Số chuyến bay do thám của Mỹ ở biển Đông trong tháng 9/2022 đã giảm một nửa so với tháng 8. Điều này thể hiện Mỹ hạn chế quan tâm đến biển Đông, hay vì lý do thời tiết?
Thống kê được đưa ra ngày 5/10, bởi Tổ chức Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược ở biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Trung Quốc là đối thủ của Mỹ. Đối thủ mà đánh giá đối thủ thì chỉ có thể khắt khe hơn, nặng nề hơn chứ sao có thể giảm nhẹ. Nói cách khác, số liệu của SCSPI có thể coi là tin cậy.
Cụ thể, số liệu đó ra sao? Tờ South China Morning Post dẫn thống kê mới công bố của SCSPI: các máy bay do thám từ đất liền đã thực hiện 28 chuyến bay trong tháng 9 so với 46 chuyến trong tháng 8. Con số này càng nhỏ hơn nếu so với 67 chuyến bay do thám của Mỹ trong tháng 7.
Tháng 7 và tháng 8 nhiều thì đúng rồi, bởi nó gắn với sự kiện chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan. Không thế sao được, khi trước chuyến thăm được dền dứ từ mấy tháng trước, Bắc Kinh và Washington đã chao chát với nhau nhiều lần, ở nhiều cấp độ. Đỉnh điểm căng thẳng là cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình ngày 27/7, trong đó, ông Tập đã to tiếng cảnh báo, đe dọa rằng “Những người đùa với lửa sẽ bị bỏng”.
“Những người” là ai ở đây, nếu không là Mỹ – cái tên mà dù nóng tiết, ông Tập vẫn còn kịp kìm lại được. Tất nhiên, không đích danh thì ông chủ Nhà Trắng cũng thừa hiểu có một kẻ đang “hỗn” với mình.
Ông Biden cũng biết câu chuyện Đài Loan nhạy cảm đến thế nào với Trung Quốc. Sự căng thẳng của ông Tập, ngoài “phương diện quốc gia”, còn là để nâng cao hinh ảnh của chính ông trong mắt người dân, nhất là các đảng viên Đảng CSTQ khi Đại hội 20 – đại hội mà ông Tập muốn tái cử một cách vẻ vang – chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tổ chức.
Chính thế, để bảo vệ bà Pelosi – nhân vật quyền lực thứ 3 của nước Mỹ, Mỹ có ngại chi tốn kém. Đến nhóm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan kềnh càng Mỹ còn rùng rùng điều tới biển Đông được nữa là, huống chi thêm 48 lượt máy bay trinh sát phòng các tình huống xấu nhất xảy ra với chuyên cơ quân sự của bà Pelosi. Ông Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ chẳng đã khẳng định: quân đội Mỹ sẽ làm tất cả những điều cần thiết để đảm bảo an toàn nếu bà Pelosi kia mà.
Tức tối vì cú “thúc cùi tay” thay cho bắt tay (vì Covid-19) giữa bà Pelosi và bà Thái Anh Văn cũng như những gì diễn ra trong hậu trường sau đó giữa hai nhà lãnh đạo, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn, trong đó phóng tới 11 tên lửa, quanh đảo Đài Loan từ ngày 4-7/8. Trong cuộc tập trận này, thậm chí Trung Quốc còn mô phỏng việc phong tỏa và cắt đứt các tuyến đường hậu cần xung quanh hòn đảo muốn ly khai này như một sự tập dượt cho cuộc đấu súng thực sự trong tương lai để đưa “đứa con hư” Đài Loan về với đất mẹ, nếu “nói nhẹ không ưa”.
Tuy nhiên, như bình luận của dư luận, tạm thời, chuyện cũng chỉ đến thế, chưa kể, tên lửa Trung Quốc chỉ khai hỏa khi máy bay của bà Pelosi đã nghìn trùng xa cách.
Về phía Mỹ, tới lúc đó, cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc có thể thở phào khi bà Pelosi tươi cười về tới Nhà Quốc hội.
Một khi có bằng chứng cho thấy đối thủ, dù tỏ ra giận dữ, nhưng cũng đầy khôn ngoan, tỉnh táo trong phản ứng, thì hà tất, duy trì hoặc tăng tần suất máy bay trinh sát để làm gì? Cao thủ lúc này phải là người làm chủ cuộc chơi kia.
Chính thế, việc giảm số lượt máy bay trinh sát trên biển Đông để Trung Quốc bớt hậm hực có thể ví như kế “rút củi đáy nồi” để tạm thời đưa biển Đông về trạng thái bớt căng thẳng mà rảnh tay toan tính những phức tạp trong cuộc chiến ủy nhiệm tại Ukraine. Điều đó, tự Washington chủ động chứ chẳng hề do thời tiết xấu hay vì Mỹ thiếu máy bay như nhiều người võ đoán.
T.V