Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnSố phận Hồ Hải Phong- Con trai Hồ Cẩm Đào sẽ ra...

Số phận Hồ Hải Phong- Con trai Hồ Cẩm Đào sẽ ra sao?

Sự kiện cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bị đưa ra khỏi cuộc họp bế mạc Đại hội 20 hôm 22/10 vẫn đang được ngoại giới bàn luận sôi nổi. Dự đoán, sự nghiệp chính trị của con trai ông là Hồ Hải Phong sẽ càng thụt lùi.

Trưa ngày 22/10, hai nhân viên đưa ông Hồ Cẩm Đào rời đi trong khi lễ bế mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ chưa kết thúc.

Đoạn video quay cảnh ông Hồ Cẩm Đào bị nhân viên cưỡng chế rời khỏi hội trường hôm 22/10 đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội hải ngoại. Trong quá trình “bị mời ra”, có thể thấy ông Hồ Cẩm Đào tỏ ra không hài lòng và chống cự nhiều lần.

Reuters, AFP và nhiều kênh truyền thông quốc tế khác đều đưa tin về cảnh tượng bất thường này, và nói rằng ông Hồ Cẩm Đào bị hộ tống ra ngoài, “ông ấy dường như từ chối rời đi”.

Con trai ông Hồ Cẩm Đào là đại biểu tham dự Đại hội 20, cũng ngồi trong hội trường
Ông Hồ Hải Phong, con trai duy nhất của ông Hồ Cẩm Đào, sẽ bước sang tuổi 50 vào tháng tới, hiện là Bí thư Thành ủy Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang. Vào tháng 6 năm nay, ông Hồ Hải Phong được bầu làm đại biểu tỉnh Chiết Giang tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông đã đến Bắc Kinh tham dự và vẫn kín tiếng như thường lệ.

Đoạn video do Chiết Giang Nhật báo (Zhejiang Daily) phát hành vào ngày 14/10 cho thấy, ông Hồ Hải Phong và các đại biểu khác đã đến Bắc Kinh bằng chuyên cơ. Với mái tóc hoa râm, tay phải cầm cặp táp, tay trái cầm túi giấy, ông bước xuống máy bay và vội rời đi mà không nhìn vào máy ảnh.

Ông không nhận trả lời phỏng vấn trong khuôn khổ đại hội, nhưng đã lên tiếng bày tỏ lòng trung thành với ông Tập Cận Bình khi các đại biểu thảo luận về báo cáo Đại hội 20 của ông Tập. Do đó, ngoại giới cho rằng ông Hồ Hải Phong đã tận mắt chứng kiến cảnh cha ông bị đưa ra ngoài.

Cùng ngày, toàn bộ video và thông tin về việc ông Hồ Cẩm Đào “bị mời đi” cũng bị chặn ở Trung Quốc. Khi tìm kiếm từ khóa “Hồ Cẩm Đào” trên Weibo, chỉ thấy một số bài báo do chính quyền đăng tải và không có tin tức mới nhất. Còn tìm kiếm từ khóa “Hồ Hải Phong” lại không ra kết quả, điều đó có nghĩa là tên của ông Hồ Hải Phong đã trở thành một từ nhạy cảm.

Ban đầu, ngoại giới phỏng đoán rằng ông Hồ Hải Phong sẽ được thăng chức sau Đại hội 20. Tuy nhiên, trong danh sách các ủy viên dự khuyết của Đại hội 20 không có tên ông Hồ Hải Phong, sự nghiệp của ông đã thụt lùi so với nhiều quan chức đồng cấp cùng trong thế hệ sinh sau năm 1970.

Báo Hong Kong: Sự nghiệp chính trị của Hồ Hải Phong bị cản trở vì cha ông
Ông Hồ Cẩm Đào không còn giữ bất kỳ chức vụ nào tại Đại hội 18 và hoàn toàn ủng hộ việc Tập Cận Bình lên ngôi. Sau đó con trai ông là Hồ Hải Phong chuyển sang hoạt động chính trị vào tháng 5/2013 và giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. Ba năm sau, ông Hồ Hải Phong được thăng chức Thị trưởng Gia Hưng, trở thành thị trưởng trẻ nhất của một thành phố trực thuộc tỉnh ở Chiết Giang.

Năm 2018, ông Hồ Hải Phong được thăng chức Bí thư Thành ủy Lệ Thủy, tính đến nay đã hơn 4 năm. Trong thời kỳ này, nhiều lần rộ lên thông tin rằng ông sẽ được thăng lên cấp phó tỉnh, nhưng cuối cùng đều không phải. Trước đó truyền thông Hong Kong nói rằng, sự nghiệp chính trị của Hồ Hải Phong bị cản trở vì cha ông.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, ông Hồ Cẩm Đào đã bỏ dở cuộc họp bế mạc vì thấy không khỏe. Về vấn đề này, cư dân mạng “Pincong” bình luận như sau:

“Nếu nói ông Hồ Cẩm Đào mắc bệnh, vậy con trai ông ấy sẽ ra sao? Năm 2018 được điều đến Lệ Thủy làm Bí thư Thành ủy tới nay đã 4 năm, ông ta cũng sắp 50 tuổi rồi. Khi Tập Cận Bình 48 tuổi đã đứng đầu tỉnh Phúc Kiến, còn con trai Hồ Cẩm Đào đã 50 tuổi nhưng vẫn là bí thư của một thành phố trực thuộc tỉnh, còn nói không phải bị đàn áp? Nếu không phải do ông Hồ Cẩm Đào chủ trương ngược lại, thì sao phe kia lại đàn áp con trai ông ấy? Tất nhiên, từ một góc độ khác có thể thấy ông Hồ Cẩm Đào không có chút quyền lên tiếng nào. Ngay cả việc đưa con trai vào tỉnh ủy, ông ấy cũng không làm được, mà lại muốn phản kháng tại đại hội, bị đưa ra ngoài cũng không có gì đáng ngạc nhiên”.

Tín hiệu chấm dứt thế lực phe Hồ trong ĐCSTQ?
Tờ Deutsche Welle của Đức đưa tin, khi ông Hồ Cẩm Đào còn tại vị, ông bị một số người coi là không đủ mạnh mẽ. Phong cách của ông ấy không giống ông Tập Cận Bình, ông Hồ chú trọng hơn đến “tập thể lãnh đạo” (quyền lực nằm trong tay một tập thể các nhà lãnh đạo) và luôn cân bằng thế lực của các phe phái trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Theo BBC, những năm ông Hồ Cẩm Đào cầm quyền được coi là thời kỳ cởi mở và khoan dung hơn đối với những tư tưởng mới.

Ông Trịnh Húc Quang (Zheng Xuguang), một học giả gốc Hoa tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times vào ngày 22/10 rằng, có lẽ ông Tập muốn dọn sạch thực địa trước khi biểu quyết nên mới mời ông Hồ Cẩm Đào ra ngoài. “Có thể là do ông Hồ cực kỳ bất mãn với việc Lý Khắc Cường và Uông Dương bị hạ, bởi vì rất có thể phe Đoàn gần như bị xóa sổ”.

Trong danh sách Ủy viên Trung ương khóa mới không có tên ông Lý Khắc Cường và ông Uông Dương, đồng nghĩa với việc hai ông này bị loại khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Đây là hai chính trị gia đi lên từ tổ chức Đoàn Thanh niên ĐCSTQ, trong đó nhân vật tiêu biểu là ông Hồ Cẩm Đào, nên đây còn được gọi là “phe Đoàn” hay “phe Hồ”.

Ông Hồ Bình (Hu Ping), một nhà văn chính luận sống ở thành phố New York, Mỹ, và là Tổng biên tập danh dự của tờ Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), đã chia sẻ quan điểm với VOA. Ông cho rằng, do Hồ Cẩm Đào đã gần 80 tuổi nên việc ông ấy đột ngột rời khỏi hội trường cũng có thể là do vấn đề sức khỏe. Nhưng vì vị cựu lãnh đạo này là người đứng đầu phe Đoàn, nên sự việc này bị ngoại giới coi là tín hiệu chấm dứt thế lựuc phe Đoàn trong ĐCSTQ.

The New York Times phân tích rằng, giống như nhiều sự kiện khác trong chính trị của ĐCSTQ, sự thật có thể không bao giờ được tiết lộ cho thế giới. Tuy nhiên, vụ việc lần này lại diễn ra vào thời điểm ngay sau khi các phóng viên được phép vào hội trường, nó có thể đang ám thị điều gì đó.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới