Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhi ông Miller cảnh báo

Khi ông Miller cảnh báo

Cư dân các thành phố châu Âu có thể “bị đóng băng” trong đợt rét đỉnh điểm của mùa Đông năm nay. Đó là cảnh báo của ông Alexey Miller – Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom (Nga) tại sự kiện Tuần lễ Năng lượng Nga, 12/10.

Thiếu năng lượng sẽ khiến châu Âu bị “đóng băng” trong mùa đông

Không đợi tới cảnh báo của ông Miller, năng lượng cho châu Âu mới thành câu chuyện chẳng lành. Trước đó, chỉ ít lâu sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, nhiều nhà phân tích, nhà lãnh đạo quốc gia đã đưa ra những lo ngại về việc châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng.

Mối lo ngại ngày càng tăng với việc ngày 8/3, tổng thống Mỹ, ông Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.

Lệnh của người đứng đầu Nhà Trắng khiến giá dầu thô trên thị trường tăng dựng đứng, thậm chí có lúc tới 140 USD/thùng. Cả thế giới rúng động trước không phải một bóng ma mà là một thực tế phũ phàng khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Mỗi lo ngại đứt đoạn nguồn cung năng lượng khiến nội bộ EU phân tán, bất đồng. Còn hơn cả nội bộ, quan hệ EU-Mỹ cùng “sinh chuyện” khi Washington hối thúc các đồng minh Tây Âu tẩy chay năng lượng của Nga nhằm gây sức ép lên Kremlin.

Nói thì dễ, nhưng làm mới khó.

Mỹ cứ hô hào thế, nhưng giải pháp giúp các đồng minh châu Âu có nguồn năng lượng thay thế xem ra chẳng khả thi chút nào. Hay nói cách khác, hiện thực hóa các phương án thay thế nguồn năng lượng từ Nga còn là câu chuyện của tương lai trong khi năng lượng là cầu của thực tại. Chẳng ai đói mà có thể chờ tới hàng năm mới có đồ ăn. Một châu Âu phụ thuộc tới 70% năng lượng Nga, đâu thể là chuyện đùa. Một cường quốc như Đức, khí đốt do Nga cung cấp lâu này chiếm tới 60% sản lượng, ngay lúc này, việc thay thế nguồn cung càng là điều không thể.

Các nền kinh tế quy mô nhỏ hơn, như Ý, Ba Lan cũng phụ thuộc nguồn năng lượng từ Nga lần lượt là 40 và 70%. Thậm chí, với Slovakia, con số đó là 90%…

Chính thế, ngay từ đầu, bộ trưởng bộ Năng lượng Đức đã phản đối lệnh cấm vận nhập khẩu năng lượng của Mỹ. Một số quốc gia đồng minh khác không ra mặt cãi Mỹ, nhưng tìm cách trì hoãn, nấn ná hoặc thực thi một cách trễ nải, câu giờ…

Đó là câu chuyện hồi tháng ba. Tháng ba, mùa đông còn xa lắc mà đã phức tạp thế. Tới thời điểm này, khi mùa đông ập về, câu chuyện năng lượng càng trở nên ồn ào.

Nga là bên bị cấm vận bán năng lượng, tưởng rơi vào thế bí, phải hốt hoảng, vậy mà xem chừng, lại là bên nắm thế chủ động. Ít đôi chối những cáo buộc từ phương Tây nhằm vào mình, nhưng những sự cố đường ống vận chuyển năng lượng gần đây khiến các quốc gia không thể loại bỏ nghi ngờ rằng Nga là thủ phạm.

Nghi ngờ càng tăng cao khi Nga tỏ ra không mấy hào hứng, cứ đủng đỉnh với việc tiếp nhận các thiết bị sửa chữa đường ống bơm khí đốt, bơm dầu sang châu Âu trong khi đối tác thì săn đón, sốt sắng hết mực.

Hẳn rồi, hẳn là Moscow cố tình làm thế để Tây Âu biết “thế nào là lễ độ”.

Nói cách khác, dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, tình thế không lường được trên chiến trường do sự kháng cự và trả đòn tấn công của Kiev, Kremlin, thời điểm này đôi lúc vẫn có thể còn vừa cười vừa nhấm nháp cái cảm giác chứng kiến những quốc gia châu Âu nghe lệnh Mỹ, tới lúc này sa vào thảm cảnh tê tái, rét cóng trong mùa đông. Một ngày thiếu tới 800 triệu m³ khí đốt, bằng 1/3 nhu cầu kia mà, không run rẩy sao được?

Thực tế khắc nghiệt đã và đang nếm trải; những cuộc biểu tình hàng chục nghìn người phản đối giá năng lượng leo thang và quy trách nhiệm cho chính phủ, giờ lại thêm lời đe nẹt của ông Alexey Miller…, rất có thể các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu, tới lúc này, không thể chần chừ được nữa trước việc trả lời câu hỏi có nên tiếp tục theo Mỹ làm căng thẳng thêm với Nga trong vấn đề năng lượng hay không?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới