Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnÔng Tập đã có quyền lực tuyệt đối

Ông Tập đã có quyền lực tuyệt đối

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bế mạc đại hội diễn ra năm năm một lần vào hôm thứ Bảy (22/10). Đại hội này đã củng cố quyền lực vững chắc của ông Tập Cận Bình và sẽ ra mắt một Ủy ban Trung ương Đảng mới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu tại lễ bế mạc Đại hội 20 ngày 22/10/2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Tờ Reuters đưa tin, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ ba kéo dài năm năm. Theo đó, ông Tập đã phá vỡ tiền lệ cầm quyền sau một thập kỷ bằng cách xóa bỏ giới hạn tuổi tác và nhiệm kỳ của lãnh đạo mà ông Đặng Tiểu Bình đã xác lập. Ông cũng trở thành người cai trị quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông.

Ban lãnh đạo mới sẽ được công bố vào khoảng trưa ngày Chủ nhật (23/10), khi ông Tập tiến vào Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Thứ tự các ủy viên thường vụ bước vào sau ông sẽ phản ánh cấp bậc và chức vụ của họ.

Trong một khoảnh khắc bất thường trong lễ bế mạc, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ngồi cạnh ông Tập bị đưa ra khỏi hội trường. Ông Hồ Cẩm Đào năm nay 79 tuổi, dường như không chịu rời đi khi các nhân viên phục vụ hộ tống ông ra ngoài. Ông dường như đi lại không vững hôm Chủ nhật tuần trước (16/10) và được trợ giúp trên cùng một hội trường.

Đoạn video của The New York Times cho thấy, ông Tập Cận Bình quay mặt về phía ông Hồ Cẩm Đào. Khi ông Hồ Cẩm Đào được đỡ dậy, ông muốn quay lại và ngồi xuống thì một nhân viên khác tiến tới hỗ trợ “đưa” ông đi. Trước khi rời hội trường, ông Hồ Cẩm Đào nói gì đó với ông Tập, ông Tập chỉ gật đầu. Sau đó ông Hồ vỗ vào cánh tay của ông Lý Khắc Cường, trông như động tác cổ vũ tinh thần, theo tờ Visiontimes.

Ủy ban Trung ương mới gồm 205 thành viên. Nhân sự của Ủy ban này được các đại biểu bầu vào cuối đại hội 20. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Khắc Cường sắp mãn nhiệm và ông Uông Dương không nằm trong danh sách. Ông Uông Dương được cho là nhân vật tiềm năng cho chiếc ghế thủ tướng.

Các nhà phân tích nhận định rằng, sự vắng mặt của hai nhân vật này là dấu hiệu cho thấy, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực có thể sẽ chỉ gồm những nhân vật thân cận với ông Tập.

Ông Chen Gang, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á ở Singapore, cho biết: “Chủ đề chính của đại hội này là làm nổi bật địa vị cốt lõi của ông Tập, theo như bản sửa đổi Điều lệ đảng và báo cáo”.

“Với đại hội này, quyền lực của ông Tập thậm chí còn được củng cố nhiều hơn nữa. Trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến sự tập trung quyền lực xung quanh ông Tập và xung quanh trung ương”, ông nói.

Phân tích nguyên nhân ông Hồ Cẩm Đào ‘bị xốc nách’ khỏi phiên bế mạc Đại hội 20

Đội hình mới thiếu vắng hai quan chức chủ chốt
Ông Lý Cường và ông Uông Dương năm nay đều 67 tuổi. Ông Lý sẽ từ chức thủ tướng vào tháng 3, còn ông Uông hiện là người đứng đầu Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Do đó, ông Uông được cho là có đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tuổi tác của Trung Quốc để phục vụ thêm năm năm trong Ủy ban Thường vụ. Ủy ban này hiện có bảy thành viên.

Theo các nhà phân tích và giới truyền thông, cả ông Lý và ông Uông đều không có quan hệ lâu năm với ông Tập. Ông Tập được cho là có thể sẽ đưa bốn gương mặt mới vào Ủy ban Thường vụ.

Đổi lại, ông Lý và ông Uông đều có mối quan hệ với Đoàn Thanh niên Cộng sản. Các chuyên gia cho rằng, quyền lực của tổ chức này đã bị mai một không ít dưới thời ông Tập.

Thủ tướng được giao nhiệm vụ giám sát nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng, tầm ảnh hưởng của vị trí này đã bị “suy yếu” do ông Tập không ngừng củng cố quyền kiểm soát của mình trong suốt một thập kỷ cầm quyền.

Một học giả chính trị ở Bắc Kinh giấu tên nhận định rằng, ông Lý Cường là “tiếng nói đối lập” duy nhất trong Ủy ban Thường vụ.

“Nhìn từ bề ngoài, ông Tập có thể tự do làm bất cứ điều gì ông ấy muốn. Điều đó có nghĩa là ông ấy không còn phải đối mặt với bất kỳ sự kháng cự hay kiểm tra và cân bằng quyền lực nào trong Ủy ban Thường vụ. Tất cả các chính sách trong tương lai sẽ được thực hiện theo ý muốn của ông ấy”, vị học giả nhận định.

Các thành viên hiện tại của Ủy ban Thường vụ là Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), 67 tuổi, và Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), 65 tuổi, đều được tái đắc cử vào Ủy ban Trung ương và dự kiến sẽ được tái bổ nhiệm vào Ủy ban Thường vụ.

Hai ủy viên Ủy ban Thường vụ khác đã quá tuổi và sẽ nghỉ hưu.

Các sửa đổi Điều lệ đảng củng cố địa vị của ông Tập
ĐCSTQ đã thông qua các sửa đổi Điều lệ đảng nhằm củng cố địa vị cốt lõi của ông Tập và vai trò định hướng của tư tưởng chính trị của ông trong nội bộ đảng với khoảng 96 triệu thành viên.

Trong số các sửa đổi, “Hai xác lập” xác định ông Tập là nhà lãnh đạo “cốt lõi” của ĐCSTQ và các ý tưởng của ông là các nguyên tắc mang tính chỉ đạo cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc. “Hai bảo vệ” bảo đảm địa vị “cốt lõi” của ông Tập trong đảng và quyền lực tập trung của đảng đối với Trung Quốc.

Một sửa đổi khác quy định “phát triển tinh thần chiến đấu, tăng cường khả năng chiến đấu” trong Điều lệ đảng. Trong khi đó, lời kêu gọi phản đối và răn đe những thành phần ly khai đòi độc lập cho Đài Loan cũng lần đầu tiên được đưa vào Điều lệ đảng.

Việc biểu quyết được tiến hành bằng cách giơ tay tại Đại lễ đường Nhân dân rộng lớn của Bắc Kinh, nơi phần lớn các chương trình nghị sự trong tuần đã diễn ra sau những cánh cửa đóng kín.

Tại cuộc họp toàn thể đầu tiên vào hôm 23/10, Ban Chấp hành Trung ương mới của ĐCSTQ sẽ chọn ra 25 thành viên của Bộ Chính trị tiếp theo và các nhân sự cốt cán của Ủy ban Thường vụ mới.

Chiếc ghế quyền lực của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, 69 tuổi, dường như không bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng, những thất vọng về chính sách Zero COVID hay sự cô lập ngày càng tăng của phương Tây đối với Trung Quốc. Đặc biệt, tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi ông ủng hộ Tổng thống Nga Putin trong cuộc xung đột với Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới