Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhong tục cướp đồ ăn trong đám cưới ở TQ

Phong tục cướp đồ ăn trong đám cưới ở TQ

Trong nhiều đám cưới Trung Quốc thời hiện đại vẫn tồn tại những tập tục kỳ lạ khiến nhiều cô dâu, chú rể phải khiếp sợ.

Một đám cưới tổ chức theo nghi lễ truyền thống ở Trung Quốc

Tranh cướp đồ ăn trong đám cưới

Ngày 27/9, đoạn video ghi lại cảnh hỗn loạn trong một đám cưới tổ chức ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, thu hút sự chú ý của dư luận. Theo hình ảnh từ video, những vị khách tham gia mang theo đủ loại vật dụng như nồi, niêu, xoong chảo, bát to nhỏ để giành đồ ăn.

“Nhân vật chính” trong video là một chiếc nồi lớn đựng thức ăn hầm nhừ. Thông thường, món hầm sẽ gồm các loại thịt, rau và mì. Theo phong tục truyền thống của người địa phương, họ tin rằng đồ ăn càng bị tranh cướp nhanh, cặp uyên ương sẽ càng hạnh phúc hơn trong cuộc sống vợ chồng.

“Chỉ chưa đầy một phút, toàn bộ số thức ăn trong nồi đã bị cướp hết sạch”, một khách mời tại đám cưới cho biết.

Hiện đoạn video đang thu hút hàng trăm nghìn lượt xem cùng nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần nhiều người tỏ ra ngạc nhiên trước phong tục lạ của địa phương. “Nhìn họ như bị bỏ đói lâu ngày vậy. Cảnh tượng trông quá phản cảm. Họ có thể mang bát nhỏ tới ăn là được, sao phải tranh cướp như thế”, một bình luận nhận định.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, dù sao tục lệ này còn hơn “náo động phòng” (tập tục “phá rối phòng hoa chúc”, trêu đùa các cặp đôi mới cưới). Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương tại Trung Quốc, tập tục này bị biến tướng thành các vụ việc nghiêm trọng như đùa quá đà gây ra ẩu đả, quấy rối tình dục…

Những tập tục thành “nỗi ác mộng” của các cô dâu chú rể Trung Quốc

Hiện giới trẻ Trung Quốc đang có xu hướng hạn chế những đám cưới kiểu phương Tây, lại thích quay về với các nghi thức truyền thống. Nhưng một trong các phong tục đang bị biến tướng ở nhiều địa phương, được nhắc tới nhiều nhất là “náo động phòng”.

Phong tục này vốn có từ hơn 2.000 năm trước từ thời nhà Hán, vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Ý nghĩa ban đầu của tập tục được coi là “rất tốt đẹp”.

Người xưa từng nghĩ ra những trò vui vẻ trong buổi đêm tân hôn của cặp đôi mới cưới với mục đích giúp xua đi bầu không khí gượng gạo của cả hai. Thời xưa, hầu hết các cuộc hôn nhân ở nước này thường được cha mẹ sắp đặt trước. Cô dâu chú rể không biết nhau, hoặc có biết cũng chưa từng tiếp xúc gần gũi.

Để giúp cả hai bớt ngại ngùng và tự nhiên hơn khi động phòng hoa chúc, bạn bè thân thiết của chú rể sẽ vào phòng cưới, trêu đùa tạo ra bầu không khí vui vẻ. Họ trêu chọc đôi uyên ương bằng trò vui hay câu đố dí dỏm. Phong tục này cũng được cho là giúp hai vợ chồng sống hòa thuận bên nhau, sớm sinh con thuận lợi.

Vốn từ ý nghĩa tốt đẹp trên, nhưng trong các đám cưới hiện đại ngày nay, tại một số địa phương lại bị biến thành hủ tục, khiến nhiều cặp đôi mới cưới thấy “khiếp sợ”.

Theo khảo sát của tờ Youth Daily dựa trên 21.000 câu trả lời của độc giả, 80% cho biết, họ bị sàm sỡ bắt nạt trong đám cưới của mình, 60% tuyên bố thấy khó chịu với tập tục này.

Tháng 10/2016, tại một đám cưới ở tỉnh Hà Nam nước này, nhóm bạn của chú rể vào phòng tân hôn và có hành vi sàm sỡ cô dâu. Trong khi đó, chú rể lại ngồi im không có hành vi phản kháng. Sau khi đoạn video được đưa lên mạng đã gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Tháng 3/2021, giới chức thành phố Châu Bình tỉnh Sơn Đông đã ban hành văn bản “cấm những hành vi thô bỉ tại các đám cưới”, đồng thời kêu gọi người dân tổ chức theo hướng văn minh.

Trong văn bản có nêu rõ những hành vi bị cấm bao gồm ép cô dâu chú rể cởi đồ, ăn mặc trang phục thiếu đứng đắn, quấy rối cô dâu và dàn phù dâu, gây rối hôn lễ…

Hiện quy định của thành phố nhận được sự ủng hộ từ dư luận. Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn sẽ có thêm các địa phương khác ban hành lệnh cấm tương tự.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới