Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga trả đũa vụ phá hoại đường ống Nord Stream?

Nga trả đũa vụ phá hoại đường ống Nord Stream?

Một tin tức rất thú vị đã được quân đội Pháp công bố mấy hôm trước: Vào ngày 29/9, các tàu chiến của Pháp đã xua đuổi chiếc tàu ngầm diesel-điện có tên “Novorossiysk” của Hải quân Nga ở Vịnh Biscay, hành động này do tàu kéo “Sergei Bark” tháp tùng (nhưng không nói rõ liệu tàu ngầm Nga có đi vào lãnh hải của Pháp hay không).

Hình ảnh mô phỏng vụ Nga thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống vệ tinh

Có thể thấy, sự kiện này xảy ra 3 ngày sau khi tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga tới châu Âu bị phá hoại. Phương Tây đang suy đoán về những lý do dẫn đến sự hiện diện của chiếc tàu ngầm Nga trong khu vực. Kết luận là “Novorossiysk” đang tìm kiếm các đường cáp ngầm tại khu vực để chuẩn bị tiến hành “đòn trả đũa” phương Tây vì đã phá hoại tuyến đường ống Nord Stream. Điều thú vị là cùng ngày với thông tin về hoạt động của tàu ngầm Nga, vệ tinh Starlink của Elon Musk cũng được cho là đã bị Nga chủ động tấn công, và Công ty SpaceX đã phải chi rất nhiều tiền để bảo vệ chúng. Musk không tiết lộ thông tin chi tiết, nhưng cho biết hệ thống Starlink có nguy cơ bị phá hủy.

Những tin tức trên dường như cho thấy Nga đang tiến hành một cuộc “chiến tranh hữu tuyến” theo kiểu du kích thực sự tấn công các tuyến đường dây thông tin liên lạc ở đây chống lại các nước thù địch. Nhưng sự thực có đúng như thế? Trong tình hình chính trị hiện nay, một cuộc tấn công như vậy của Nga được xem là hoàn toàn chính đáng và họ cũng có khả năng về mặt công nghệ để tiến hành.

Vào ngày 15/11 năm ngoái, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã tiến hành thử nghiệm thành công một tên lửa chống vệ tinh, bắn trúng một vệ tinh cũ của Liên Xô không còn sử dụng ở độ cao 550 km. Trước đó, vụ va chạm của vệ tinh Cosmos-2251 với vệ tinh Iridium Communicationscủa Mỹ xảy ra vào năm 2009 cũng được một số người cho là không phải ngẫu nhiên mà đây là vụ đâm va vệ tinh đầu tiên được điều khiển bằng tay.

Cuối cùng, vào ngày 4/10 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga đã chính thức công bố một số vụ “thử nghiệm” trên quỹ đạo với tàu vũ trụ của các nước thứ ba, nhưng không nêu chi tiết. Ít nhất có thể giả định rằng khả năng cưỡng bức kéo vệ tinh của người khác “bằng cánh tay” đến một quỹ đạo khác đã được thực hiện: Vào tháng 1 năm nay, vệ tinh “Shijian-21” của Trung Quốc đã kéo thành công vệ tinh Beidou-2 G2 của họ không còn hoạt động; vụ việc đã được Trung Quốc và cả Mỹ xác nhận.

Về việc Nga có tấn công các vệ tinh Starlink hay không thì vẫn chưa qua kiểm nghiệm thực tế nên rất khó nói, đặc biệt là vì bản thân Elon Musk vẫn nổi tiếng là người thích “ăn to nói lớn”. Lời phàn nàn của ông có thể không phải là những lời nói suông, nhưng rất có thể, đó không phải là một nỗ lực của Nga “chiếm quyền điều khiển” hoặc phá hủy vệ tinh, mà là một cuộc tấn công mạng quy mô lớn vào Starlink, những hành động có thể dẫn đến sự phá hoại nghiêm trọng.

Một số người cho rằng việc phá hoại Nord Stream hoặc cáp quang dưới nước cũng đơn giản như phá hoại đường cao tốc, nhưng thực tế không phải vậy. Các cuộc tấn công hiệu quả nhằm vào cơ sở hạ tầng dưới nước đòi hỏi phải giải quyết một số thách thức về công nghệ. Ít nhất cần phải tạo ra những loại đạn dược có thể hoạt động rất chính xác dưới nước sâu, và làm thế nào để tìm thấy những sợi cáp xuyên lục địa dưới đáy biển sâu tăm tối cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Các chuyên gia cho rằng, tàu ngầm Nga có thể không có khả năng này. Điều quan trọng nhất là, người Nga không cần làm điều này mà chỉ cần kiểm soát trên mặt đất.

Vì vậy, tại sao Mỹ lại cường điệu sự kiện này? Câu trả lời rõ ràng nhất là Mỹ và phương Tây cần duy trì “mối đe dọa từ Nga”; đó cũng là một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý theo một cách nào đó khỏi Nord Stream, hay nói đúng hơn là một cuộc điều tra liệu có phải Mỹ đã tiến hành phá hoại hay không.

Mối quan tâm thực sự của người Mỹ là sự ổn định của hệ thống thông tin liên lạc của quân đội Ukraine. Vấn đề chính của các hệ thống Ukraine này – pháo binh Ukraine thực tế sử dụng “Krapiva”, trước đây được gọi là “GIS ARTA” – tức sử dụng các kênh của mạng dân sự hiện có để truyền dữ liệu. Thực tế đó là một điểm yếu, chúng dễ dàng bị phá vỡ, sau đó Ukraine nghi ngờ bị Nga hack.

Đồng thời, Ukraine đang nỗ lực để giảm tải các mạng di động. Từ ngày 10/10, Ukraine yêu cầu mọi người cần cài đặt các ứng dụng đặc biệt trên điện thoại thông minh của họ để sử dụng cho liên lạc tầm ngắn như máy bộ đàm. Làm như thế không chỉ để cải thiện tính ổn định của toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc mà còn giải phóng khỏi mạng một số lưu lượng truy cập của các hộ gia đình, dành băng thông sử dụng cho nhu cầu quân sự.

Ngoài ra, một số công ty IT lớn của phương Tây đã nhận được lệnh nhanh chóng đưa các tổ hợp xử lý thông tin tự động vào hệ thống chỉ huy của quân đội Ukraine. Tin cho biết, Công ty Palantir của Mỹ sẽ cung cấp cho các đơn vị “lính đánh thuê” người Mỹ (và có thể cả Anh) ở Ukraine hệ thống giám sát vệ tinh MetaConstellation, có khả năng tự động chụp ảnh (quang học, hồng ngoại…) và phân loại vị trí các đối tượng ở nhiều phạm vi khác nhau theo yêu cầu; trong khi Micro Focus, một công ty của Anh đã có mặt tại thị trường Ukraine, hứa hẹn tạo ra một thứ giống như một “bộ xử lý chiến lược” có khả năng cung cấp phân tích tình báo tự động trực tiếp cho Ukraine. Mặc dù hiệu quả của các biện pháp này có thể sẽ không ngay lập tức hiển hiện, nhưng phía Nga cũng không mảy may chờ đợi chúng…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới