Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Tập sẽ làm “vua suốt đời”?

Ông Tập sẽ làm “vua suốt đời”?

Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 16/10 tới. Thời điểm này Đảng cầm quyền ở Trung Quốc và cá nhân ông Tập đang gặp nhiều trở ngại. Nhưng khả năng tái đặc cử nhiệm kỳ thứ ba của ông “Vua suốt đời” Tập Cận Bình là khó có thể đảo ngược.

Khó khăn, trở ngại đầu tiên là các vấn đề về kinh tế, môi trường, thời tiết. Những đợt nắng nóng dữ dội, kéo dài nhất từ trước đến nay đã ảnh hưởng đến một phần lớn lãnh thổ Trung Quốc kể từ cuối tháng 8. Hạn hán đã đe dọa việc thu hoạch mùa thu, gây tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở nhiều nhiều nơi. Theo tờ New Scientist, đợt nắng nóng ở Trung Quốc trong thời gian qua là “khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận trên hành tinh”.

Nắng nóng làm cho mực nước sông, hồ giảm mạnh. Toàn quốc có tới 66 sông hồ đã bị khô cạn hoàn toàn. Khả năng sản xuất thủy điện giảm mạnh. Tứ Xuyên, nơi thủy điện chiếm 80%, đã bị ảnh hưởng trầm trọng, với sản lượng thủy điện giảm 50%, khiến cho 47 nghìn ha lúa màu mất trắng. Hàng nghìn nhà máy đã phải đóng cửa do thiếu điện. Nhà chức trách phải ra lệnh khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than cực kỳ ô nhiễm.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay quá thấp. Dự báo chính thức tăng trưởng GDP là 5,5% vào năm 2022 nhưng có khả năng chỉ đạt mức 3%. Xin lưu ý rằng, suốt 40 năm qua, tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc luôn ở mức gần 10%.

Rủi ro về kinh tế vẫn còn đó khi mà nhiều thành phố của Trung Quốc, tiếp tục áp dụng các biện pháp phong tỏa hà khắc, vì mục tiêu “0 covid”. Theo một tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “ Thập niên tới sẽ đi vào lịch sử với một giai đoạn đau đớn khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái”.

Cách ứng phó chống dịch Covid-19 cứng nhắc của chính quyền Bắc Kinh khiến nhiều nhà đầu tư phương Tây không mặn mà. Trong số 117 công ty đa quốc gia được hỏi trong cuộc khảo sát, có tới hơn một nửa cho biết họ hoàn toàn thất vọng về tương lai kinh doanh ở Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở lĩnh vực bất động sản cũng trở nên trầm trọng hơn, dự kiến có khoảng 1/3 các nhà phát triển bất động sản chính có thể vỡ nợ vào cuối năm nay. Đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Đó là tất yếu của tình trạng mắc nợ khổng lồ của Trung Quốc.

Đó là về kinh tế. Trung Quốc cũng đang rất lúng túng và mệt mỏi trong lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao. Nhức nhối hơn cả là vấn đề Đài Loan ngày càng “nổi loạn” muốn đòi độc lập, ngả hẳn về Mỹ. Tờ New York Times cho hay, sự gia tăng ngày càng cao của số người dân cảm thấy mình là người Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc. Mặc dù phần lớn người dân biết rằng nguồn gốc của mình ở Trung Quốc, nhưng họ vẫn tự cảm thấy mình là người Đài Loan, mang “bản sắc văn hóa Đài Loan”, xa lạ với bản sắc văn hóa của Đại lục.

Được sự hà hơi tiếp sức của Washington, Đài Loan đầu tư cho quốc phòng ngày càng mạnh mẽ. Ngân sách quân sự của Đài Loan cho năm 2023 đạt mức kỷ lục 523,4 tỷ NTD (17,3 tỷ đô la), tăng 14,9% so với năm 2021. Ngày 2/9 vừa qua, Washington thông báo đã thông qua Hợp đồng bán vũ khí cao kỷ lục cho Đài Loan, trị giá 1,1 tỷ USD. Kể từ năm 2010, tổng số tiền vũ khí mà Mỹ bán cho hòn đảo lên tới 35 tỷ USD.

Kiên trì Chiến lược “Con đường tơ lụa mới”, Trung Quốc tiếp tục thực đẩy các Dự án, bao gồm việc xây dựng cảng, sân bay, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác ở các nước mới trỗi dậy. Thế nhưng, nhiều nước đã rơi vào “bẫy nợ”. Khi không thể trả được các khoản nợ, các nước buộc phải từ bỏ chủ quyền khi ký với Trung Quốc các hợp đồng tô nhượng 99 năm đối với các cơ sở hạ tầng được tài trợ.

Liên quan đến mới quan hệ Nga-Trung Quốc hiện nay, theo tờ Nikkei Asia hậu quả đối với nền kinh tế Bắc Kinh do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây là rất nặng nề. Nó sẽ tiếp tục trở thành thảm họa khi Trung Quốc bị phát hiện là đi quá xa trong việc hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraina.

Quốc Vụ Viện Trung Quốc thông báo nội bộ: các lệnh trừng phạt này sẽ có “tác động thảm khốc đối với Trung Quốc” và nước này “sẽ quay trở lại một nền kinh tế kế hoạch hóa, cô lập với thế giới. Do vậy, điều này có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực” do những thiệt hại mà các lệnh trừng phạt gây ra khi việc nhập khẩu các thực phẩm thiết yếu bị gián đoạn.

An ninh lương thực là yếu tố quyết định giữ ổn định xã hội. Một cuộc khủng hoảng lương thực có thể dẫn đến bất ổn trong xã hội, đe dọa trực tiếp đến Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến kết quả Đại hội 20.

Nói có sách mách có chứng, ở Trung Quốc từng xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng vào năm 1989 kéo theo rất nhiều hệ lụy, chính trị mất ổn định, nội bộ chia rẽ. Năm đó, vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn đã khiến giá cả ở Trung Quốc tăng rất mạnh, ước tính từ 20% đến 30%.

Như vậy, Đại hội lần này của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước những thách thức rất lớn, chỉ cần “lỏng tay cương” là có thể thất bại. Có vẻ như “Thiên không thời, địa không lợi”. Nhưng Tập Cận Bình vẫn đang ở thế thượng phong, nhờ nắm được quyền lãnh đạo tuyệt đối trong Đảng, nắm được quân đội và công an. Theo cách nói của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Tập sẽ làm vua tập thể, vua suốt đời để thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới