Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSau đụng độ nghiêm trọng ở biên giới tranh chấp, Ấn Độ...

Sau đụng độ nghiêm trọng ở biên giới tranh chấp, Ấn Độ dần quay lưng với TQ

Sau đụng độ nghiêm trọng ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya, Ấn Độ dần quay lưng trong mối quan hệ với Trung Quốc, xoay trục sang phương Tây.

Tháng 6/2020, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở Thung lũng Galwan, một khu vực hẻo lánh và hiểm trở dọc biên giới tranh chấp giữa hai nước trên dãy Himalaya. 20 lính biên phòng Ấn Độ và ít nhất 4 lính Trung Quốc thiệt mạng.

Cuộc đụng độ thổi bùng tranh luận về tác động lâu dài của nó với mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng đông dân nhất thế giới. Một số nhà phân tích tin rằng quan hệ song phương sẽ sớm trở lại bình thường, khi các cuộc họp cấp cao được tổ chức thường xuyên, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Ấn Độ cũng như trao đổi quốc phòng và hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Thương mại song phương trong năm 2021 cao kỷ lục với 125 tỷ USD và chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Ấn Độ hồi tháng 3 dường như ủng hộ quan điểm rằng hai nước có thể gạt bỏ tranh chấp biên giới sang một bên, tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tới đầu tháng trước, quan chức Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí rút quân khỏi các điểm nóng dọc biên giới ở vùng Ladakh, nơi căng thẳng leo thang từ đầu năm 2020.

Nhưng những động thái hàn gắn quan hệ này dường như chỉ là lớp phủ lên những rạn nứt thực sự giữa hai nước, theo Tanvi Madan, thành viên cấp cao chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings, Mỹ.

Các lãnh đạo Ấn Độ đã bất ngờ trước cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan, mà họ cho là do những hành động gây hấn của Trung Quốc, vốn là nguồn cơn gây căng thẳng và lo ngại. Ấn Độ sau đó thay đổi đáng kể chính sách đối nội và đối ngoại, chú trọng đối phó với rủi ro từ phía Trung Quốc.

Madan nhận định sau sự cố, quan hệ song phương khó có thể trở lại nồng ấm như trước đây. Theo ông, cách tiếp cận của Ấn Độ với Trung Quốc đã chuyển từ hợp tác cạnh tranh sang cùng tồn tại cạnh tranh, nếu không muốn nói là “cùng tồn tại vũ trang”, như cựu ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale từng nói.

“Hai năm trước, tôi từng nói rằng các hành động của Trung Quốc có thể khiến họ ‘để mất Ấn Độ’. Bây giờ, có thể nói rằng điều đó đã trở thành hiện thực”, chuyên gia này nhận định.

Ấn Độ và Trung Quốc từng nổ ra chiến tranh biên giới năm 1962, nhưng những thỏa thuận được hai bên đàm phán trong 25 năm sau đó đã giúp hạ nhiệt căng thẳng, tạo điều kiện cho hai bên thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại.

Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, quan hệ Ấn – Trung được cho là bước vào giai đoạn nồng ấm, khi thủ tướng Ấn Độ khi đó là Manmohan Singh có chuyến thăm ba ngày tới Bắc Kinh vào tháng 10/2013. Trong cuộc gặp ông Tập, ông Singh nói rằng Ấn – Trung “đang ở giai đoạn then chốt của phát triển, có lợi ích chung rộng lớn và tiềm năng hợp tác mạnh mẽ”. Ông Tập tuyên bố Trung Quốc luôn coi Ấn Độ là đối tác chiến lược tại châu Á.

Nhưng căng thẳng biên giới tiếp tục leo thang với các cuộc đối đầu quy mô nhỏ trong những năm sau đó giữa biên phòng hai nước. Ấn Độ và Trung Quốc, hai cường quốc ở châu Á, cũng cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt ở các nước Nam Á và trong các tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh đó, cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan không đơn giản là một cuộc tranh chấp, theo giới quan sát. Đây là lần đầu có người thiệt mạng trong 45 năm tranh chấp biên giới giữa hai nước và cũng là lần đầu có nổ súng trong nhiều thập kỷ. Đụng độ xảy ra ở nhiều địa điểm hơn, với quy mô lớn hơn và trong khoảng thời gian dài hơn các lần căng thẳng trước đó.

Bắc Kinh sau đó kêu gọi gạt khủng hoảng biên giới sang một bên và nối lại hợp tác ngoại giao, quốc phòng và kinh tế, khi quân đội hai nước đã rút khỏi một số điểm tranh chấp. Nhưng New Delhi muốn có những động thái giảm căng thẳng rõ ràng hơn, như phá dỡ doanh trại, cơ sở hạ tầng hai bên đã xây dựng ở biên giới tranh chấp.

“Ấn Độ coi hòa bình và ổn định ở biên giới là điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ bình thường với Trung Quốc”, Madan chia sẻ. Ông cho rằng Ấn Độ không tin rằng vấn đề biên giới có thể gạt sang một bên.

Thủ tướng Narendra Modi đã không gặp ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng trước, điều chưa từng xảy ra trước đây. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng không tiếp xúc song phương với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam aishankar khi cùng dự hội nghị BRICS ở New York gần đây.

Shi Jiangtao, bình luận viên kỳ cựu về chính trị Trung Quốc của SCMP, cho rằng đây là một tín hiệu rõ ràng rằng Ấn Độ chưa sẵn sàng quay lại hợp tác bình thường với Trung Quốc. “Nó cũng đặt câu hỏi liệu chính sách ngoại giao Trung Quốc có thực sự tập trung vào cải thiện quan hệ với các láng giềng như Ấn Độ hay không”, Shi viết.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến hồi tháng 9/2017. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến hồi tháng 9/2017. Ảnh: Reuters.

Quan chức và công chúng Ấn Độ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc sau cuộc đụng độ biên giới, tin rằng Bắc Kinh đặt ra thách thức cận kề và nghiêm trọng với quốc gia của họ. Xu hướng này đặt dấu chấm hết cho ý tưởng hai nước có thể giảm bớt căng thẳng thông qua các thỏa thuận biên giới và hợp tác sâu rộng hơn, đặc biệt là kinh tế.

Chính quyền Thủ tướng Modi đã chuyển từ tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh sang áp các hạn chế hoặc giám sát chặt chẽ hoạt động của các đối tác Trung Quốc ở Ấn Độ.

Họ đặt ra những hạn chế với đầu tư của Trung Quốc, quyền tiếp cận các hợp đồng mua sắm công của Ấn Độ và hoạt động của các công ty, tổ chức Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, viễn thông, xã hội dân sự và giáo dục.

Chính quyền các bang và công ty nhà nước Ấn Độ đã đình chỉ hoặc rút khỏi một số thỏa thuận với đối tác Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã cấm một số ứng dụng phổ biến của Trung Quốc như TikTok và loại các công ty viễn thông của Trung Quốc khỏi mạng lưới mạng 5G. Giới chức Ấn Độ đang nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm thuế hoặc truyền tải dữ liệu.

Căng thẳng với Bắc Kinh còn thúc đẩy New Delhi chuyển hướng sang hợp tác với các nước khác, đặc biệt là phương Tây. Chính phủ của ông Modi đã ký kết các thỏa thuận với Australia, Canada, Israel, Các Tiểu vương Arab Thống nhất (UAE), Anh và Liên minh châu Âu. Ấn Độ cũng tìm kiếm đầu tư lớn hơn từ các nguồn khác ngoài phương Tây, như ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Trung Đông.

Trong lĩnh vực đối ngoại, Ấn Độ liên kết mạnh mẽ hơn với các quốc gia phương Tây có thể củng cố vị thế của nước này về quốc phòng, an ninh kinh tế và công nghệ, như Australia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và Mỹ.

Ấn Độ từ lâu tìm cách duy trì quyền tự chủ chiến lược, từ chối bị kéo vào các liên minh. Tuy nhiên, New Delhi giờ đây bắt đầu bắt tay với các quốc gia khác để giải quyết những thách thức từ Trung Quốc.

Ấn Độ ký một thỏa thuận tình báo với Mỹ vào tháng 10/2020, tiến hành các cuộc diễn tập với quân đội Mỹ gần biên giới Trung – Ấn vào tháng này, tham gia nhóm Bộ Tứ cùng với Australia, Nhật Bản và Mỹ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Ấn Độ cũng tham gia một loạt cuộc tập trận hàng hải với các đối tác Bộ Tứ.

Ấn Độ trước đây thường tránh đả động tới các vấn đề Trung Quốc coi là nhạy cảm. Nhưng mọi thứ đang thay đổi, khi New Delhi gần đây đề cập tới các vấn đề về Tân Cương, căng thẳng ở eo biển Đài Loan, từ chối khẳng định chính sách “Một Trung Quốc” dù Bắc Kinh kêu gọi làm như vậy.

Đồng thời, Ấn Độ cũng kêu gọi kiềm chế và cảnh báo chống lại bất kỳ thay đổi hiện trạng đơn phương nào, sau khi Trung Quốc tổ chức loạt cuộc tập trận chưa từng có quanh đảo Đài Loan để phản ứng với chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8.

“Khủng hoảng biên giới đã khuyến khích Ấn Độ có cái nhìn tích cực hơn với sức mạnh và hiện diện của Mỹ ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương”, Madan cho biết.

Trong những năm gần đây, New Delhi đã hoan nghênh một thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Maldives, cho phép trinh sát cơ Mỹ tiếp nhiên liệu tại quần đảo Andaman ở Vịnh Bengal. Ấn Độ hiện hợp tác với Mỹ và các đối tác như Nhật Bản để cung cấp các giải pháp ngoại giao, an ninh, kinh tế, đồng thời đối phó ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các nước láng giềng Nam Á.

“Với những hành động ở biên giới năm 2020, Bắc Kinh đã làm đình trệ, nếu không muốn nói là đảo ngược, nhiều năm nỗ lực thắt chặt quan hệ với Ấn Độ. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện cho Ấn Độ tăng cường hợp tác với nhiều đối thủ của Trung Quốc”, bình luận viên Shi Jiangtao nhận định. “Điều này không mang lại bất cứ lợi ích gì cho Bắc Kinh”.

Theo Madan, những hành động gần đây của Ấn Độ cho thấy nước này đang vạch ra một tầm nhìn rất khác trong quan hệ với Trung Quốc, cho thấy cạnh tranh giữa hai cường quốc sẽ ngày càng tăng lên.

“Ấn Độ sẽ tự lèo lái con tàu của mình, theo hướng đối trọng với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới”, chuyên gia này nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới