung – Mỹ đã làm tăng rủi ro đầu tư chứng khoán vào Trung Quốc, bao gồm cả trái phiếu và cổ phiếu, khiến dòng vốn ngoại thụt giảm. Chỉ riêng sự chênh lệch này đã có thể khiến đồng nhân dân tệ yếu thêm. Vì đối với các chứng khoán được tính bằng đồng nhân dân tệ, giá trị USD của nó sẽ giảm khi đồng nhân dân tệ mất giá, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mất lợi ích.
Theo dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở ở Washington, vốn ngoại đã tiếp tục rút khỏi Trung Quốc kể từ khi các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo 30,7 tỷ USD trái phiếu Trung Quốc vào tháng 3. Tính đến tháng 7, tổng số vốn tháo chạy là 83,6 tỷ USD. IIF từng bình luận rằng dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc (không chỉ từ việc bán tháo TPCP) đã ở mức kỷ lục.
Tờ Lianhe Zaobao của Singapore đưa tin, Henley & Partners, một công ty tư vấn đầu tư và di dân ở London, chỉ ra rằng trong năm nay, ước tính có khoảng 10 000 người giàu ở Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội di cư sang các nước khác. Trung bình, mỗi người sẽ mang theo khoảng 4,8 triệu USD (hơn 112 tỷ VNĐ). Do đó, ước tính có tới 48 tỷ USD (hơn 1,12 triệu tỷ VNĐ) tài sản chảy ra khỏi Trung Quốc.
Trong số 10.000 cá nhân này, có khoảng 4.200 người đã di cư ra nước ngoài từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay. Theo lựa chọn của những trường hợp đã di cư trước đó, quốc gia ưa thích của họ là Hoa Kỳ, tiếp theo là Canada, Úc, Vương quốc Anh và Singapore.
Vòng luẩn quẩn: Buộc phải tiếp tục phá giá nhân dân tệ lại càng thúc đẩy vốn tháo chạy nhanh hơn
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ phát hành thêm đồng nhân dân tệ căn cứ theo quy mô tăng dự trữ ngoại hối, nhưng dự trữ ngoại hối lại tiếp tục giảm mạnh.
Các hậu quả không chỉ dừng lại ở biên giới của nước này. Việc Bắc Kinh liên tục phá giá đồng nhân dân tệ, cộng thêm khủng hoảng bất động sản và tốc độ tăng trưởng giảm, đang khiến đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Tương tự như vậy, việc nước ngoài gia tăng đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc và thặng dư thương mại nước ngoài lớn hơn là những điều kiện cần thiết để tăng dự trữ ngoại hối. Thế nhưng, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc lại tiếp tục giảm. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng khó có thể tăng trưởng do kinh tế Mỹ và các thị trường khác suy thoái. Lựa chọn duy nhất còn lại là phá giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy lợi thế sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này sẽ đẩy dòng vốn tháo chạy nhanh hơn.
Bài báo trên kênh truyền thông Nhật Bản chỉ ra rằng, việc phá giá đồng nhân dân tệ vào mùa hè năm 2015 đã dẫn đến tình trạng tháo chạy vốn. Lần này, Trung Quốc có thể rơi vào thảm họa kép là khủng hoảng tài chính và kinh tế rối ren.
Ngày 8/9, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã đưa ra một thông điệp diều hâu rằng sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát ở Mỹ, và mức lãi suất tăng trong kỳ tới nên là 0,75%; mức tăng tương đương hồi tháng 7.
Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết: “Đây là một tin xấu đối với Trung Quốc, vì nó thu hẹp không gian cắt giảm lãi suất của PBOC, đặc biệt là vào thời điểm Trung Quốc cần cắt giảm lãi suất nhất. Thay vào đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc cần phải thắt chặt kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng vốn tiếp tục tháo chạy”.
Hôm 5/9, PBOC đã quyết định hạ tỷ lệ dự trữ tiền gửi ngoại hối của các tổ chức tài chính từ 8% xuống 6% kể từ ngày 15/9. Thị trường nhìn chung cho rằng, khi tỷ giá nhân dân tệ/USD đạt đến mốc quan trọng – mức 7, chính phủ sẽ cần phải can thiệp vào tỷ giá hối đoái.
Thị trường nhìn chung cho rằng, động thái trên của PBOC là đang phát đi một tín hiệu để hạn chế sự mất giá quá nhanh của đồng nhân dân tệ. Hạ thấp tỷ lệ dự trữ ngoại hối có nghĩa là tiền gửi ngoại hối mà các ngân hàng cơ sở chuyển giao cho ngân hàng trung ương sẽ giảm xuống; ngoại hối mà các ngân hàng cơ sở có thể sử dụng sẽ tăng lên, hạn ngạch ngoại hối có thể sử dụng để cho vay sẽ được mở rộng. Cung ngoại tệ trên thị trường sẽ tăng lên, như vậy sẽ thúc đẩy tỷ giá ngoại tệ giảm, tỷ giá nhân dân tệ tương ứng sẽ tăng, do đó, giảm dự trữ tiền gửi ngoại hối là biện pháp để kìm hãm sự mất giá của đồng nhân dân tệ.
Tránh để đồng nhân dân tệ mất giá quá nhanh có thể là kết quả thực tế nhất mà Bắc Kinh có thể hy vọng. Tuy nhiên, tại một số thời điểm, thay vì cố gắng duy trì một tỷ giá cố định, ĐCSTQ có thể thả nổi đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ khiến ĐCSTQ mất quyền kiểm soát đối với đồng nhân dân tệ. Một số quan điểm cho rằng điều đó khó có thể xảy ra, vì ĐCSTQ muốn kiểm soát hoàn toàn nền kinh tế Trung Quốc – đương nhiên bao gồm cả tiền tệ của nước này.
Các nhà phân tích khác thì cho rằng các nguyên nhân khiến đồng nhân dân tệ giảm giá không chỉ bởi chính sách, mà là về bản chất cấu trúc. Trong trường hợp đó, Bắc Kinh có thể phải thả nổi đồng nhân dân tệ vì họ không thể kiểm soát dòng vốn của các nhà đầu tư toàn cầu và họ phụ thuộc quá mức cần thiết về tăng trưởng vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động kém hiệu quả nhưng trung thành về mặt chính trị.
Ông Simon White của Bloomberg đồng ý với nhận định trên: “Các lực lượng khiến đồng nhân dân tệ giảm giá là mang tính cấu trúc; và một khả năng ngày càng tăng là Trung Quốc cuối cùng có thể từ bỏ hoàn toàn tỷ giá hối đoái cố định”.