Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐại hội 20 Đảng CSTQ liệu có thay đổi chính sách kinh...

Đại hội 20 Đảng CSTQ liệu có thay đổi chính sách kinh tế

Con mắt của giới quan sát đang đổ dồn vào những thay đổi kinh tế lớn sắp diễn ra sau Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ. Hai thay đổi chính sách kinh tế có thể xảy ra bao gồm: tăng cường nỗ lực cứu vớt thị trường bất động sản và sửa đổi chính sách COVID nhằm thúc đẩy tiêu dùng và cứu vớt nền kinh tế.

Người dân đi ngang qua một khu phức hợp nhà ở của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande ở Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 23/10/2021. (Ảnh: Jade Gao / AFP qua Getty Images)

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã luôn bị vùi dập trong năm nay. Họ sẽ theo dõi sát sao Đại hội toàn quốc diễn ra 2 lần mỗi thập kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp diễn ra vào tháng 10, để tìm những dấu hiệu thay đổi trong chính sách kinh tế.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn – phong tỏa luân phiên liên quan tới COVID, thị trường bất động sản suy thoái, các vấn đề thương mại đang diễn ra với Mỹ, sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, và sự hiếu chiến của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) (trong việc tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ). Các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã phải chịu một số khoản lỗ lớn vào năm 2022, với chỉ số Shenzhen Composite giảm hơn 21% và Shanghai Composite giảm 15% kể từ đầu năm.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn về đại hội toàn quốc vào giữa tháng 10; các nhà đầu tư háo hức theo dõi những thay đổi kinh tế sắp diễn ra sau khi các cơn gió chính trị lắng xuống.

Một số thay đổi chính sách có thể là gì?

Cứu vớt thị trường bất động sản
Một sự thay đổi chính sách tiềm năng là tăng cường nỗ lực trong việc cứu thị trường bất động sản. Giá nhà ở Trung Quốc đã giảm hàng tháng trong 12 tháng qua. China Evergrande – nhà phát triển bất động sản số 2 của đất nước và là một ví dụ điển hình cho những tai ương của ngành – đã chao đảo kể từ năm 2020, khi các nỗ lực hạ thấp đòn bẩy của lĩnh vực này được đưa ra. Các khoản vay xấu đã tăng vọt, Citigroup tính toán vào tháng 9 rằng gần 30% – 29,1% – của tất cả các khoản cho vay bất động sản đã trở thành “nợ xấu”.

Các biện pháp kích thích rộng hơn và sâu hơn cho thị trường bất động sản có thể được áp dụng vào tháng 10. Bloomberg trong một bài báo gần đây hy vọng các nhà chức trách sẽ hỗ trợ các nhà phát triển trong việc hoàn thiện các dự án nhà ở bị đình trệ và dở dang. Hỗ trợ cho các nhà phát triển có thể giúp ích về mặt chính trị và kinh tế bằng cách củng cố cho các ngân hàng và nhu cầu về các khoản thế chấp mới, cũng như hạ nhiệt các cuộc tẩy chay trả tiền thế chấp đang diễn ra từ các chủ nhà.

Điều trớ trêu là Bắc Kinh đã cố gắng giúp đỡ lĩnh vực bất động sản kể từ đầu năm với kết quả không đáng kể. Vào tháng 7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố 200 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 28 tỷ USD) cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay lãi suất thấp, để cung cấp cho các nhà phát triển đủ vốn để hoàn thành các dự án bất động sản. Đó là đợt đầu tiên của khoản cho vay lên tới 1 nghìn tỷ CNY (khoảng 140 tỷ USD) được phê duyệt. Chính quyền địa phương cũng đã tạo ra cái gọi là “quỹ cứu trợ” để đầu tư vào các dự án chưa hoàn thành. Bắc Kinh cũng đã nới lỏng các hạn chế trong năm nay đối với việc cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản.

Tầm quan trọng của ngành bất động sản là rất lớn. Gần 70% tài sản hộ gia đình Trung Quốc gắn liền với thị trường nhà ở. Vì vậy, bất chấp cấu trúc giống như mô hình Ponzi của thị trường bất động sản Trung Quốc – nơi luôn cần những làn sóng người mua mới để giúp thanh toán cho việc hoàn thành các dự án hiện có – ĐCSTQ có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cứu trợ cho thị trường.

Thay đổi chính sách COVID
Một quyết định kinh tế quan trọng khác là thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Nhìn bề ngoài, đây là một quyết định đơn giản hơn việc cố gắng thúc đẩy tăng trưởng trên thị trường bất động sản.

Để đạt được điều đó, các nhà phân tích của Morgan Stanley mong đợi sự thay đổi trong chính sách COVID lâu đời của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể sẽ mở cửa đất nước để thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng, du lịch và việc làm. Ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á, viết trong một lưu ý cho khách hàng vào ngày 26/09: “Chúng tôi mong đợi các nhà hoạch định chính sách sẽ thực hiện các bước quan trọng trong những tháng tới cho phép mở cửa trở lại từ mùa xuân năm 2023″.

“Cách tiếp cận quản lý COVID chặt chẽ đã dẫn đến những thách thức về tăng trưởng thu nhập yếu hơn đáng kể và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng mạnh — những kết quả trái ngược với mục tiêu chính sách là thịnh vượng chung”.

Mặc dù Morgan Stanley không sai, nhưng đây là điều mà chính quyền Bắc Kinh có thể làm sớm hơn nhưng đã chọn không làm. Trung Quốc duy trì một trong những chính sách COVID nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Đã có một số điều chỉnh đối với chính sách này, nhưng các kế hoạch phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt vẫn được duy trì.

Trung Quốc bước vào năm 2023 có thể có gì khác?

Luận điểm của ngân hàng được thúc đẩy bởi niềm tin rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn và tai ương trong thị trường bất động sản sẽ không chỉ tiếp tục mà còn gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thành thị tăng mạnh có thể làm mất ổn định xã hội, trong khi ngân sách tài khóa trên cả nước đã căng ra.

Những vấn đề này khiến ông chủ ĐCSTQ Tập Cận Bình không còn lựa chọn nào khác. Ông sẽ buộc phải quyết định mở cửa trở lại rộng rãi để kích thích nền kinh tế trừ khi ĐCSTQ sẵn sàng chấp nhận một thảm họa do chính mình gây ra.

Ông Ahya cho biết: “Các bước chuẩn bị này có thể bao gồm một chiến dịch tiêm chủng mới, định hình lại nhận thức của công chúng về Covid và đảm bảo nguồn cung y tế đầy đủ”.

Cả hai đòn bẩy kinh tế được trình bầy trên đây đều là điều không mong muốn đối với ĐCSTQ. Nhưng giả sử ông Tập có được nhiệm kỳ thứ ba như mong đợi, ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường kích thích trong thời gian tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới