Thursday, November 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVề sự “kiên nhẫn chiến lược của Mỹ”

Về sự “kiên nhẫn chiến lược của Mỹ”

Bao giờ Mỹ và Việt Nam nâng tầm quan hệ lên “Đối tác chiến lược”? Câu hỏi ấy hoàn toàn phụ thuộc Hà Nội. Một điều mà các nhà phân tích rất quan tâm là Washington  sẽ kiên nhẫn chờ đợi đến bao giờ?

Hôm 20/10, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ, ông John Kerry,đã đến Hà Nội.Và dự kiến Chủ tịch Thượng viện Patrick Leahy sẽ dẫn đầu phái đoànthăm Việt Nam trong 5 ngày, từ 27/10 đến 2/11.  Đây cũng là dịp để hai bên tiếp tục thảo luận về việc nâng cấp quan hệ từ “Đối tác toàn diện” lên “Đối tác chiến lược”.

Điều khiến cho chính quyền Hà Nội lo ngại nhất là, nâng cấp quan hệ với Mỹ thì sẽ bị Trung Quốc gây khó dễ. Điều này không phải yếu tố chủ quan mà do vị thế địa-chính trị Việt Nam – Trung Quốc tự bao đời nay.    

Cựu Đại sứ Daniel Kritenbrink từng phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 2/7/2020: “Mỹ quan tâm hơn đến việc xây dựng lòng tin giữa hai nước, đến việc làm sao để quan hệ kinh tế thương mại song phương cân bằng, tự do và có đi có lại. Mỹ cũng quan tâm đến hợp tác quốc phòng và các ưu tiên của hai nước trên biển Đông và sông Mekong”.  

Còn nhớ trong chuyến thăm hồi đầu năm 2022, sau khi thăm Đồng bằng sông Cửu Long, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hà Nội, trao đổi ý kiến về việc xây dựng sự đồng thuận để giải quyết khủng hoảng khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.

Ông Kerry đã tiếp kiến Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc để trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Ông Phúc nhấn mạnh, Việt Nam coi vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác mang tầm chiến lược giữa hai nước.

Như vậy, ông Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã khéo léo đề cập khía cạnh  quan hệ “chiến lược” trong quan hệ đối tác. Ông Phúc nói, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ tài chính, kỹ thuật giúp Việt Nam thực hiện cam kết tại COP-26, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với một số đối tác, trong đó có Mỹ.

Chuyến thăm lần này của ông John Kerry diễn ra trong bối cảnh Mỹ  vừa công bố  Chiến lược An ninh quốc gia. Một điểm nhấn của chiến lược là, qua chiến lược này, Mỹ sẽ muốn tìm giải pháp khả thi kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác với đồng minh và đối tác để giải quyết các thách thức mà các nước dân chủ phải đối mặt.

Một câu hỏi khác đặt ra, trước khi về hưu, tại sao Chủ tịch Thượng viện Patrick Leahy lại dẫn một phái đoàn hùng hậu thăm Việt Nam vào cuối tháng 10 này?  Xin lưu ý, Leahy là một nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ. Ông là người cùng thời với John MacCain. Họ là những chính khách có tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam, luôn hết lòng, hết sức vun xới cho các mối liên hệ chiến lược giữa hai quốc gia Mỹ và Việt Nam.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Mỹ vẫn tiếp tục tăng tốc trong việc cử các quan chức cấp cao sang thăm, làm việc với Việt Nam. Phải chăng đây là một cách để khẳng định sự kiên nhẫn chiến lược của Nhà Trắng? Cho dù tới đây cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới đạt kết quả như thế nào, thì việc khuyến khích Việt Nam giữ vài trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) vẫn là một chính sách được cả hai đảng  Dân chủ và  Cộng hòa ủng hộ.

Trong lần trở lại thăm Lào và Việt Nam hồi tháng 10 vừa qua, ông Kritenbrink từng nói dứt khoát rằng: “Chúng tôi muốn gửi đi tín hiệu không đòi hỏi bất kỳ quốc gia nào phải chọn bên, mà chúng tôi nỗ lực để bảo đảm các quốc gia có thể đưa ra quyết định của mình mà không phải chịu bất kỳ sự cưỡng ép nào”.

Nhìn lại quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, có thể thấy, chủ trương chính sách của Mỹ khá nhất quán. Chẳng hạn, về vấn đề Biển Đông, những cuộc tuần tra để khẳng dịnh tự do hàng hải (FONOB) ngày càng mạnh mẽ. Tàu chiến Mỹ đã tiến sát dưới 12 hải lý cạnh những đảo đá mà Trung Quốc chiếm giữ  của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Có một câu hỏi cần câu trả lời thỏa đáng, rằng, cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Trung Quốc và Nga; quan hệ “Đối tác chiến lược” (SP) với hai nước Anh và Pháp; quan hệ “SP” với 17 quốc gia khác, vậy tại sao quan hệ của nước này với Hoa Kỳ vẫn bị ngáng trở?

Thật là vô lý khi Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 của Việt Nam với gần 10 tỷ USD đầu tư hàng năm. Hai nước cũng có những tiến triển mạnh mẽ về quan hệ quốc phòng. Thêm nữa, lập trường ngày càng kiên định của Washington về các tranh chấp ở Biển Đông đã mang lại lợi ích không nhỏ cho Việt Nam.

Lại còn những thách thức vô cùng to lớn về an ninh nguồn nước, về  lương thực do các đập lớn trên sông Mekong gây ra. Cần nói rõ rằng, Việt Nam đã được hưởng lợi lớn từ các sáng kiến của Washington về sông Mekong, nhằm giúp thúc đẩy nghề cá bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

“Kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ vẫn đang được duy trì. Và nó có thành hiện thực hay không phải từ hai phía. Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Mỹ dứt khoát không phải là chọn phe. Đó chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Và mục đích tối thượng là Việt Nam chọn sự  hòa bình, ổn định và phát triển đất nước.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới