Vì không muốn làm một lãnh đạo bù nhìn, ông Tập đã phát động chiến dịch đả hổ chống tham nhũng. Nhưng cũng từ đây, ông đã đắc tội với rất nhiều quan chức cấp cao. Và những người bị đụng chạm lợi ích luôn muốn hạ bệ ông. Ngoài đó ra, còn những nguyên nhân nào khác?
Một loạt tin đồn chính biến gần đây đã hoàn toàn bị xóa bỏ vào ngày 27/9, khi ông Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng và cùng sáu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến thăm quan Trung tâm Triển lãm Bắc Kinh.
Trên thực tế, chủ đề “Tập Cận Bình đối mặt với nguy cơ đảo chính” đã xuất hiện từ lâu, ngay từ trước khi ông Tập trở thành lãnh đạo của ĐCSTQ tại Đại hội 18 vào năm 2012.
Điểm lại một số tin đồn chính biến, đả đảo từ năm 2012 – 2022
Năm 2012
Trong năm 2012, gây rúng động nhất là cuộc “Đảo chính Bạc – Chu”. Cầm đầu là Bạc Hy Lai, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; và Chu Vĩnh Khang, lúc đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương.
Vào ngày 6/2/2012, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đã phản bội và chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, ông ta tiết lộ với phía Mỹ như sau:
Bạc và Chu đã lên âm mưu: Tại Đại hội 18, Bạc Hy Lai sẽ thay thế Chu Vĩnh Khang, sau đó, vào một thời điểm thích hợp, sẽ thông qua cuộc “đảo chính” để lật đổ Tập Cận Bình và đặt Bạc Hy Lai vào vị trí lãnh đạo cao nhất của chính phủ và quân đội ĐCSTQ.
Năm 2015
Vào đêm muộn ngày 4/3/2015, trang mạng Tin tức Vô giới của Tân Cương đăng tải một bức thư ngỏ nặc danh yêu cầu ông Tập từ chức.
Bức thư đã 3 lần đe dọa tính mạng của gia đình ông Tập. Đoạn đầu tiên đề cập rằng ông Tập được yêu cầu từ chức “vì sự an toàn của ông và gia đình ông”. Đoạn thứ hai từ dưới lên viết: “Hoạt động [chống tham nhũng] này làm trầm trọng thêm cuộc tranh giành quyền lực trong đảng, chúng tôi lo ngại rằng nó cũng có thể gây ra nguy cơ an toàn cá nhân cho ông và gia đình ông”. Đoạn cuối viết, “vì sự an toàn của ông và gia đình ông”, hãy “từ bỏ tất cả các chức vụ trong đảng và nhà nước”.
Vào ngày 29/3/2015, blog Mingjingnews của Mỹ đăng một bức thư nặc danh với tiêu đề “Thư gửi toàn đảng, toàn quân và nhân dân toàn quốc” kêu gọi bãi miễn Tập Cận Bình khỏi tất cả các chức vụ trong và ngoài đảng.
Năm 2020
Vào ngày 21/3/2020, ông Trần Bình, Chủ tịch SunTV Hong Kong, đã chia sẻ một bức thư ngỏ trên WeChat. Bức thư yêu cầu phải triệu tập gấp một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị ĐCSTQ để thảo luận về vấn đề đi hay ở của ông Tập.
Thư ngỏ kết luận: “Việc đánh giá các công việc của Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền, nó quan trọng không kém gì việc lật đổ Tứ nhân bang” (bè lũ bốn tên).
Năm 2022
Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay. Ngày từ đầu năm đã có một cao trào mới trong cuộc chiến dư luận chống ông Tập ở trong và ngoài nước.
Khởi điểm là một bài luận chống ông Tập dài 40.000 từ được đăng trên trang web 6park.com của Canada vào ngày 19/1. Sau đó, các tin đồn chống Tập thi nhau nổi lên, bao gồm: cựu Thủ tướng ĐCSTQ Chu Dung Cơ phản đối việc ông Tập “đắc cử lần ba”, “Tập [Cận Bình] xuống Lý [Khắc Cường] lên”, “Tập Cận Bình bị phình động mạch não và ung thư tuyến tụy giai đoạn III”, “Tập nằm liệt giường một tuần”, hay Trung Thiệu Quân – Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Quân ủy Trung ương, một trong những thân tín quan trọng nhất của ông Tập – đã bị bắt, v.v.
Đầu tháng 5, báo chí hải ngoại lần lượt tung tin ông Tập bị đảo chính và buộc phải “nhường ngôi” cho Thủ tướng Lý Khắc Cường, sẽ công khai thoái vị và chuyển giao quyền lực tại Đại hội 20.
Thậm chí cả ông trùm tài chính phố Wall George Soros cũng đứng vào hàng ngũ pháo kích ông Tập. Sau bốn lần bắn phá ông Tập vào các ngày 13/8, 30/8, 8/9 năm ngoái và ngày 31/1 năm nay, trong lần gần nhất hôm 24/5, ông Soros nói rằng những sai lầm của Tập Cận Bình có thể khiến ông ấy không thể tiếp tục nhiệm kỳ ba.
Trong 10 ngày ông Tập ẩn thân sau chuyến thăm Trung Á, tin tức đảo chính lại được lan truyền rộng rãi trong và ngoài Trung Quốc.
Ngày 22/9, trên Twitter xuất hiện tin: Hôm 14/9, khi Tập đến thăm Trung Á, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo thuyết phục thành công Tống Bình – cựu Ủy viên Ban thường vụ Trung ương, và khống chế được Cục Cảnh vệ Trung ương. Sau đó đã gửi tin cho Giang [Trạch Dân], Tăng [Khánh Hồng], các ủy viên trung ương ở Bắc Kinh và các cựu Ủy viên Thường vụ, họ đã giơ tay biểu quyết bãi bỏ Tập Cận Bình. Tối ngày 16/9 khi Tập Cận Bình về nước đã bị khống chế tại sân bay và giam lỏng tại nhà ở Trung Nam Hải.
Ngày 24/9, tài khoản WeChat “Đại ký giả có lời muốn nói” đăng bài “Các đồng chí lão thành là trụ cột của đảng, là Định Hải Thần Châm”. Tác giả của bài viết được cho là Cố Vạn Minh, cựu lãnh đạo chi nhánh Quảng Đông của Tân Hoa Xã.
Bài viết trên mô tả, một số nhà lãnh đạo cũ của ĐCSTQ đã đứng lên vào thời điểm lịch sử quan trọng để dẹp loạn, “cứu đảng, đất nước và nhân dân”. Trong đó cũng nhắc tới Giang Trạch Dân và các cựu lãnh đạo khác. Dựa vào bài viết này, một số người suy luận rằng các lão làng chính trị trong ĐCSTQ đã đứng lên lãnh đạo cuộc “đảo chính” và giam lỏng ông Tập Cận Bình, giống như vụ bắt giữ “Tứ nhân bang” thời Cách mạng Văn hóa.
Tại sao ông Tập luôn bị dính tới các tin đồn chính biến trong 10 năm cầm quyền?
Tiến sĩ Vương Hữu Quần, người từng công tác trong thể chế ĐCSTQ và làm việc dưới trướng cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Úy Kiện Hành, đưa ra 4 lý do sau:
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập làm mất lòng nhiều người quyền cao chức trọng
Âm mưu “đảo chính Bạc – Chu” đã gây tác động rất lớn tới ông Tập Cận Bình. Đây là động lực quan trọng để ông rầm rộ thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng sau khi lên nắm quyền.
Vào tháng 1/2013, ông Tập đã phát động chiến dịch chống tham nhũng tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Tính đến cuối tháng 9/2022, ông Tập đã điều tra tổng cộng 572 quan chức cấp thứ trưởng hoặc cấp phó chủ tịch tỉnh trở lên cũng như các cán bộ thuộc Bộ Tổ chức Trung ương. Hầu hết số quan chức ngã ngựa này đều do Giang Trạch Dân và cựu Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng đề bạt trọng dụng. Giang – Tăng là trùm sỏ của các phần tử tham nhũng nghiêm trọng nhất trong cấp cao nhất của đảng, chính phủ và quân đội ĐCSTQ.
Khi điều tra và xử lý 572 quan chức cấp cao này, đầu tiên, ông Tập đã đắc tội với họ; kế đến là đắc tội với gia đình, con cái, người thân và bạn bè của 572 quan chức đó; sau nữa là đắc tội với tầng tầng mạng lưới quan hệ của 572 quan chức kia; cuối cùng là đắc tội với cây cao bóng cả đứng sau họ – cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.
Trong tất cả những người này, không ai là không ghét ông Tập, không ai là không muốn phế truất ông Tập ngay lập tức, thậm chí có người có thể muốn xử trí cả gia đình ông.
Có kẻ sợ bị xử lý vì tội ác nợ máu
Vào ngày 20/7/1999, nhà độc tài ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã sử dụng tất cả bộ máy nhà nước để phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công – một môn tu luyện ôn hòa theo Chân, Thiện, Nhẫn.
Đến nay, đây là cuộc bức hại nhân quyền có thời gian dài nhất (23 năm), phạm vi rộng nhất (toàn cầu), số người bị bức hại đông nhất (hàng trăm triệu người), sử dụng thủ đoạn ác độc nhất (mổ cướp nội tạng) và gây tác động tồi tệ nhất ở cả trong và ngoài Trung Quốc.
Trong đó, thủ đoạn tàn ác nhất là mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công trên quy mô lớn. Luật sư nhân quyền David Matas người Canada và ông David Kilgour, cựu Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Canada, đã tiến hành các cuộc điều tra độc lập về vấn đề này từ lâu và gọi đó là “tội ác chưa từng có trên hành tinh này”.
Phát động bức hại là quyết định cá nhân của Giang Trạch Dân và vụ đại thảm sát này có sự tham gia của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Phòng 610, hệ thống tòa án, nhà tù, bệnh viện, cảnh sát vũ trang và quân đội của ĐCSTQ.
“Băng đảng nợ máu” bức hại các học viên Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng đầu đã phạm đại tội, trọng tội, tử tội vì phá vỡ giới hạn của đạo đức nhân loại và pháp luật.
Ông Tập không phải là người ra quyết định bức hại Pháp Luân Công, cũng không phải là người ra quyết định mổ cướp nội tạng các học viên trên quy mô lớn, cũng không phải là kẻ tích cực đi theo Giang – Tăng bức hại Pháp Luân Công để được thăng quan tiến chức như Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai.
Mặc dù ông Tập luôn bảo vệ đảng từ khi lên nắm quyền, nhưng Giang và Tăng vẫn không yên tâm về ông, luôn muốn thay thế ông bằng một thành viên trong “Băng đảng nợ máu” để tiếp tục hành ác và đảm bảo rằng tội ác tày trời của họ sẽ không bị xử trị.
Triết lý đấu tranh và lịch sử đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ
Triết lý đấu tranh của ĐCSTQ được truyền lại bởi ông tổ Marx. Đặc trưng của nó là: có địch thì phải đấu, không có địch thì phải tạo ra kẻ địch để mà đấu; hơn nữa còn phải “đấu tranh tàn khốc, đả kích vô tình”. Trong hơn 100 năm kể từ khi ĐCSTQ được thành lập, các cuộc đấu đá nội bộ chưa bao giờ dứt.
Năm 1956, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, Bí thư thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương đảng là Nikita Khrushchev đã đưa ra một báo cáo bí mật nhằm chỉ trích nhà độc tài Stalin. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh nội bộ của chính đảng này. Sự việc này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến ĐCSTQ. Kể từ đó, lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông luôn lo lắng rằng trong nội bộ ĐCSTQ sẽ xuất hiện một nhân vật giống như Khrushchev.
Cũng kể từ đó, Mao luôn đề phòng các cuộc đảo chính và không ngừng “tạo ra kẻ địch” trong nội bộ ĐCSTQ để đấu tranh đến cùng. Cho đến khi ông ta qua đời, đây luôn là ưu tiên hàng đầu.
Cuối cùng, Mao đã giết Lưu Thiếu Kỳ, người kế vị đầu tiên mà ông ta chỉ định; đã bức tử người kế vị được chỉ định thứ hai – Lâm Bưu; và đánh đổ một lượng lớn thành viên của cái gọi là “tập đoàn phản đảng” từ trung ương đến địa phương.
Người kế vị cuối cùng được Mao chỉ định khi ông ta còn sống là Hoa Quốc Phong. Ngày 9/9/1976, Mao qua đời. Chưa đầy một tháng sau đó, vào ngày 6/10, Hoa Quốc Phong và Nguyên soái ĐCSTQ Diệp Kiếm Anh đã hợp lực để bắt vợ của Mao là Giang Thanh và những người khác trong “Tứ nhân bang”. Đây là một cuộc “đảo chính”.
Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc và Đặng Tiểu Bình tái nhậm chức, ông ta đã lần lượt phế bỏ ba lãnh đạo ĐCSTQ là Chủ tịch đảng Hoa Quốc Phong, Tổng bí thư Hồ Diệu Bang và Tổng bí thư Triệu Tử Dương. Đây cũng là một cuộc “đảo chính”.
Tại Đại hội 16 năm 2002, lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã đến tuổi phải nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông ta đã bí mật tìm một nhóm các nhà lãnh đạo quân đội kỳ cựu để chống lại ông Hồ Cẩm Đào tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 16. Họ đã kiên quyết yêu cầu Giang ở lại làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương và buộc lãnh đạo mới của ĐCSTQ là ông Hồ Cẩm Đào phải gật đầu đồng ý. Đây cũng là một cuộc “đảo chính”.
Sau khi Giang Trạch Dân từ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương vào năm 2004, ông ta đã cài các thân tín của mình là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu vào làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Quách và Bá đã thay mặt Giang chiếm thực quyền của tân Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hồ Cẩm Đào. Đây là một cuộc “đảo chính” biến tướng.
Khi ông Tập trở thành lãnh đạo ĐCSTQ vào năm 2012, khắp nơi từ trung ương đến địa phương đều có những phần tử tham nhũng nghiêm trọng thuộc phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.
Không muốn làm bù nhìn như ông Hồ Cẩm Đào, ông Tập chỉ có thể “đả hổ chống tham nhũng”. Kết quả là cuộc chiến thanh trừng và chống tham nhũng đã kéo dài gần 10 năm. “Đàn hổ” cũng liên tục mắng chửi, đả kích, chống đối ông Tập và tung các tin đồn đảo chính.
Chính quyền ông Tập gây bất mãn vì tả khuynh toàn diện
Nhiều mâu thuẫn sâu sắc ở Trung Quốc đã được tích tụ từ thời đại Mao Trạch Đông, thời đại Đặng Tiểu Bình và thời đại Giang Trạch Dân. Sau khi ông Tập lên nắm quyền, chúng đã bùng nổ dữ dội. Bởi vì con đường cải cách chính trị đã bị bịt kín từ sau vụ thảm sát sinh viên ngày 4/6/1989 của Đặng Tiểu Bình. Không có cải cách chính trị thì căn bản không thể cải cách kinh tế, các tư duy mới, chiến lược mới, sách lược mới tràn đầy hy vọng và sức sống đều bị bóp nghẹt.
Sau Đại hội 19, chính quyền ông Tập đã toàn diện tả khuynh, quay trở về thời Cách mạng Văn hóa. Áp lực và kiểm soát về mặt chính trị, kinh tế, tư tưởng ngày càng gay gắt, chẳng hạn như sử dụng “ngoại giao chiến lang”, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự tốn kém, kiểm soát toàn diện Hong Kong, gây áp lực cực hạn lên Đài Loan, không ngừng đề cao sự tôn thờ cá nhân đối với ông Tập, áp dụng “chính sách Zero Covid” cực đoan, v.v.
Sau khi chứng kiến một loạt động thái trên của chính quyền ông Tập, những người từng đặt hy vọng vào ông Tập trở nên bất mãn với hiện trạng. Họ là các quan chức có tư tưởng tiến bộ, là quần chúng trí thức, là những người có tầm nhìn sâu rộng trong và ngoài nước, và thậm chí là nhiều người dân Trung Quốc bình thường. Nói một cách chặt chẽ, những người này không nhất định thuộc phe chống Tập, nhưng họ có thể dễ dàng bị phe chống Tập lợi dụng để dàn dựng một cuộc đảo chính.
Tóm lại, chỉ với 4 lý do trên, ông Tập đã đụng chạm tới lợi ích của rất nhiều người. Nhưng thực tế, có hai phe đang quyết chiến trong cấp cao nhất của ĐCSTQ: một phe do Tập Cận Bình đứng đầu, phe còn lại do Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đứng đầu.
Trước Đại hội 19 vào tháng 10/2017, chiến dịch đả hổ chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã gần chạm tới các “vua hổ” Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Tuy nhiên, để bảo vệ đảng, ông Tập đã thỏa hiệp với Giang và Tăng vào phút cuối.
Kết quả của cuộc thỏa hiệp là: từ tháng 10/2017, tập đoàn Giang – Tăng đã tung một loạt chiêu trò như “cao cấp đen” [1], “thấp cấp đỏ” [2]… để đào hố ông Tập. Chỉ vẻn vẹn 5 năm, ông Tập đã chơi ván bài đẹp một cách dở tệ.
Đại hội 20 sắp được tổ chức vào ngày 16/10/2022. Trước đại hội lần này, ông Tập đã tốn rất nhiều công sức để chống tham nhũng và đánh đổ “tập đoàn chính trị Tôn Lực Quân”. Một lần nữa, kẻ đứng sau tập đoàn chính trị này lại là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.
Nếu ông Tập không thể giải quyết các vấn đề về Giang và Tăng từ căn bản, nếu ông không thể nhận thức rõ nguyên nhân gốc rễ khiến ĐCSTQ tiêu tốn 100 giờ để họp đại hội nhưng lại không thể thiết lập một cơ chế chuyển giao quyền lực tối cao hợp lý và hợp pháp, thì đám mây đen đảo chính sẽ luôn bám theo ông.
T.P