Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaNuôi trẻ ở TQ đắt hơn Mỹ khá nhiều

Nuôi trẻ ở TQ đắt hơn Mỹ khá nhiều

Một nghiên cứu gần đây cho thấy việc nuôi dạy trẻ ở Trung Quốc tốn kém hơn nhiều so với ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, tiền bạc chỉ là một nửa vấn đề.

Thống kê: Nuôi dạy trẻ ở Trung Quốc tốn kém hơn nhiều so với ở Mỹ

Theo báo cáo năm 2022 do Viện Nghiên cứu Dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh công bố, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến 18 tuổi ở Trung Quốc, bao gồm tất cả mọi thứ, từ chi phí liên quan đến thai nghén cho đến học phí, lên tới 485.000 nhân dân tệ (khoảng 1,8 tỷ VND), gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người của Trung Quốc.

Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ dừng ở con số 2,08 lần ở Úc, 2,24 lần ở Pháp, 2,91 lần ở Thụy Điển, 3,64 lần ở Đức, 4,11 lần ở Hoa Kỳ và 4,26 lần ở Nhật Bản. Chi phí chăm sóc trẻ em của Trung Quốc, ở mức 6,9 lần GDP bình quân đầu người, gần như là cao nhất trên thế giới. Báo cáo ước tính rằng Trung Quốc cần chi 5% GDP mỗi năm để giảm chi phí nuôi dạy trẻ xuống tới mức của các nước phát triển.

Chi phí nuôi dạy con cái ở thành phố gần gấp đôi so với vùng nông thôn. Thượng Hải đứng đầu trong số tất cả các thành phố với chi phí trung bình lên tới 1,03 triệu nhân dân tệ (hơn 3,5 tỷ VND), tiếp theo là Bắc Kinh với 969.000 nhân dân tệ (gần 3,3 tỷ VND).

Báo cáo cho biết gánh nặng tài chính là lý do hàng đầu giải thích cho việc phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không muốn sinh con. Bất chấp việc Bắc Kinh hủy bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2016, mức độ sẵn sàng có con của giới trẻ vẫn tiếp tục giảm, cụ thể, phụ nữ trong độ tuổi sinh con có kế hoạch chỉ sinh trung bình 1,76 trẻ vào năm 2017, 1,73 trẻ vào năm 2019 và 1,64 trẻ vào năm 2021. Gần đây, chính sách không COVID hà khắc của Bắc Kinh có thể đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn khi các đợt đóng cửa đã cản trở việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ.

Trong khi đó, dữ liệu từ Bộ Dân sự cho thấy có tổng cộng 8,14 triệu cuộc hôn nhân được đăng ký vào năm 2020, ít hơn 1,13 triệu so với năm 2019. Đây cũng là năm giảm thứ bảy liên tiếp kể từ năm 2013.

Với số trẻ sơ sinh chạm mức thấp nhất kể từ năm 1949, ở mức 10,62 triệu vào năm 2021, tổng tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ là 1,15, không phải là thấp nhất thế giới nhưng cũng thấp hơn nhiều so với Nhật Bản – quốc gia vốn nổi tiếng với tỷ lệ sinh thấp và sự già hóa dân số đáng báo động.

Chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc là bao nhiêu?

Reuters từng đưa ra bức tranh toàn cầu về chi phí nuôi dạy con cái ở các thành phố lớn của Trung Quốc, từ chi phí cho bà mẹ đến nhà ở và giáo dục. Theo hãng tin này, do các dịch vụ công thường có nguồn lực eo hẹp và khả năng tiếp cận hạn chế, nhiều hộ gia đình phải chuyển sang dịch vụ tư nhân với giá cao.

Ví dụ: các phòng khám tư nhân có thể tính phí sinh con hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 340 triệu VND), trong khi GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 2020 là khoảng 10.500 USD (khoảng 250 triệu VND). Tiếp theo, việc thuê bảo mẫu tại nhà, hoặc hộ lý trong tháng (yuesao), để chăm sóc bà mẹ và em bé trong tháng đầu tiên có giá khoảng 15.000 nhân dân tệ (khoảng 51 triệu).

Các bậc cha mẹ Trung Quốc sẽ mua sữa công thức nhập khẩu từ Úc và New Zealand để đảm bảo an toàn cho con của mình.

Theo Reuters, phụ huynh sẽ tìm kiếm một nơi để định cư gần các trung tâm giáo dục tốt nhất trong khả năng tài chính của mình. Quận Hải Điến – Bắc Kinh là một trong những quận được ưa thích nhất, nơi chi phí nhà ở đạt mức trung bình hơn 90.000 nhân dân tệ (khoảng 305 triệu VND) mỗi mét vuông, có lẽ tương đương với giá trung bình ở Manhattan.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng lưu ý rằng tại các siêu đô thị, phần lớn chi phí nuôi dạy trẻ nằm ở giá nhà ở, điều này giải thích đáng kể tỷ lệ sinh thấp ở các nơi này. Tổng tỷ suất sinh ở Trung Quốc vào năm 2020 là 1,3, nhưng các con số chỉ là 0,74 và 0,87 ở Thượng Hải và Bắc Kinh, thấp nhất trong số các thành phố lớn trên thế giới.

Theo Reuters, những trẻ em không có giấy phép cư trú hoặc hộ khẩu không đủ điều kiện vào các trường công lập và phải trả 40.000 đến 250.000 nhân dân tệ (khoảng 136- 849 triệu VND) mỗi năm để học trường tư.

Với việc gia đình một con đang trở thành một chuẩn mực xã hội, các bậc cha mẹ hẳn sẽ đăng ký cho đứa con duy nhất của mình đi học thêm và tham gia các lớp ngoại ngữ như piano, tennis hoặc cờ vua.

Nikkei Asia đưa tin về câu chuyện của Peter Pan, 27 tuổi, một ứng cử tiến sỹ khoa học máy tính hiện đang có làm việc tại Đức. Lớn lên ở tỉnh Chiết Giang, tuổi thơ của Pan đã trải qua một lịch học hà khắc ở trường tiểu học, với 6 buổi học sau giờ học, bởi vì có thành tích ngoại khóa sẽ được cộng điểm cho kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở. Pan không bao giờ có một ngày cuối tuần rảnh rỗi, kể cả nghỉ đông hay nghỉ hè.

Theo Reuters, một báo cáo của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải năm 2019 tiết lộ rằng một gia đình có thu nhập trung bình ở quận Tĩnh An thời thượng của Thượng Hải sẽ phải chi khoảng 840.000 nhân dân tệ (khoảng 2,9 tỷ VND) cho mỗi đứa trẻ từ giai đoạn sơ sinh đến trung học cơ sở, thường kết thúc ở tuổi 15, chỉ riêng chi phí giáo dục đã là 510.000 nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỷ VND). Các gia đình có thu nhập thấp ở các quận Tĩnh An và Mẫn Hàng (Thượng Hải) với thu nhập hàng năm dưới 50.000 nhân dân tệ (khoảng 170 triệu VND) cũng phải chi hơn 70% thu nhập cho đứa trẻ.

Trần Huệ Quyên là một giáo viên trung học sống ở Tô Châu, phía đông tỉnh Giang Tô. Theo CNN, cô đã trả 737 đô-la (5.000 nhân dân tệ, khoảng 17 triệu VND) một tháng – tất cả tiền lương hàng tháng của cô – để gửi cậu con trai 2 tuổi của mình đến một trung tâm giữ trẻ song ngữ. Tất cả các chi phí khác của gia đình, bao gồm cả sữa bột trẻ em nước ngoài và đồ chơi giáo dục cho Xiyan, đứa con duy nhất của cô, đều dựa vào thu nhập của chồng cô. Bà mẹ trẻ bị mất niềm tin vào thực phẩm Trung Quốc nên đã cho con trai ăn thịt bò, cá tuyết và cá hồi nhập khẩu. Trước 2 tuổi, Xiyan đã bị các bệnh về đường ruột và dạ dày, phải đến bệnh viện hàng tháng. Cô Trần đã phải đưa hối lộ cho chuyên gia y tế để đảm bảo con trai được chăm sóc tốt nhất.

Câu chuyện xa hơn

Nuôi dạy con cái rất tốn kém, nhưng các gia đình vẫn sẵn sàng nếu chắc chắn rằng sự đầu tư của họ đem đến quả ngọt xứng đáng. Tuy nhiên, đối với các bậc cha mẹ hiện tại và tương lai, mức độ bấp bênh cao và chi phí bất ngờ trong xã hội ngày nay đã và đang phá hoại ước muốn về một ngôi nhà tràn ngập nụ cười của trẻ thơ.

Trong thời gian phong tỏa vào tháng 4 và tháng 5, khẩu hiệu (hashtag) “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng” đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Nó xuất phát từ một đoạn video cho thấy các nhân viên của ủy ban khu dân cư và cảnh sát trong trang phục bảo hộ đầy đủ, đã yêu cầu những người hàng xóm của một bệnh nhân dương tính với COVID đều phải đi cách ly. Người thanh niên mở cửa trả lời rằng kết quả xét nghiệm axit nucleic của cả gia đình đều âm tính,vì vậy cảnh sát không có quyền bắt ép họ đi.

Cảnh sát sau đó chỉ vào anh ta và đe dọa: “Nếu anh không chịu đi, anh sẽ bị cảnh sát phạt. Hình phạt này sẽ ảnh hưởng đến ba đời nhà anh”. Người đàn ông trả lời: “Vậy đây sẽ là thế hệ cuối cùng của gia đình tôi, cảm ơn”.

Đoạn video này được đông đảo giới trẻ Trung Quốc đồng tình. Theo Reuters, Claire Jiang, 30 tuổi, làm việc trong ngành truyền thông, cho biết cô không còn muốn có con sau khi chứng kiến ​​vụ phong tỏa ở Thượng Hải.

Jiang nói: “Tôi chắc chắn không muốn các con mình phải sống trong cảnh bấp bênh ở một đất nước mà chính phủ có thể đến tận cửa nhà dân và làm bất cứ điều gì họ muốn”.

Trong thời gian phong tỏa, mọi người có thể bị mất thu nhập và bị hạn chế tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay thực phẩm. Chính quyền thậm chí còn táo bạo đột nhập vào nhà dân và buộc người dân vào các lều cách ly, cả người già và trẻ em không có người chăm nom. Ở đỉnh điểm của đại dịch, chính quyền Trung Quốc thậm chí còn đưa ra quyết định ngớ ngẩn rằng nếu “một người dương tính, cả tòa nhà sẽ bị cô lập”.

Điều này gợi lại những khẩu hiệu được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra rả trong thời kỳ thực hiện chính sách một con: “Một người sinh vượt mức, cả thôn thắt ống dẫn tinh/dẫn trứng!”, hay “Thà thêm mười ngôi mộ chứ không để thêm một người!”… Cuốn sách Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta đã chỉ ra: “Phạt nặng, tịch biên tài sản, khám xét nhà, đánh đập, giam giữ trái phép v.v. là những thủ đoạn thường dùng của Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình. Một số địa phương thậm chí còn có việc nhân viên Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình vứt đứa bé sơ sinh xuống ruộng lúa nước cho chết đuối, chuyện những phụ nữ sắp sinh bị ép phá thai cũng chẳng có gì lạ”.

“Năm 2013, Bộ Y tế của chính quyền công bố số liệu tiết lộ rằng ít nhất 336 triệu ca phá thai đã được thực hiện ở Trung Quốc kể từ năm 1971. Chính sách một con bắt đầu vào năm 1979, nghĩa là trong hơn 30 năm qua, vài triệu trẻ em chưa ra đời đã bị ĐCSTQ sát hại hàng năm”.

Ngày nay, đối mặt với tình trạng dân số đang giảm nhanh chóng, đe dọa tới tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự, ĐCSTQ đã quay ngoắt 180 độ và áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để tăng tỷ lệ sinh, nhưng bản chất vẫn như cũ. ĐCSTQ tuân theo thuyết duy vật của Mác, cho rằng việc sinh con cũng giống như việc luyện thép, trồng trọt, đều là sản sinh ra vật chất, vậy thì kinh tế kế hoạch tất nhiên cũng có thể mở rộng thành sinh đẻ kế hoạch. Mao Trạch Đông cho rằng: “Con người phải kiểm soát chính mình, dân số phải tăng trưởng có kế hoạch, có lúc phải điều tiết cho dân số tăng một chút, hoặc phải dừng lại một chút”.

Tuy nhiên, như tiêu đề một báo cáo của CNN, ngày nay, tạm dịch: “Các cặp vợ chồng Trung Quốc không thể có con thứ hai, cho dù Bắc Kinh muốn gì đi chăng nữa”. Có lẽ, nếu thị trường Trung Quốc không tràn ngập sữa giả và thực phẩm độc hại, nếu giá nhà đất không bị thổi lên mức cao ngất ngưởng như vậy, nếu khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục có chất lượng dễ dàng và ổn định, thì các cặp vợ chồng Trung Quốc có lẽ sẽ rất mong muốn có thêm con. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ diễn ra các phong trào chính trị của ĐCSTQ và sự phá hủy các giá trị truyền thống, ngày nay, tư tưởng vô nhân đạo, coi thường mạng sống con người và theo đuổi lợi ích vật chất bằng mọi giá đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc.

Vào năm 2011, Vương Duyệt, một bé gái hai tuổi người Trung Quốc, khi đang chập chững đi trên một con phố hẹp của Phật Sơn ở tỉnh Quảng Đông, đã bị một xe hơi màu trắng tông phải, tài xế đã bỏ mặc em bé đang chảy máu lênh láng. Đoạn video an ninh ghi lại cho thấy hơn chục người đang đi bộ hoặc lái xe qua bé gái vào thời điểm đó, một số hiếu kỳ nhìn chằm chằm cô bé trước khi bỏ đi. Vài phút sau, một chiếc xe tải nhỏ tiếp tục cán nát đôi chân của Vương Duyệt. May thay, một phụ nữ nhặt rác đã nghe được tiếng kêu cứu của bé Duyệt và đưa bé vào bên đường. Đến lúc này, mẹ của bé, một công nhân nhập cư, mới phát hiện con mình gặp nạn.

Trong video, có thể thấy dường như bé Duyệt đã gào khóc, ôm đầu, khẽ cử động tay chân và chảy rất nhiều máu. Mặc dù đã được đưa đến bệnh viện để điều trị nhưng bé đã bị thương quá nặng và qua đời sau hơn một tuần.

Như Reuters đưa tin, cả hai tài xế nghiến qua bé gái đều đã bị bắt giữ, nhưng người dùng Internet cũng không ngừng chỉ trích sự vô tâm của những người đã bỏ mặc cô bé.

Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến

Câu chuyện về Vương Duyệt thật thương tâm, nhưng có lẽ vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một đứa trẻ lớn lên ở Trung Quốc đại lục.

Nhà bất đồng chính kiến ​​người Trung Quốc Yao Cheng, một tình nguyện viên của Women’s Rights in China có trụ sở tại New York, tiết lộ rằng, theo thống kê do tổ chức phi lợi nhuận Trung Quốc tổng hợp, ước tính có khoảng 70.000 trẻ em bị bắt cóc hàng năm, chưa tính đến những trẻ bị bỏ rơi. Những đứa trẻ đáng thương đó sau khi bị mua về sẽ trở thành cô dâu nhí – khi đứa trẻ đến độ tuổi thích hợp, sẽ phải kết hôn với một người trong gia đình đó, hoặc trở thành gái mại dâm, thậm chí là bị đưa đi mổ cướp tạng.

Ông Yao nhớ lại đã từng chứng kiến ​​ở Sán Đầu, Quảng Đông những chiếc giường dành cho các bé trai và bé gái bị đưa đến Đông Nam Á để mổ cướp nội tạng. Ông Yao nói rằng bất chấp tất cả các bằng chứng mà ông đã thu thập được, cảnh sát vẫn từ chối điều tra hoặc có bất kỳ hành động nào để trấn áp tội phạm.

Ông Yao nói rằng cảnh sát Trung Quốc chỉ giỏi trong việc truy bắt đối tượng “thù địch” của nhà nước, còn với nhóm buôn người thì họ không ra tay, bởi vì nhiều cảnh sát cũng tham gia vào các hoạt động phi pháp này, tạo thành một chuỗi công nghiệp siêu lợi nhuận. Ông cũng cho rằng các quan chức cấp cao trong ĐCSTQ đã chống lưng cho những kế hoạch vô nhân đạo này vì một số người trong số họ đã thực hiện cấy ghép nội tạng. “Tại sao nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, được cho là sức khỏe yếu sau khi trải qua các cuộc chiến và những khó khăn gian khổ thời đầu, lại có thể sống đến độ tuổi 90-100?”, ông Yao đặt nghi vấn. “Hãy nhìn Giang Trạch Dân, ông ta đã gần 100 tuổi. Nhu cầu nội tạng ở thị trường Trung Quốc hẳn cũng rất cao”.

Những lời buộc tội của Yao không phải là vô căn cứ. Vào năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua H.Res.343, một mục trong bày tỏ quan ngại trước “các báo cáo liên tục và đáng tin cậy về hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống và được nhà nước bảo trợ từ tù nhân lương tâm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, mà đa phần là các học viên Pháp Luân Công.

Một cư dân mạng Trung Quốc đã bình luận về các cuộc biểu tình của những người gửi tiền đang rơi vào tuyệt vọng ở Trịnh Châu: “Lạnh sống lưng, đây là một xã hội mà chúng ta không thể nhìn thấy ánh sáng”. Đúng vậy, không chỉ những người gửi tiền đã tiết kiệm cả đời để giờ đây lâm vào nguy hiểm và bị cảnh sát đánh đập này, dưới sự thống trị của ĐCSTQ, các bậc cha mẹ và con cái của họ cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Tuy nhiên, chúng ta luôn có quyền hy vọng. Trong khi người dân Trung Quốc đã bắt đầu lên tiếng và đòi hỏi quyền lợi hợp pháp, thế giới cũng cần cảnh giác với những nguy cơ và thúc đẩy các nhà lãnh đạo sớm thông qua luật và buộc những người hoặc những quốc gia có hành vi tàn bạo đối với trẻ em phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới