Saturday, September 7, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Giận quá mất khôn”!

“Giận quá mất khôn”!

Ngay sau khi tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiệm kỳ thứ ba, Ông Tập Cận Bình đã truyền đi thông điệp muốn “giảng hòa” với Mỹ, không để kéo dài tình trạng “giận quá mất khôn”.

Cụ thể, hôm 26/10, ông Tập đã phát biểu tại một sự kiện của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ -Trung Quốc. Chủ tịch Tập cho biết, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ để tìm cách tháo cởi những bất hòa, vì lợi ích của cả hai nước. Thông tin này được Truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin đậm nét hôm 27/10. Nguồn tin được chú ý bởi đây là tín hiệu phát đi trước thềm cuộc gặp có thể diễn ra giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Indonesia, nhân hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới.

Người đứng đầu Trung Nam Hải nêu rõ: Với tư cách là hai cường quốc, Trung Quốc và Mỹ nên gác lại bất đồng, tăng cường giao tiếp và hợp tác để góp phần mang lại sự ổn định cho thế giới.

Những mâu thuẫn trong các chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan, mối quan hệ của Trung Quốc với Nga và gần đây là những nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn các công ty bán dẫn của họ bán công nghệ cho các công ty Trung Quốc… đã làm cho hố ngăn cách hai “Ông lớn” ngày càng rộng và sâu hơn. Vẫn biết cả hai bên đều tìm cách phủ lên cái hố ấy một tấm thảm dẫu còn thô kệch, vụng về.

Tấm thảm ấy có lúc bị lột trần, đáng chú ý là khi các nhà lập pháp Mỹ liên tục tới thăm Đài Loan. Trung Quốc gọi đó là “những tín hiệu nguy hiểm” về hòn đảo có chính quyền dân chủ, mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ. Chính Tập Cận Bình đã lên án sự can thiệp của nước ngoài đối với Đài Loan. Ông tuyên bố, Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực đối với hòn đảo.

Về phía Mỹ, cũng đúng vào hôm 26/10, Tổng thống Joe Biden đã phát biểu rằng “Mỹ không mong có xung đột với Trung Quốc. Cần giữ các đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc”.

Cần phải tháo ngòi nổ từ đâu? Trong lúc này, theo các nhà phân tích nên bắt đầu từ Đài Loan, vì câu chuyện này đã kéo dài trong nhiều thập niên. Vào những năm 1970, thế kỷ trước, mặc dù Trung Quốc có được sự công nhận của Mỹ và cộng đồng quốc tế, nhưng tiềm lực chưa đủ lớn mạnh, đất nước còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, Đài Loan lại nhận được sự hậu thuẫn lớn mạnh từ Mỹ và tiến trình dân chủ hóa diễn ra thuận lợi.

Trong giai đoạn đó, Trung Quốc không có khả năng để tiến hành một cuộc tấn công thu hồi Đài Loan. Nay thì tình hình đã khác xa. Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đang ở vị trí cạnh tranh với Mỹ. Đài Loan tuy có những bước phát triển mới nhưng không còn những ưu thế như thời kỳ trước. Thế cho nên để tách ra thành một quốc gia độc lập, Đài Bắc buộc phải dựa vào Mỹ và đồng minh.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, xác định Trung Quốc là đối thủ mạnh nhất trong cuộc chiến giành vị trí lãnh đạo toàn cầu, Mỹ đã có nhiều biện pháp nhằm cản trở Trung Quốc, trong đó có việc thúc đẩy hợp tác với Đài Loan. Mục đích trực tiếp của hợp tác là răn đe Trung Quốc không phá vỡ hiện trạng bằng cuộc tấn công vũ trang.

Dưới thời tổng thống Donald Trump cho tới nay, Mỹ đã đẩy mạnh hợp tác với Đài Loan, phớt lờ mọi phản ứng dữ dội từ chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, Washington luôn tuyên bố không ủng hộ Đài Loan độc lập, và mong muốn giữ nguyên hiện trạng để ngăn chặn một cuộc đổ bộ tấn công từ Trung Quốc. Vì lẽ đó, Trung Quốc càng quyết tâm thống nhất Đài Loan bằng biện pháp hòa bình và tuyên bố sẽ không nhượng bộ tác động ngoại quốc.

Đài Loan vì thế bị kẹt trong thế lưỡng nan dưới hai cấp độ, một là, vấn đề lịch sử thăng trầm, phức tạp trong quan hệ Mỹ – Trung, hai là, một vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng trong cuộc cạnh tranh nước lớn. Thế giằng co này đang ngày càng quyết liệt và khó dự đoán. Đài Loan khó mà thoát khỏi thế kẹt giữa toan tính của hai nước Trung Quốc và Mỹ trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, các chiến lược quân sự.

Sau Đài Loan là vấn đề Biển Đông, rồi đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc. Toàn là những vấn đề hóc hiểm, không dễ thương lượng bằng con đường ngoại giao. Thế nhưng, vào lúc đang phấn chấn vì tiếp tục giữ ngôi cao nhất trong Đảng, bất chấp việc vi phạm Điều lệ Đảng, Tập Cận Bình buộc phải có lời vuốt ve chính quyền Mỹ.

“Giận quá mất khôn”, đúng là như thế! Nhưng khi cả hai bên “bớt giận làm lành” thì khối mâu thuẫn vẫn chình ình ra đấy. Mâu thuẫn chỉ được xóa bỏ khi Đài Loan thuần phục Đại lục, khi Bắc Kinh từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Đòi hỏi như thế thì quá bằng mơ thấy tuyết rơi giữa mùa hè.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới