Monday, October 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgẫm lời ông Tập Cận Bình

Ngẫm lời ông Tập Cận Bình

“Không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta”. Đó là tuyên bố của ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, trong cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày 31/10 vừa qua.

Ảnh. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cho dù nhìn dưới giác độ nào thì chuyến thăm chính thức Trung Quốc của người đứng đầu Đảng CSVN – ông Nguyễn Phú Trọng, cũng được dư luận đánh giá là sự kiện đặc biệt.

Đặc biệt vì nó diễn ra ngay sau bế mạc của Đại hội lần thứ 20 Đảng CSTQ gắn với việc ông Tập Cận Bình tái cử cương vị Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Đặc biệt vì, tại đại hội này, Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới chính thức được thông qua và đưa vào Điều lệ Đảng – một trong những văn kiện quan trọng nhất của Đảng CSTQ.

Và thêm một điều đặc biệt nữa, ông Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc sau Đại hội 20.

Những bình luận suy diễn, coi chuyến thăm Trung Quốc như cuộc “chầu thiên hoàng” thì cần gạt đi. Một người chủ trương và cổ vũ đường lối “ngoại giao cây tre” như ông Nguyễn Phú Trọng: mềm dẻo đấy, nhưng lại cũng cực kỳ cứng rắn. Tất nhiên, đó là sự cứng rắn đi liền với khôn khéo.

Khôn khéo để không làm “cái sảy nảy cái ung” – như thành ngữ Việt Nam. Nó giúp cho Việt Nam xử lý thành công những tình huống nan giải, nhất là những lần gây hấn ngang ngược đầy mưu mô của Trung Quốc, như vụ Giàn khoan Hải dương 981 năm 2014, vụ bãi Tư Chính kéo dài tới 3 tháng trong năm 2019…

Thậm chí, có học giả quốc tế, không đừng được, đã phải ngược dòng dư luận mà khen rằng: trong bối cảnh phức tạp, ứng xử như Việt Nam là phù hợp, khôn ngoan và hiệu quả. Hiệu quả thể hiện qua việc bảo vệ được chủ quyền, hóa giải được các tình huống nóng bỏng mà vẫn giữ được môi trường hòa bình để có điều kiện xây dựng và phát triển đất nước.

Nghi lễ đón tiếp trọng thị nhất dành cho ông Nguyễn Phú Trọng càng cho thấy, những lời chỉ trích, bài xích chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng là không có cơ sở. Đó là chưa kể thái độ cùng cử chỉ mặn mà của ông chủ Trung Nam Hải Tập Cận Bình dành cho ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy một sự bình đẳng nhất mực.

Mà nói cho cùng, ông Tập làm thế là khôn. Cái khôn của một cao thủ biết mình biết ta.

So với Trung Quốc, Việt Nam nhỏ xíu. Nhưng xét trong lịch sử, quốc gia này không thể coi thường, chưa từng chịu khuất phục ai? Đó là chưa kể, thời thế vận động, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn, ngày càng ổn định và đi vào chiều sâu của Trung Quốc với giá trị thương mại hai chiều năm 2021 đạt tới 200 tỷ USD; năm 2022, với những gì đạt được qua 10 tháng, dự đoán, con số này sẽ còn cao hơn nữa…Nghĩa là sự cần nhau là từ cả hai bên, chứ đâu chỉ đơn phương là Việt Nam.

Bằng vào những dữ kiện, dữ liệu đó, mới thấy, trong cuộc hội đàm với ông Nguyễn Phú Trọng ngày 31/10, trước khi nói câu “Không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta hay để bất kỳ thế lực nào làm rung chuyển nền tảng định chế trong sự phát triển của chúng ta”, ông Tập Cận Bình hẳn đã cân nhắc, thận trọng lắm.

Trong hàm ý sâu xa của ông Tập, không thể loại ra khía cạnh tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước láng giềng. Với Việt Nam, thật thế thì là quá tốt.

Tốt bởi đó chính là mong muốn của nhân dân Việt Nam.

Tốt bởi đó là mục tiêu của các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách người đứng đầu Đảng.

Và không thể không nhận thấy, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực, làm hết sức mình vì mục tiêu đó, bất chấp những dèm pha, thị phi, thậm chí xuyên tạc từ nhiều phía, trong đó có cả những lời đổ vấy cho các nhà lãnh đạo Việt Nam là “hèn”, là “sợ Trung Quốc” đến mức bán đứng lợi ích đất nước; đến mức hy sinh chủ quyền lãnh thổ, biển đảo quốc gia.

Thế nên, nếu thực sự câu nói trên của ông Tập Cận Bình là những lời gan ruột của nhà lãnh đạo một “cường quốc trỗi dậy trong hòa bình” – như Bắc Kinh từng nhiều lần khẳng định – thì việc thực thi, dù khó khăn, vẫn có thể làm được, bởi đó là điều Việt Nam cùng mong muốn và rất sẵn sàng.

Còn lại, chỉ là Trung Quốc quyết tâm hay không mà thôi, trong việc tỏ ra thực sự là nước tôn trọng công pháp quốc tế, thay vì cuồng lên với những tham vọng bất chính trên Biển Đông.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới