Saturday, May 4, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCOC: bài toán đã có lời giải?

COC: bài toán đã có lời giải?

 Việc ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và đang tiến tới bản dự thảo thứ hai, khiến dư luận vơi đi phần nào nỗi lo canh cánh lâu nay. Nhưng…

Thông tin trên do chính Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Ho đưa ra mới đây.

Thế thì thực rồi: bước tiến sau một dự thảo khung đạt được từ tháng 8/2017. Nghĩa là, với kết quả này, thông báo của ông Lim Jock Ho được hiểu là mang tính thực chất, có gì nói đấy, chứ không là những lời trấn an sáo rỗng trước những diễn biến ngày một căng thẳng thêm trên Biển Đông mà nguyên nhân, chủ yếu những hành vi ngang ngược của Trung Quốc khẳng định yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn”.

Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Ho

Chính thế, nó khiến dư luận có phần thở phào nhẹ nhõm.

Trước đây, những nhà ngoại giao Trung Quốc cũng từng đưa ra tuyên bố lạc quan về tiến trình thúc đẩy đàm phán COC, nhất là khi họ muốn tranh thủ vận động dư luận quốc tế phục vụ cho những toan tính thực dụng. Trong chuyến công du 5 nước  Đông Nam Á tháng 7 năm nay, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Malaysia Saifuddin Abdullah, ngoại trưởng Vương Nghị đã khẳng định: Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc tham vấn về COC, và làm việc với tất cả các bên liên quan trong việc tạo ra vùng biển hòa bình và hợp tác.

Thời điểm đó, tuyên bố của một nhân vật quan trọng của Trung Nam Hải như ông Vương Nghị lẽ ra phải khiến dư luận phấn khởi. Vậy mà, nó chỉ càng khiến có thêm nhiều người hoài nghi.

Hoài nghi bởi trong con mắt dư luận, ông Vương như một nhà ngoại giao cáo già, lắm mưu nhiều mẹo gắn với những phát ngôn đầu lưỡi. Nghe theo ông ta, họa “đổ thóc giống ra mà xay…”.

Thì đấy, cứ nhìn vào những gì diễn ra trên Biển Đông với những cuộc tập trận liên hồi, quy mô ngày một lớn, thời gian ngày một dài, súng đạn ngày một tối tân…do Trung Quốc triển khai thì biết, cái sự xa cách giữa nói và làm của Bắc Kinh mênh mông khôn cùng, còn quá cả cái mênh mông của Biển Đông. Thêm một lời hữa hão nữa của người đàn ông này, cái được của dư luận có thể chỉ là thêm một lần mất niềm tin.

Thế nên, với nhiều người, sự lạc quan sau lời tuyên bố của ông Tổng thư ký ASEAN “ngắn chẳng tầy gang” để mau chóng trở về với thực trạng một Biển Đông còn lâu mới bình lặng, êm ả. Với họ, câu hỏi đặt ra là: hoàn thành bản dự thảo đầu tiên COC, phải chăng, những vấn đề mấu chốt, vướng mắc nhất trong tranh chấp Biển Đông đã được hóa giải?  

Cái sự “khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh việc thực hiện tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)” của hai bên (Trung Quốc và ASEAN – như lời bà Lê Thị Thu Hằng – phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh trong cuộc họp báo quốc tế ngày 20/10 – thì ai chẳng biết và có gì mới đâu?

Trong cuộc tranh chấp Biển Đông liên quan “5 nước 6 bên”, chẳng bên nào là không khăng khăng quyền lợi của mình là chính đáng, là có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý; mình là bên đầy thiện chí…

Điểm xung đột nhất là câu chuyện “đường 9 đoạn” là việc Trung Quốc luôn lấy đó làm “vấn đề có tính nguyên tắc”, “không thể nhân nhượng”, yêu cầu các bên liên quan phải chấp nhận, trước khi bàn tới những vấn đề “râu ria” khác.

Éo le thay, đây cũng chính là nội dung mà các bên còn lại, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia phản bác quyết liệt nhất, và cũng khẳng định là “không thể nhân nhượng”. Nếu công nhận yêu sách phi lý của Trung Quốc, thì Biển Đông coi như hết chuyện, hà tất cần đến DOC hay COC?

Thậm chí, “đường 9 đoạn” là nguồn cơn để Philippines, cách đây 10 năm, không thể chịu đựng hơn nữa, đã khởi kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài (PCA) và thành bên thắng kiện với Phán quyết PCA tháng 7/2016. Tuy nhiên, nó đã bị Trung Quốc gạt đi phũ phàng bất chấp họ là bên thò bút ký Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

 Với một hành động như thế, liệu có thể tin Bắc Kinh là thiện chí?

Vậy nên, thời điểm này, tuyên bố có phần lạc quan của ông Dato Lim Jock Ho khó có thể thuyết phục được dư luận.

 Nếu thực sự COC đang trên đà chuyển động tích cực, chỉ có thể có hai khả năng: hoặc là Trung Quốc từ bỏ dã tâm nuốt gọn Biển Đông; hoặc là “4 nước 5 bên” liên quan chịu thua trước sức mạnh cơ bắp của Trung Quốc – đồng nghĩa với cay đắng cam chịu mất chủ quyền, lợi ích – một bằng chứng cho sự lên ngôi tuyệt đối của chủ nghĩa cường quyền?

Nhưng hai khả năng hóa giải bài toán Biển Đông nan giải ấy, ai cũng hiểu, còn lâu mới xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới