Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”

“Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.

Tòa nhà dân cư trúng pháo trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ở thành phố Kharkiv, Ukraine

Trích đoạn nêu trên phát biểu của ông Đại sứ Đặng Hoàng Giang – Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), tại phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 Đại hội đồng LHQ ngày 23/3/2022, đã “nói khéo” quan điểm Việt Nam đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” Nga tiến hành nhằm vào Ukraine. Không đồng tình – điều đó ai cũng nhận ra. Có chăng, chỉ là một cách nói khác. Với tuyên bố trên, góc nhìn về sự kiện Ukraine của Việt Nam là góc nhìn của một quốc gia có lương tri, như nhiều quốc gia khác, biết tôn trọng lẽ phải, đề cao công lý.

Tuy thế, cũng cần thấy rằng, thế giới ngày nay vô cùng phức tạp. Phức tạp nên đánh giá, phân tích một sự kiện không bao giờ chỉ một chiều. Để tránh đơn giản hóa vấn đề, luôn cần thêm những chiều kích khác, góc nhìn khác.

Góc nhìn khác không phải để biện minh cho những hành động chà đạp lên lẽ phải, chà đạp công pháp quốc tế. Góc nhìn khác để có cơ hội thấu hiểu và rút ra những bài học hầu tránh được những thảm khốc như những gì đã và đang diễn ra tại Ukraine.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” liệu có thể là một “góc nhìn khác” về nguyên nhân cuộc chiến Ukraine?

Với góc nhìn đó, không ít người chủ trương lên án Nga phát động chiến tranh, cũng đồng thời cho rằng: Ukraine cần tự hỏi liệu mình có phần trách nhiệm? Nói cách khác, giá như Ukraine đừng dại để tránh những cái “cớ” Nga vin vào mà nổ súng.

Trả lời câu hỏi trên, không thể không lần lại những sự kiện diễn ra tại Ukraine khiến Ukraine vốn từng là thành viên Liên bang Xô Viết (CCCP), trở thành quốc gia độc lập năm 1991 vẫn bao la tình nghĩa với người anh em Nga nhiều năm về sau.

Mọi thứ bỗng thay đổi khi năm 2013. Chính phủ Ukraine thay vì ký kết thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), đã hoãn lại để hướng tới thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Liên bang Nga. Người dân Ukraine đùng đùng nổi giận. Họ xuống đường biểu tình, lập nên phong trào có tên là Euromaidan. Họ quy kết chính phủ Ukraina là không dân chủ, đòi phải “hướng Tây”, nghĩa là thắt chặt quan hệ với EU…

Phong trào Euromaidan ban đầu khá ôn hòa. Tiếc là sau đó, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chen vào đã lái nó thành cuộc bạo loạn. Bạo loạn lan từ thủ đô Kiev ra cả nước khiến Ukraine chìm trong hỗn loạn.

Những hành động quá khích cực đoan, như giật đổ tượng đài Lênin tại quảng trường Độc lập ở thủ đô Kyiv; giương cờ Liên minh châu Âu… Bạo loạn chẳng mấy chốc thành đảo chính khiến Tổng thống Viktor Yanukovych thân Nga phải từ chức, trốn chạy sang Nga. Những phần tử dân tộc cực đoan và những kẻ chủ trương bài Nga hả hê trước thành quả đập phá, lên ngôi cầm quyền.

Tổng thống mới của Ukraina sau đảo chính là Petro Poroshenko còn có những động thái cực đoan hơn, bài Nga dữ dội hơn với việc tôn vinh chủ nghĩa phát xít bằng cách ấn định ngày 14/10 – ngày mà tên trùm phát xít Ukraina Stepan Bandera thành lập quân đội của y – là Ngày bảo vệ Tổ quốc. Cũng vị tổng thống mới tuyên bố: Ngày 9/5 – ngày chiến thắng của CCCP trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại mà cả thế giới biết ơn, nay đổi thành ngày “Tưởng niệm các nạn nhân của quân Liên Xô xâm lược” (!). Chưa hết, chính phủ mới còn sửa đổi sách giáo khoa, gọi đích danh Nga là “trùm đầu sỏ quân xâm lược” Tổ quốc Ukraina…

Những điều đó hiển nhiên kích động việc hình thành và loang rộng tâm lý “bài Nga” trong nhiều người Ukraine. Đồng thời, ngược lại, điều đó đẩy đến tình trạng trong mắt Nga, Ukraine là một quốc gia ngỗ nghịch, vong ân…

Tháng 12/2021, trong khi Nga, cùng với điều quân khiển tướng quy mô lớn tới khu vực giáp biên giới với Ukraine, cáo buộc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có những hành động đe dọa nghiêm trọng an ninh và lợi ích chiến lược của Nga, thì Ukraine, thay vì dè chừng và thận trọng lường tới phản ứng của Kremlin, lại vồ vập thông điệp của Washington và NATO về việc tất cả quốc gia có chủ quyền như Ukraine, nếu có yêu cầu về an ninh, có thể làm đơn gia nhập không chỉ NATO mà bất kỳ tổ chức nào khác phù hợp với lợi ích quốc gia…

Với những động thái đó, Mỹ, NATO và Ukraine bị Kremlin xem như chạm tới “lằn ranh đỏ” đe dọa trực tiếp an ninh của Nga…

Với Mỹ và NATO thì hiển nhiên, Nga không thể động binh. Nhưng với Ukraine “chân không đến đất cật không đến trời”, dù bị chê là chậm chạp, chú “gấu Nga” khổng lồ vẫn có thể giận đến sôi mật và nổi máu điên.

Trong một thế giới phức tạp, một thời điểm phức tạp, lại ở một vị trí địa chính trị cũng phức tạp và nhạy cảm như thế, tự tạo thêm những động tác để “gấu Nga” có cớ nổi điên thì Ukraine rõ là vụng tính rồi.

Thế nên trách người gây sự đã đành. Nhưng trước đó, không trách chính mình sao được?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới