Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc. Nhưng tuyên bố của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc về “những vấn đề nóng” của Trung Quốc đang khiến dư luận Đài Loan tiếp tục “nóng” lên.
Những vấn đề “nóng” ông Tập Cận Bình nêu trong báo cáo khai mạc, như: sửa đổi Điều lệ Đảng, mô hình phát triển, thống nhất Đài Loan, cạnh tranh Mỹ -Trung…Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng, Mỹ và Đài Loan hẳn sẽ quan tâm nhiều nhất tới quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.
Thực ra, trước Đại hội, Đài Loan từng là câu chuyện “nóng” rồi. Hồi tháng 8 năm nay, nó thậm chí còn nóng rãy như quẩy trong chảo mỡ khiến nhiều người hốt hoảng tưởng như chiến tranh nổ ra đến nơi, khi đích thân ông Tập Cận Bình cảnh báo về cái gọi làn”lằn ranh đỏ” nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ – bà Pelosi – tới thăm Đài Loan.
Chao chát một một hồi giữa đôi bên, bà Pelosi vẫn tới cùng sự hộ tống tới mức chưa từng thấy của Lầu Năm Góc trong sự hồi hộp của dư luận. Và cuối cùng, người ta lần đầu kiểm nghiệm được khi Washington chạm “lằn ranh đỏ”, Bắc Kinh sẽ làm gì?
Cũng chỉ tới mức tập trận. Dù đây là cuộc tập trận quy mô chưa từng thấy với sự tham gia của hải quân, không quân, với mục tiêu giả định bao vây Đài Loan…, tuy nhiên, một khi ánh hỏa châu của quân đội Trung Quốc chỉ chói lòa khi chuyên cơ chở bà Pelosi đã rời xa vạn dặm cho thấy, Trung Quốc chưa hề là gã côn đồ say máu liều mạng khi đứng trước đối thủ dự đoán là có thể còn côn đồ hơn, là Mỹ.
“Chúng ta sẽ tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp thống nhất hoà bình bằng sự chân thành và nỗ lực cao nhất, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hứa từ bỏ vũ lực, chúng ta bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết. Điều này chỉ nhằm vào sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và một số thành phần ly khai đang tìm kiếm ‘độc lập cho Đài loan’ và các hoạt động ly khai của họ, chứ không nhằm vào những người Đài Loan yêu nước”.
Người ta không khó để lọc, lĩnh hội ý tứ ông Tập trong tuyên bố trên. Nói cách khác, dù không nói thẳng, nhưng bằng cái sự úp mở “nhằm vào các thế lực bên ngoài và một số thành phần ly khai” trong lời ông Tập, dư luận hiểu là người đàn ông này muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ.
Trong vấn đề Đài Loan, Mỹ là kẻ to mồm nhất. Chính Mỹ bênh ra mặt và cổ vũ các nhà lãnh đạo xứ Đài chơi trò cứng rắn với Trung Quốc. Cái tức của Bắc Kinh, là Washington làm điều đó trong khi luôn miệng thừa nhận “một Trung Quốc”. nhưng lại “phản đối đơn phương thay đổi hiện trạng”.
Thậm chí gần đây, “trò nước đôi”, cách nói mập mờ về câu chuyện Đài Loan, ông Biden còn bỏ hẳn; thay vào đó là các tuyên ngôn rõ ràng, sòng phẳng hơn nhiều.
Cụ thể, giữa tháng 5 năm nay, trong chuyến công du Nhật Bản, ông chủ Nhà trắng đã ranh mãnh lợi dụng câu hỏi xóc óc “Liệu Mỹ có can thiệp quân sự chống lại nỗ lực nhằm kiểm soát Đài Loan của Trung Quốc hay không?” của cánh báo chí để nói huỵch toẹt ra cái điều mà Nhà trắng tuy chưa nói nhưng sẵn sàng làm, rằng: “Mỹ sẽ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan và Mỹ sẽ sát cánh với các quốc gia khác để bảo đảm Trung Quốc không thể sử dụng vũ lực với Đài Bắc”.
Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 9, khi đài CBS đề nghị làm rõ rằng “liệu ý của ông (Biden) có phải là, khác với tình hình Ukraine, binh lính Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Bắc Kinh tấn công hay không?”, ông Biden nói: “Đúng vậy”.
Câu đáp gọn lỏn, sắc lẹm như dao của ông Biden được giới truyền thông đánh giá là “tuyên bố cứng rắn nhất từ trước đến nay về vấn đề Đài Loan” của Mỹ, thời điểm đó, từng khiến Bắc Kinh nổi khùng, chỉ trích phát biểu này “đi ngược với cam kết của Washington rằng không ủng hộ Đài Loan độc lập”.
“Nói vậy mà không phải vậy” hóa ra đâu chỉ là sách của Trung Quốc. Thực tế, trong vấn đề Đài Loan, Mỹ còn tỏ ra cao thủ hơn, chẳng còn bóng gió gì nữa.
Vậy nên, cái sự “bóng gió” ngụ ý của ông Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng lần thứ 20 – sự kiện được coi là trọng đại của quốc gia 1,7 tỷ dân – nói cho cùng, có thể được hiểu: trước Mỹ, Trung Quốc miệng thì hùng hổ thế thôi, còn bên trong, còn lâu lâu nữa mới qua khỏi sự tự ti, mặc cảm.
T.V