Wednesday, December 25, 2024
Trang chủUncategorizedLiệu có phải Campuchia thực sự giữ trung lập trên vấn đề...

Liệu có phải Campuchia thực sự giữ trung lập trên vấn đề Biển Đông?

Vào lúc Campuchia đang là Chủ nhà của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN và đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN cùng các diễn đàn liên quan vào cuối năm nay, hôm 27/9/2022, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel rằng Campuchia muốn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thực thi đầy đủ, và Phnom Penh sẽ cố gắng thúc đẩy việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển.

Sau phát biểu của ông Hun Sen, nhiều nhà nghiên cứu của Campuchia đưa ra những ý kiến Campuchia nên duy trì vị thế trung lập trong các tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ và lâm vào thế bế tắc suốt nhiều năm ở Biển Đông, đồng thời thúc giục Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN liên quan đến tranh chấp, tận dụng các cơ chế song phương để giải quyết vấn đề này hơn là sử dụng khuôn khổ ASEAN.

Thủ tướng Hun Sen

Nhà nghiên cứu Van Bonna, làm việc tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia trích dẫn các lý thuyết thực dụng chứng minh tham vọng trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới của Trung Quốc. Ông Van Bonna chỉ ra rằng điều này đòi hỏi Trung Quốc phải trở thành một quốc gia thống trị khu vực và đó là nguyên nhân rõ ràng khiến Bắc Kinh muốn chiếm và kiểm soát Biển Đông để làm nền tảng gia tăng sức nặng chính trị của họ trên trường quốc tế.

Theo ông Bonna, tranh chấp kéo dài này không chỉ làm xáo trộn mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, mà còn gây ra những xung đột phức tạp trong nội bộ ASEAN. Ông Bonna cho rằng với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2022, Campuchia nên duy trì lập trường trung lập bằng cách không ủng hộ Trung Quốc hoặc bất kỳ thành viên ASEAN nào trong tranh chấp. Campuchia nên thúc giục các bên tham gia đàm phán một cách hòa bình và sử dụng các cơ chế như luật pháp quốc tế về các vấn đề hàng hải.

Ông Thong Mengdavid, nhà nghiên cứu của Viện Tầm nhìn Châu Á, cho rằng Campuchia phải nỗ lực tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, thảo luận các biện pháp pháp lý và tạo điều kiện cho các nhượng bộ về kinh tế và chính trị nhằm đạt được một giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao và luật pháp quốc tế. Ông Kin Phea, Giám đốc Học viện Hoàng gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, cũng mong muốn Campuchia giữ thái độ trung lập và tất cả các bên kiềm chế, tiếp tục tôn trọng DOC một cách triệt để và nỗ lực hoàn tất đàm phán COC càng sớm càng tốt.           

Phát biểu của ông Hun Sen và ý các nhà phân tích của Campuchia tạo cảm giác rằng Campuchia giữ thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông, nhưng sự thực có phải vậy không là câu hỏi được đặt ra với các nhà nghiên cứu quốc tế. Giới quan sát đã thẳng thắn chỉ ra những điểm cho thấy Phnom Penh không thật sự trung lập trong vấn đề Biển Đông mà đứng về phía Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông vì đã bị Trung Quốc mua chuộc khống chế.

Một là, Campuchia đã từng tiếp tay cho Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông, cụ thể là cách đây 10 năm (vào năm 2012) khi làm Chủ tịch ASEAN, Campuchia đã ngăn cản việc đưa nội dung về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 khiến lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN, một Hội nghị AMM không ra được Tuyên bố chung, khiến các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế hết sức bất bình. Mặt khác, tại các hội nghị ASEAN khi các quốc gia khác làm Chủ nhà, Campuchia luôn tìm cách giảm nhẹ nội dung liên quan đến vấn đề Biển Đông, phản đối các câu từ chỉ trích sự hung hăng của Bắc Kinh.

Sự việc trên phản ánh rõ Phnom Penh hoàn toàn không giữ trung lập trên vấn đề Biển Đông mà thực chất đã tiếp tay cho Bắc Kinh ngăn cản việc đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố của AMM lần thứ 45, phá vỡ sự đoàn kết trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông, khiến cả cộng đồng quốc tế bất bình.

Hai là, trong khi các nước ven Biển Đông đều ủng hộ việc giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông bới các tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến nhiều nước và nhiều bên thì Phnom Penh phản đối việc quốc tế hóa và ủng hộ giải quyết song phương vấn đề Biển Đông. Đây thực chất là quan điểm của Trung Quốc bởi giới cầm quyền muốn đàm phán song phương với từng nước ASEAN để có thể gây sức ép theo thủ đoạn “bẻ gãy từng cái đũa”.

Nếu như các nước ven Biển Đông đều ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông theo các tiến trình pháp lý, bao gồm việc sử dụng cơ chế Tòa án. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, hầu hết các nước đều ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp tại các cơ quan tài phán quốc tế. Philippines đã đi đầu trong việc khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thì Campuchia lại vào hùa với Trung Quốc không ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài. Ông Kin Phea, Giám đốc Học viện Hoàng gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, cho rằng các cơ chế giải quyết trước đây như tòa án (hàm ý phán quyết năm 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng tài) là “bất công” và phản ánh sự can thiệp từ bên ngoài của phương Tây trong vấn đề chủ quyền của các quốc gia giáp Biển Đông.

Ba là, trong khi các nước ven Biển Đông đều ủng hộ sự hiện diện của Mỹ và các nước ngoài khu vực ở Biển Đông, coi đây là yếu tố quan trọng để làm đối trọng với sức ép từ Trung Quốc thì Campuchia lại cổ súy cho việc đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông. Giới chức hay học giả ở Phnom Penh đều cùng chung một giọng điệu với nhà đương cục Bắc Kinh chỉ trích Mỹ can thiệp vào Biển Đông là “nguyên nhân khiến tình hình căng thẳng”. Ông Kin Phea, Giám đốc Học viện Hoàng gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, đổ lỗi cho Mỹ khi nói: “Mỹ vẫn duy trì vai trò bá chủ của mình và không muốn có giải pháp cho vấn đề phân chia chủ quyền trên Biển Đông” và cho rằng Mỹ muốn vùng biển này là vùng biển quốc tế với quyền tự do hàng hải và hàng không là nhằm duy trì vai trò “bá chủ” của Mỹ.

Bốn là, với tư cách thành viên ASEAN, song Campuchia luôn bàng quang trước những hành động hung hăng gây hấn với các nước ven Biển Đông của Trung Quốc. Giới học giả đều cho rằng nếu thực sự giữ trung lập trên vấn đề Biển Đông thì Campuchia phải có sự chia sẻ với các nước ASEAN ven Biển Đông mỗi khi các nước này bị Trung Quốc xâm lấn, bắt nạt. Thế nhưng chưa khi nào Phnom Penh lên tiếng phê phán những hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia luật pháp quốc tế cho rằng sự trung lập của một quốc gia trên các vấn đề tranh chấp thể hiện ở việc họ đề cao luật pháp quốc tế, ủng hộ các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Về điểm này, Phnom Penh dường như đang thực hiện một “tiêu chuẩn kép”. Trong khi ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia công khai lên án mạnh mẽ cuộc tấn công quân sự Ukraine của Nga và việc Moscow sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine thì Phnom Penh lại giữ im lặng trước những hành động hiếu chiến xâm lấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ bé ven Biển Đông.

Năm là, sự thiên vị của Campuchia trên vấn đề Biển Đông còn thể hiện việc họ để cho Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở Ream thuộc tỉnh Sihanoukvill của Campuchia. Các nhà chiến lược quân sự đều cho rằng căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Ream bên bờ vịnh Thái Lan tạo lợi thế cho Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông và chính là nhằm vào các nước ven Biển Đông đang có tranh chấp với Bắc Kinh. Căn cứ hải quân ở Ream sẽ giúp Trung Quốc có thể nhanh chóng triển khai lực lượng trên các vùng biển phía Nam Biển Đông một khi xảy ra xung đột.

Mỹ và nhiều nước đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa của căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Ream, Sihanoukvill, Campuchia nhưng cả Bắc Kinh và Phnom Penh đều bỏ ngoài tai. Trung Quốc tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn như cầu cảng dành cho tàu chiến; sân bay cho máy bay chiến đấu cỡ lớn ở khu vực này, trong khi cả hai bên đều giải thích đây là những công trình dân sự. Những động thái này càng phản ánh rõ hơn việc Phnom Penh đứng hẳn về phía Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông.

Vậy vì sao Campuchia lại chủ động tỏ ra là “người giữ trung lập” trên vấn đề Biển Đông thời gian gần đây là câu hỏi được các nhà nghiên cứu quan tâm và đưa ra những lý do để giải thích, cụ thể là:

Trước hết, bài học không ra được Tuyên bố chung của AMM năm 2012 đã khiến Campuchia phải thay đổi cách thức tiếp cận, không thể công khai đứng về phía Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Campuchia không thể để lặp lại những gì đã xảy ra cách đây 10 năm khiến các nước ASEAN khác và cộng đồng quốc tế hết sức bất bình. Do vậy, dù có đứng về phía Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, Campuchia cũng không thể trơ trẽn tiếp tay cho Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông như đã làm vào năm 2022.

Trung Quốc chủ động tỏ ra “trung lập” là nhằm xóa đi hình ảnh xấu xí mà họ đã để lại trong dư luận quốc tế cách đây 10 năm. Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen hiểu rằng nếu họ tiếp tục hành xử như tại AMM lần thứ 45 chắc chắn sẽ bị các nước ASEAN khác, nhất là các nước ven Biển Đông tẩy chay và Campuchia sẽ trở nên đơn độc trong ASEAN.

Thứ hai, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực ngày càng trở nên phức tạp, nhất là sau cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine các nước ASEAN sẽ trở nên cảnh giác hơn và Mianmar đang bị “đứng ngoài” các hội nghị của ASEAN từ năm 2021 sau cuộc đảo chính quân sự ở nước này thì Campuchia càng phải thận trọng hơn, không dám “ra mặt” ủng hộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng hiểu rõ dư luận theo dõi sát sao những động thái của họ trong quan hệ với Phnom Penh trong năm nay khi Campuchia là chủ nhà của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN. Nếu họ tiếp tục ép Campuchia công khai ủng hộ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông như họ đã làm năm 2012 là không khả thi, nhất là giữa lúc dư luận đang bày tỏ sự lo ngại trước việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Ream, Sihanoukvill, Campuchia.

Thứ ba, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở khu vực, bao gồm Biển Đông ngày càng trở nên gay gắt, các nước ASEAN phải đối mặt với nhiều thách thức và trở thành đối tượng lôi kéo của cả Mỹ và Trung Quốc. Để phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực ASEAN cần duy trì sự đoàn kết, thống nhất, không đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Campuchia không thể đứng ngoài cuộc nên cần chủ động bày tỏ sự trung lập trên vấn đề quốc tế và khu vực, tránh bị coi là “kẻ phá hoại” sự đoàn kết của ASEAN. Theo đánh giá của giới phân tích việc Phnom Penh tỏ ra trung lập trên vấn đề Biển Đông chỉ là hình thức bề ngoài, trên thực tế họ vẫn ngấm ngầm tiếp tay cho Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông. Các nước ven Biển Đông trong ASEAN chớ vì cái biểu hiện bề ngoài của giới chức và học giả ở Phnom Penh mà lơ là mất cảnh giác; cần hết sức tỉnh táo trong đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới