Ngày nay các cường quốc đang chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh, vì dòng vũ khí này có khả năng tấn công từ xa với vận tốc lớn. Không chỉ có vậy, nó còn không thể bị phát hiện và bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Không phải bàn cãi gì, ba cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc chính là những ông chủ lớn của kho vũ khí hiện đại được ví như con dao hai lưỡi.
Thật khó có thể hình dung, khi vũ khí siêu thanh bay nhanh hơn nhiều lần so với vận tốc âm thanh. Cụ thể tên lửa siêu thanh có thể bay với vận tốc Mach 5 (lớn hơn 5 lần vận tốc âm thanh) và có thể tăng lên tới Mach 25.
Tên lửa liệng siêu thanh là một kiểu đặc biệt của phương tiện hoặc đầu đạn có thể quay trở lại trái đất, sau khi tách ra khỏi phương tiện mang là tên lửa đạn đạo. Nga là quốc gia đi đầu phát triển thành công tên lửa liệng siêu thanh Avangard. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga là nước đầu tiên trên thế giới phát triển thành công vũ khí chiến lược này. Nhờ đó, an ninh quốc gia của Nga trong nhiều năm tới được bảo đảm.
Bộ Quốc phòng Nga từng thông tin về việc bắn tên lửa siêu thanh Kinzhal hồi tháng 3/2022. Tên lửa đã phá hủy một kho vũ khí gần thành phố Ivano-Frankovsk nằm sâu ở khu vực miền tây Ukraine. Đây là lần đầu vũ khí siêu thanh được sử dụng trong chiến đấu.
Chẳng chịu thua kém ông hàng xóm, Trung Quốc gần đây cũng thành công trong phát triển tên lửa liệng siêu thanh DF-ZF, phóng từ tên lửa đạn đạo tầm gần DF-17. “Quái vật” DF-ZF được coi là vũ khí hữu hiệu đè bẹp chiến lược chống tiếp cận/ngăn chặn khu vực, chủ yếu là ngăn chặn lực lượng tác chiến của cụm tàu sân bay tấn công ngoài bờ biển.
“Người khổng lồ” Mỹ, không mấy quan tâm tới tên lửa liệng siêu thanh chiến lược mang đầu đạn hạt nhân. Lầu Năm Góc tập trung xây dựng ba hệ thống có triển vọng tương tự như tên lửa liệng siêu thanh, gồm: vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183A; vũ khí siêu thanh tầm xa phóng từ mặt đất; hệ thống tấn công nhanh toàn cầu. Ba hệ thống này đáp ứng khả năng nhanh chóng giao chiến với hàng loạt mục tiêu ở tầm xa.
Tuy hướng đi, cách thức khác nhau nhưng cả “ba con hổ lớn” đều đặt mục tiêu phát triển vũ khí siêu thanh nhằm tăng cường năng lực răn đe chiến lược và đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ bên ngoài. Dốc sức đầu tư với nguồn lực lớn cho nên Nga được cho là đã vượt Mỹ trong phát triển vũ khí siêu thanh. Đây sẽ là loại vũ khí có thể giúp Nga đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài, trong đó, đáng lo ngại là kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu” của Mỹ.
Về phía Mỹ, bước sang thế kỷ 21, nước này bắt đầu đề xuất kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu”, phát triển công nghệ siêu thanh, với mục tiêu chủ yếu là kiềm chế các đối thủ tiềm năng là Nga và Trung Quốc. Lầu Năm Góc tăng cường triển khai quân sự ở châu Âu để đối phó Nga, ở hướng biển Hoa Đông và Biển Đông để duy trì thế kiềm chế Trung Quốc.
Kế hoạch “tấn công nhanh toàn cầu” đối với Mỹ là một lựa chọn có hiệu quả cao, vận dụng tác chiến linh hoạt. Trong khi đó, tên lửa liệng siêu thanh có sát thương phụ nhỏ, nên sử dụng tác chiến linh hoạt. Chưa kể đến tính ưu biệt, do tốc độ bay nhanh, độ chính xác tấn công cao, thậm chí vũ khí siêu thanh không mang đầu đạn, vẫn có thể thông qua động năng để trực tiếp tiêu diệt mục tiêu, thích hợp cho tấn công đánh đòn phủ đầu vào các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân – cho hay: vũ khí siêu thanh của Mỹ không giống những vũ khí đang được phát triển ở Trung Quốc và Nga. Chúng đang được thiết kế để mang vũ khí thông thường chứ không phải vũ khí hạt nhân.
Ông này nói để an lòng hàng xóm, nhưng các đối thủ tiềm năng của Mỹ chả ai tin. Làm sao mà biết được liệu vũ khí như vậy có thực sự mang đầu đạn hạt nhân khi nó đang bay hay không? Vì thế, điều các chuyên gia quân sự cảnh báo về một kịch bản chạy đua vũ trang giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga nhằm phát triển vũ khí siêu thanh đã thành hiện thực.
Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, vũ khí siêu thanh sẽ là nhân tố gây bất ổn định trên từng khu vực và toàn cầu. Tốc độ siêu nhanh này sẽ khởi nguồn cuộc chạy đua vũ trang mới, thậm chí đe dọa sự sống còn và phát triển của toàn nhân loại.
Các cường quốc cần đạt được thỏa thuận trong phát triển loại vũ khí nguy hiểm này và hạn chế tối đa quy mô của chúng ở cấp độ cao, tạo sự cân bằng chiến lược giữa các cường quốc, duy trì nền hòa bình, ổn định lâu dài. Nếu không, vũ khí siêu thanh sẽ trở thành lưỡi hái tử thần siêu giết người.
Trong thế giới hỗn mang và bất trắc, ai đe dọa ai đây? Không có thứ “phòng thủ” trên đầu lưỡi. Nói phòng thủ tốt chính là nắm chắc phần thắng chỉ là cách lí sự về mặt lí thuyết. Mà tên lửa siêu thanh thì bay nhanh hơn tiếng nói.
Xin nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà báo Julius Fucik, tác giả thiên phóng sự Viết dưới giá treo cổ: “Hỡi loài người , hãy cảnh giác!”.
H.Đ